Bạn đọc viết:

Thời đại và tình thầy trò

(Dân trí)- Tình thầy trò vốn là tình cảm thiêng liêng từ xưa tới nay. Vui sao khi đọc được một câu chuyện về sự tận tụy của cô thầy dành cho học sinh, nhưng cũng xót xa thay khi hình ảnh người thầy đang ngày càng mờ nhạt, không còn nhiều ảnh hưởng tới trò của mình.

Thời đại và tình thầy trò - 1
Một tiết mục văn nghệ của các em học sinh trường THPT Mạc Đĩnh Chi
huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Người thầy xưa

Dù đã sắp kết thúc thời đại học, song mỗi khi nhớ về thời áo trắng, tôi luôn dành một khoảng tâm hồn để nhớ người thầy dạy tôi hồi cấp III. Thầy dạy môn Lịch sử và luôn tận tụy với mỗi học trò mà thầy thường gọi là “quỷ sứ”.

- “Thầy ơi! Mai là ngày giết sâu bọ rồi, thầy mua gì cho chúng em tới giết hết sâu nhà thầy, thầy nhé?

- Thế mấy đứa thích ăn gì nào?”

Chỉ chờ có vậy “bọn quỷ” như được mở tấm lòng cố gắng kể thành thật sở thích của mình: Em thích dưa hấu, em thích mít, còn em thích cái rượu (rượu nếp)…

Thế là buổi học hôm đó kết thúc trong không khí vui vẻ. Chúng tôi vô tư ra về không trông chờ gì vào ngày mai, bởi đó cũng là những câu chuyện, những đòi hỏi vô cớ mà học trò của thầy thường xuyên nghĩ ra.

Rồi ngày mai cũng đến, “bọn quỷ” vẫn đi học như mọi ngày khác, bởi có đứa nào biết được thầy sẽ thực hiện điều ước của ngày hôm qua đâu. Học xong thầy cho chúng tôi nghỉ sớm, đứa nào cũng nghĩ và nói nhỏ với nhau: Chắc thầy tâm lí cho về để giết sâu bọ đấy mà.

Nhưng vừa bước ra khỏi phòng học, thầy bảo: “Mấy đứa sang nhà để giết sâu bọ cho thầy nữa chứ”. Không ai kịp bảo ai, chúng tôi nhìn nhau rồi la lên vui vẻ, chạy một mạch đến nhà thầy. Trên bàn nhà thầy đã đầy những món mà chúng tôi đã ngỏ ý  hôm qua: nào mít, nào dưa, bánh đa rồi cái rượu… Toàn những thứ "bọn quỷ" thích và cứ thế chúng tôi ăn uống vô tư  như ở nhà. Vừa ăn vừa nói chuyện và cũng không quên tranh thủ... nịnh thầy: "Thầy tâm lí thật đấy, chỉ có thầy là hiểu bọn em thôi"….

Thầy nghe thế chỉ cười bởi thầy biết chúng tôi toàn là “quỷ sứ” thích chơi, thích ăn, thích quậy phá nhưng cũng không kém phần thông minh. Chẳng vậy thầy thường nói với chúng tôi: "Trên đời này không có quỷ, không có ma mà chỉ có học trò các em là nhất thôi".

Thời áo trắng cũng qua đi thật nhanh, chúng tôi mang theo những kỉ niệm hồn nhiên, vô tư và trong trẻo như thế theo suốt con đường tương lai của mình. Trên con đường đó, dù phải quay theo guồng quay chóng mặt của công việc, nhưng mỗi khi có một chút thời gian, tôi lại nhớ về nó với sự trân trọng, biết ơn và xen lẫn cả chút nuối tiếc.
 
Tình thầy trò thời hiện đại
 
Thời đó (cách đây 7 năm), thế hệ chúng tôi dù chưa thực sự hiểu biết đầy đủ như bây giờ, nhưng dường như tình cảm thầy trò rất gắn kết, sâu sắc mà giản dị. Ở đó chứa đựng cái gọi là “tôn sư trọng đạo”, là “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Chúng tôi kính trọng thầy cô, và ngược lại thầy cô cũng luôn tận tụy dạy bảo, dìu dắt, chắp cánh cho những ước mơ của chúng tôi bay xa.
 
Nhìn lại thời gian gần đây, chúng ta không khỏi xót xa, lo lắng khi trên mặt báo có biết bao nhiêu vụ thầy cô ngược đãi học trò, rồi học trò hăm dọa thầy cô. Điều đó phần nào khiến người ta nghĩ rằng tình thầy trò trong xã hội hiện đại đã thay đổi đi nhiều, không còn cái gọi là hồn nhiên, vô tư như trước nữa, mà ở đó có một khoảng cách khá lớn ngăn trở tình thầy trò phát triển.

Thời học sinh so với cả cuộc đời không quá dài, nhưng cũng không quá ngắn để có thể tạo nên những kỉ niệm, những ước mơ, hoài bão trên bước đường tương lai. Có thể nói thời gian đó phần nào là nền tảng quyết định hành trang vào đời của mỗi người đã có những gì đẹp, không đẹp hay còn những dấu chấm hỏi cần giải đáp. May mắn thay khi ta lớn lên, được mang theo những gì mà nghĩ lại có thể nhớ nhung, trân trọng và mỉm cười trong cuộc đời mình. Nhưng cũng đắng lòng thay khi nhớ về một thời người ta lắc đầu, muốn quên đi những gì thuộc về kí ức.

Thời gian không thể quay trở lại, những việc đã xảy ra cũng không thể nào khác đi được. Song hiện tại và tương lai thì có thể thay đổi. Tình thầy trò sẽ gắn kết hơn, trong sáng hơn và rồi lại sẽ có những kỉ niệm về thầy cô thời áo trắng là hành trang đi cùng năm tháng của những lứa học trò hồn nhiên, nghịch ngợm. Điều này có cải thiện hay không còn phụ thuộc vào suy nghĩ, hành động của cả thầy và trò.

   Huyền Minh