Tiêu điểm:

Thi trượt không phải là có tội

(Dân trí) - Vì tức giận con thi trượt lớp 10, người chồng cãi nhau với vợ và kết cục là một vụ án, vợ chết, chồng vào tù. Chuyện xảy ra tại xóm 23, xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An hôm 9/8, một gia đình tan nát, một bài học quá đắt cho xã hội.

Một trường hợp đau lòng tương tự. Em Nguyễn Thị Yến (15 tuổi), ở xã Tam An, huyên Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam tự tử do bị cha mẹ mắng vì kết quả thi lớp 10 thấp. Xác em được phát hiện dưới suối vào sáng 31/7,  ba ngày sau khi em bỏ nhà đi. Sau các kỳ thi đại học hoặc thi vượt cấp, có nhiều vụ học sinh tự tử do thi trượt, bị cha mẹ mắng chửi, ruồng rẫy. Những cái chết tức tưởi như vậy vẫn không đủ sức cảnh báo các bậc phụ huynh.

 
Thi trượt không phải là có tội - 1

Thi trượt không phải là cái tội bởi các em còn rất nhiều lựa chọn khác để bước vào đời (nguồn ảnh: internet)

Cả xã hội đang mất phương hướng và hoang mang về chuyện học hành của con cái. Gia đình nào cũng lao vào một cuộc chạy đua thành tích học tập, muốn con mình trở thành siêu sao. Nhà này thấy nhà khác cho con học thêm thì nóng ruột phải chạy theo. Người này thấy con người khác vào trường chuyên, lớp chọn thì hoảng hốt bắt con mình phải đạt như vậy. Chạy đua nhưng không dựa vào sức con cái mà ép buộc, áp lực, thậm chí đút tiền để con mình được vào trường tốt cho dù sức học không theo kịp.

Do tự dặt ra áp lực cho mình và con cái, cho nên khi không đạt được, nhiều người mất bình tĩnh dẫn đến hành xử sai lầm. Trước hết là vợ chồng đổ lỗi cho nhau, chồng trách vợ cưng chiều con cái, vợ trách chồng không dành thời gian giáo dục con cái. Nhiều trường hợp chỉ vì đứa con không học hành như ý muốn của cha mẹ mà gia đình mất hạnh phúc, thậm chí đổ vỡ hôn nhân. Cũng có nhiều trường hợp do nhận thức quá thấp, thiếu hiểu biết, dẫn đến chửi rủa, đánh đập mà vụ chồng đâm vợ chết kể trên là một ví dụ điển hình.

Bên cạnh những xung đột với nhau, cha mẹ còn đổ lên đầu con cái những lời nguyền rủa, coi con mình như kẻ phạm tội đối với gia đình, dòng họ. Đứa bé trở thành nạn nhân, đau khổ vì chứng kiến cha mẹ mâu thuẫn, phải chịu đựng những lời chê trách, do đó phải tìm đến cái chết cho yên thân.

Một điều rất giản dị nhưng ít ai bình tâm suy nghĩ, đó là giáo dục con cái không phải chỉ là ép buộc phải đỗ đạt trong một kỳ thi mà cả một hành trình lâu dài, công phu. Để con cái học tốt không phải là ép buộc, mắng chửi mà quan tâm chăm sóc, nâng đỡ, che chở ngay cả khi con mình non kém. Các em trượt kỳ thi này sẽ còn kỳ thi khác, không đỗ đạt cao thì trung bình, cuộc đời của các em còn dài, còn rất nhiều thời gian để trưởng thành và thể hiện. Có rất nhiều người học hành bình thường nhưng ra đời thành công rất lớn, ngược lại có nhiều người đỗ đạt cao nhưng không làm được gì nhiều cho bản thân, gia đình và xã hội.

Kỳ thi đại học năm nay có gần nửa trịêu học sinh bị trượt, chẳng lẽ những học sinh này đều bỏ đi hay sao? Các em còn có nhiều cơ hội khác để vươn lên, nhiều cánh cửa để đi vào đời, nếu có sự thông cảm, chia sẻ và hỗ trợ tích cực của cha mẹ thì chắc chắn sẽ thành công.

Lê Chân Nhân