Thói hư, tật xấu hay “hội chứng” thích được khen
(Dân trí) - Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn hiện đang dành nhiều tâm huyết cho một cuốn sách mà có lẽ sẽ là một trong những cuốn được chờ đợi nhất: Cuốn sách sẽ có nội dung phản ánh về những thói hư, tật xấu của người Việt Nam.
Ông cho biết: “Người Việt Nam hiện nay đang bị đóng băng trong một “hội chứng” rất kém cỏi là chỉ thích được khen. Một trong những thói xấu của người Việt Nam là rất sợ nói đến thói xấu của mình. Tôi chê ai đó một chút, có khi mất luôn tình bạn. Tôi khen ai đó, có khi không thân cũng trở thành thân. Đúng là cả xã hội đang đóng băng trong sự tự khen thưởng”. Đó là một điều rất đáng phê phán.
Diễn đàn dân trí kỳ này sẽ đề cập đến vấn đề: Chúng ta cần dũng cảm lên án thói hư tật xấu của chúng ta để từ đó biết sửa mình. Vậy ý kiến của các bạn như thế nào?
| |
|
Thực ra để kể những thói xấu của mình thì đầy rẫy, bởi 100 người thì cũng không kiếm được 1 người hoàn hảo. Có những lúc tôi thấy mình bị sao nhãng những việc làm của mình, không vào đúng khuôn phép.
Tôi muốn được nghe những lời chê từ khán giả hơn là nghe những lời khen. Khen không biết là thật hay không thật thì thà nói thẳng vào mặt tôi còn hơn. Quan điểm của tôi là không giấu dốt.
Và tôi luôn dũng cảm đối mặt với điều đó.
Tôi có không ít tật xấu và tôi biết mình không hoàn hảo từ lâu rồi (cười). Người Việt mình thói xấu cũng nhiều, có những thứ là căn tính, nhưng cũng có những thứ xuất phát từ bản năng tự vệ, tự tâm lý mà ra. Nói người Việt mình xấu xí thì người nước nào cũng xấu xí cả thôi.
Những thói hư tật xấu của không ít người Việt: - Cư xử thô lỗ nơi công cộng: khạc nhổ tự do, đi đứng nghênh ngang, chỉ trỏ vung vít. - Thiếu độc lập trong suy nghĩ. Nói tục, chửi bậy. - Tự ti, vọng ngoại. - Tư tưởng vị kỉ, tiểu nông, nặng về dòng họ, quê quán, làng mạc. - Thói hám danh lợi (thích làm quan, ghét buôn bán, ngại làm thợ). - Tùy tiện, vô kỷ luật (xả rác ở bất cứ đâu, bỏ qua mọi quy tắc giao thông khi lưu thông trên đường, đi trễ về sớm, không đúng hẹn...). - Làm việc thiếu tập trung, thiếu tự giác. - Lối sống khoa trương, trọng hình thức. - Ít có thói quen nhường người già, phụ nữ, trẻ em. - Tò mò, tọc mạch chuyện cá nhân của người khác. |
Quang Tuấn (Giám đốc Mỹ thuật Tạp chí Đẹp, Người đẹp VN): Tôi hay vượt đèn đỏ
Tôi có rất nhiều thói xấu, nhưng tiêu biểu nhất là hay... vượt đèn đỏ. Mỗi ngày đi làm, tôi phải đi qua tới 10 cái đèn đỏ, nhưng vượt thì cũng phải đến... 8 cái.
Tôi cũng biết như thế là không nên, nhưng... (cười). Cũng có lần tôi bị cảnh sát giao thông bắt lại, cũng bị nộp phạt. Song dường như cái cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm, thích thú khi đó cứ luôn tồn tại trong đầu, nên lần sau lại tái diễn. Không cầm lòng được.
Người Việt có thói quen để dành tiền và lười mua sắm, như vậy nghiễm nhiên kéo nền kinh tế đất nước đi xuống.
Ở bên hàng xóm nhà tôi có người để dành nhiều tiền quá, đến mức đổi tiền xong xuôi những mấy năm mới phát hiện mình còn 1 đống tiền để dưới nền nhà. Thật tội nghiệp.
Cái nếp suy nghĩ đó ảnh hưởng đến cả những thế hệ như chúng tôi. Tôi thấy bạn bè tôi, có nhiều người kiếm tiền rất nhiều, nhưng họ không chịu ăn tiêu và chăm sóc bản thân, cũng như không chịu chi những khoản có ích cho gia đình chứ chưa nói đến chuyện làm từ thiện...
Đồng Thị Nhân (PV Tiếp thị & Gia đình): Nguy hại nhất là khiến mình quen với thói xấu
Theo tôi, điều nguy hại nhất của những thói xấu này là tự khiến mình quen dần với chuyện đó, theo mình nhiều người tự hình thành nên thói tự tin thái quá thành tự kiêu. Điều kỳ lạ là, nhiều người dân mình cũng biết đó là thói xấu nhưng vẫn điềm nhiên “phát huy”.
Tôi có một thói xấu là hay cãi cố, hay lý luận, cãi lấy được, không thèm nhận mình sai nên nhiều khi mình cũng bị “hớ”.
Đừng để “Thói hư, tật xấu” trở thành cố tật
Hàng ngày, chúng ta gặp nhan nhản những hành vi lấy cắp nắp cống, hố ga, mấy cái đinh vít, đèn đường, dây điện để bán sắt vụn. Tính chất tiểu nông ấy không chỉ ở nông thôn, ở người nông dân mà nó bao trùm thành ý thức hệ, thành cố tật của tất cả người Việt.
Tính manh mún, tùy tiện còn dẫn tới một tính xấu điển hình là không tôn trọng lời hứa, từ trẻ con tới người lớn, từ người buôn bán nhỏ tới thương nhân, từ thường dân tới quan chức. Chúng ta cởi mở, xuề xòa, đồng nghĩa với dễ dãi.
Khi mới tiếp xúc, bạn bè nước ngoài thấy ta thân mật, dễ chịu nhưng lại rất khó để làm ăn lâu dài được với nhau. Dễ dãi, làm việc thiếu nguyên tắc nên ngay trong quyết định vấn đề làm ăn người Việt cũng xuề xòa, tặc lưỡi gật đầu rồi lại thay đổi quyết định bột phát. Vì vậy khả năng làm kinh tế, thương mại lớn của chúng ta còn rất kém.
Vấn đề hiện tại của chúng ta là phải thay đổi lối tư duy "ngược" để nhìn thẳng vào những điểm xấu, những cố tật của mình. Chúng ta cần có những người có bản lĩnh để nói ra, chỉ ra những điểm đó và càng cần những người nghe dũng cảm. (PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Hà - Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, ĐH Sư phạm Hà Nội) |
Nhóm PV (thực hiện)