Tư vấn pháp luật:
Thời hạn bị tạm giữ là bao lâu?
(Dân Trí) - Mẹ tôi bị nghi ngờ mua bức tượng đồng của kẻ trộm. Nửa đêm, Công an lục soát nhà tôi, đưa cả nhà về trụ sở Công an huyện. Sau khi lấy lời khai, hai anh em tôi được về, còn mẹ tôi bị tạm giữ. Thời hạn bị tạm giữ là bao lâu?
Hai anh em tôi cứ ngỡ sự việc đơn giản, rằng họ chỉ tạm giữ mẹ hôm đó để điều tra hôm sau sẽ được thả về. Nhưng, chúng tôi đợi 4 hôm không thấy tin tức gì. Tôi đã nhiều lần đến hỏi thăm nhưng cũng chỉ đứng ở cổng. Tôi không rõ thủ tục bắt giữ người để điều tra như thế nào. Nhưng với hành vi lục soát nhà, đánh trẻ chưa đủ 18 tuổi và tạm giữ mẹ tôi 10 ngày của công an huyện A như vậy là có đúng pháp luật không? (Hoàng Đinh Dương; Email: troyktd@gmail.com).
Trả lời:
Theo bạn trình bày thì mẹ bạn bị công an bắt vào thời điểm là 23h và không có lệnh bắt. Tại Khoản 3 Điều 80 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS) quy định: “Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và 82 của Bộ luật này”
Tại Khoản 1 Điều 81 BLTTHS quy định: “1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp: Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Khi có người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ”.
Tại Khoản 1 Điều 82 BLTTHS quy đinh: “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đã bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền”
Theo bạn trình bày thì tại thời điểm bắt mẹ bạn, tại nhà trọ nơi mẹ bạn và bạn ở không có tang vật vụ án – bức tượng đồng. Việc bắt mẹ bạn chỉ căn cứ vào lời khai của một đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi. Vì bạn không cung cấp cụ thể tình tiết vụ án nên chúng tôi không thể kết luận được việc bắt giữ mẹ bạn là đúng hay sai. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm khám xét nhà không có bức tượng, mẹ bạn cũng không hề mua bức tượng đó thì việc bắt người trong trường hợp này là không có căn cứ. Và trình tự thủ tục cũng trái quy định. Giả định, nếu những gì chúng tôi trình bày nêu trên là đúng sự thật thì mẹ bạn không thuộc trường hợp theo quy định tại Điều 81, 82 BLTTHS thì không thể bắt mẹ bạn vào ban đêm được. Tại khoản 1 Điều 83 BLTTHS quy định: “Sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”.
Rõ ràng, trong trường hợp này không có lệnh bắt và cũng không có quyết định tạm giữ. Việc Cơ quan công an tiến hành bắt giữ mẹ bạn không theo đúng trình tự thủ tục. Mặt khác, tại Điều 87 BLTTHS quy định: “1. Thời hạn tạm giữ không được quá ba ngày, kể từ khi Cơ quan điều tra nhận người bị bắt; 2. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ, nhưng không quá ba ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày. Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn; trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị gia hạn và tài liệu liên quan đến việc gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn”. Theo quy định này thì thời gian tạm giữ nhiều nhất cũng chỉ là 9 ngày. Việc bắt giữ mẹ bạn 10 ngày là trái quy định.
Theo bạn trình bày, thì khoảng 23h đêm công an có tới lục soát nhà và bắt mẹ bạn, thủ tục khám xét nhà cũng không có lệnh và lập biên bản. Theo quy định tại Điều 143 BLTTHS quy định: “….2. Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến. 3. Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.4. Khi khám chỗ làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến.5. Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong”. Như vậy, việc khám xét nhà trọ là không đúng quy định.
Vì bạn không cung cấp cụ thể đứa trẻ kia chính xác bao nhiêu tuổi, nhưng theo cách bạn trình bày thì đứa trẻ này trên 16 tuổi, do vậy việc lấy lời khai của đứa trẻ này không cần người đại diện tham gia (khoản 5 Điều 135 BLTTHS). Việc mẹ bạn được thả về cũng phải có lệnh và biên bản cụ thể, do vậy thủ tục thả tự do cho mẹ bạn cũng không đúng trình tự.
Trên cơ sở phân tích nêu trên, đối chiếu vào trường hợp cụ thể của mẹ bạn - bạn có thể biết việc bắt tạm giữ mẹ là đúng hay sai quy định của pháp luật. Bạn có thể tham khảo các quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trường hợp, nếu việc bắt giữ người trái quy định bạn có quyền khiếu nại và yêu cầu bồi thường oan sai.
Luật sư Vũ Thị Hiên
Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội
Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5
Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966
Hot-line: 093 366 8166
Email: info@luatdaiviet.vn
Website: http://www.luatdaiviet.vn
Ban Bạn đọc