Thế giới “sống và học để lớn lên” của trẻ em

(Dân trí) - Nuôi dạy trẻ em ở tuổi mẫu giáo đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo, tỉ mỷ của cả cha mẹ và các cô giáo ở trường mầm non. Nghệ thuật chăm sóc đó dựa trên kết quả nghiên cứu nhiều lĩnh vực về y sinh, tâm lý và sư phạm.

1. Giai đoạn ngủ mơ giúp tế bào não phát triển

 

Lý thuyết mà nói, các cháu phải ngủ đủ 16-18 giờ ngủ mỗi ngày lúc mới chào đời, 10-12 giờ mỗi ngày ở bậc tiểu học, tối thiểu 12 giờ mỗi ngày cho độ tuổi lên 3 lên 5. Vì trong lúc ngủ, não của các cháu làm việc tích cực, tổ chức trí nhớ và phát triển các dây liên hoàn.

 

Giấc ngủ của ta được cấu thành bởi những giai đoạn khác nhau và liên tục: ngủ nông, ngủ sâu, ngủ mơ và cứ thế bốn hoặc năm chu kỳ trong đêm.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email:
Ở đây phải nói thêm vào là ngủ mơ nơi các bé sơ sinh chiếm khoảng 50% thời gian của giấc ngủ. Đến độ tuổi trường mầm non, khoản này còn cỡ  40% tổng số giờ ngủ mỗi đêm. Trong lúc ngủ mơ, trẻ phát triển tế bào não và xây dựng “thế giới” của mình. Một cách ví von, nếu ngày hôm đó cháu không thấy cầu vồng ngũ sắc, thì trong mộng mơ cháu có thể tưởng tượng ra cho giàu thêm thế giới của mình và thành yêu đời hơn.

 

Giới khoa học đã nghiên cứu vai trò của ngủ mơ của các chú mèo con 3-4 tháng tuổi, không cho phép các chú ngủ mơ (mỗi khi thấy giấc ngủ các chú đi vào giai đoạn này thì đánh thức dậy). 4 tuần liền như vậy, xong mổ xẻ bộ não của các chú để quan sát. Kết quả cho thấy là số tế bào não của các chú chỉ bằng một nửa số tế bào não của các bạn mèo cùng tuổi được ngủ bình thường.

 

Còn nhiều nghiên cứu khác nữa nhưng nói một cách ngắn gọn: phải bảo vệ giấc ngủ của trẻ, ngủ đủ giờ thì các cháu sẽ có đủ giờ ngủ mơ, để sự phát triển não của các cháu được hoàn thiện, bảo đảm phát triển trí tuệ.

 

2. Nhu cầu tình cảm cũng cần như ăn, ngủ và thở hay chơi

 
Được yêu thương, các cháu phát triển tốt hơn. Yêu không có nghĩa là nuông chiều, cũng không có nghĩa là “cho roi cho vọt”. Yêu là chú ý đến các cháu, xem các cháu như một phần của chính bản thân mình, với một cá thể riêng mà mình phải tôn trọng, kính nể và giúp cho phát triển. Yêu là giúp các cháu luôn có cảm nhận được sống trong một môi trường an lành và hạnh phúc. Yêu cũng có nghĩa là quan tâm đối thoại với các cháu như với một người ngang hàng và không phạt.

 

Không phạt là một khái niệm chưa được áp dụng nhiều. Tôi dựa theo lý thuyết của Skinner (nhà tâm lý học Mỹ Burrhus F. Skinner, 1904-1990). Chỉ khen khi các cháu làm tốt và hướng dẫn các cháu làm tốt. Vì các nghiên cứu cho thấy là tất cả các hình thức phạt đều để lại “dấu tích” và cá nhân có thể “bị thương tổn” suốt đời.

Dù là một lời mắng (con lười hay con ngu), một hình phạt vật chất (không cho ăn tráng miệng, món mà cháu thích nhất), một hình phạt xã hội (cấm đi ra ngoài chơi hay mắng con trước mặt bạn), đó là chưa nói đến các hình phạt thể xác như đánh đòn... Chúng ta rời thời Trung cổ từ lâu rồi, tất cả đều có thể thương lượng bằng lời và trẻ đủ trí khôn để hiểu và để tôn trọng những “khế ước” với cha mẹ hay với bất cứ ai khác.
 
Thế giới “sống và học để lớn lên” của trẻ em - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Lần đầu tiên tôi phạt con cả của tôi, cách đây đúng 35 năm. Nghĩa là lúc ngành Tâm lý học chưa phát triển như bây giờ, và lúc tôi chưa “giỏi”. Lúc ấy cháu chưa đầy 3 tuổi, tôi bắt cháu đứng ở góc phòng. Từ chỗ góc đó, cháu nói “Mẹ ơi, lớn lên con sẽ xây toàn những nhà tròn”. Bây giờ cháu đã tự lập, cháu không làm nghề xây dựng hay kiến trúc, chưa bao giờ cất nhà không góc cạnh. Nhưng có một điều chắc chắn là từ câu nói đó của cháu, tôi đã không bao giờ phạt các con tôi nữa. Tất cả đều dựa trên đối thoại để các cháu hiểu “luật” của cha mẹ và phòng ngừa “vi phạm luật” .

 

Cha mẹ cũng cần diễn tả biểu hiện tình cảm mình với các con - nếu không làm sao các cháu biết là chúng được yêu thương? Đón các cháu trong vòng tay bao bọc, ôm ấp các cháu, chơi với các cháu, thậm chí tắm cùng các cháu nữa, hay kín đáo thực hiện những gì các cháu thích ...

 

Được yêu thương, các cháu, với bản năng tự hòa đồng với cha hoặc với mẹ, sẽ cố hết sức mình để làm vui lòng cha mẹ và sẽ không “phạm luật” của cha mẹ.

 

Chỉ có điều là ngược lại, cha mẹ cũng không nên lạm quyền phụ huynh mà "đàn áp" cá thể của con. Được như thế thì sự thăng bằng của liên hệ sẽ tốt đẹp vô cùng !

 

3. Các môn “học” ở trường mầm non (từ 3 đến tròn 5 tuổi)

 

“Dạy  viết” ở trường mầm non? Có, ở Bỉ đều có dạy “viết” cho các cháu ở lớp 3 trường mầm non, nhưng không phải viết chữ mà “vẽ hình” (tiếng Pháp gọi là préécriture – hình thức “trước chữ viết”): đường thẳng, đường cong, đường tròn, từ to đến nhỏ, cho đến xếp hàng như một dòng hình gần giống như dòng chữ viết thật. Tất vui - vì vẽ mà, vẽ đủ màu - lại giúp các cháu mềm tay, tới lúc áp dụng vào viết chữ thì các cháu đã sẵn sàng.

 

“Dạy toán” ở trường mầm non? Cũng có chứ. Một trong những phương pháp của chúng tôi là phương pháp Cuisenaire (nhà giáo người Bỉ Georges Cuisenaire, 1891-1975) . Với những mẩu gỗ nhỏ, dài ngắn khác nhau, màu sắc khác nhau, các cháu sắp lại để chơi với các khái niệm nhiều ít, dài ngắn thêm bớt ... Đấy, các cháu đã sẵn sàng để học toán! Mà chơi với các khúc gỗ thì hứng thú biết bao, y như chơi với Lego!

 

“Dạy sinh ngữ” cho các cháu cỡ 3-5 tuổi? Cũng có nốt. Một trong những giáo viên của trường là người nói thứ tiếng khác (ở Bỉ thông thường là tiếng Hà Lan, ngôn ngữ thứ hai của chúng tôi vì miền Bắc nước Bỉ nói tiếng đó, hoặc tiếng Anh).

 

Thế là với giáo viên này dạy các cháu hát bằng ngoại ngữ, nghe kể chuyện bằng ngoại ngữ và nói bằng ngoại ngữ, vì nếu không thì bà giáo không hiểu gì hết ! Các cháu ý thức rất rõ điều đó và nói ngoại ngữ với bà giáo này thành một phản xạ tự nhiên không cần học. Những ngày đầu các cháu có thể ngơ ngác như “con nai vàng trên lá vàng khô”, nhưng sự tiếp thu sẽ rất nhanh mà bà giáo không cần hét hò hay cho điểm cao thấp!

 

“Dạy văn” ở tuổi mẫu giáo? Dĩ nhiên rồi. Các nghiên cứu cho biết là vốn ngữ vựng hàng ngày của các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp thợ thuyền chỉ có khoảng 800 tiếng, thông thường là các từ cụ thể, không có các khái niệm trừu tượng. Trong khi số này nơi các bậc cha mẹ có trình độ đại học là trên 1500 từ.
 
Một trong các "sứ mạng" của trường mầm non là xóa bỏ sự bất bình đẳng văn hóa đó: qua các chuyện cô giáo kể, qua ngôn ngữ đối thoại dùng ở trường...các cháu học thêm tiếng mẹ  – học qua tiếp xúc chứ không qua bài bản – một cách học nhẹ nhàng lại rất là hiệu quả. Như thế các cháu được "trang bị" để  thành công dễ hơn trong sự học tiếp theo, dù thuộc giai cấp xã hội cao hay thấp.

 

Nhưng tuyệt nhiên không dạy các cháu đọc – phần này nằm trong chương trình lớp 1 -  để giáo viên này tự do chọn phương pháp (theo cử động cho 24 chữ cái hay trực tiếp ráp vần đọc và từ từ nhìn mặt chữ sau đó).

 

Dạy các kiến thức về sinh học, môi trường và nhiều môn khác nữa qua các lớp ngoài trời, các lần viếng thăm các trang trại, đài phát thanh, viện bảo tàng, đi dạo trong rừng ...

 

Tất cả những “môn học” này đều được chuẩn bị đàng hoàng trong giáo án (mục tiêu của tiết "học", nội dung, phương pháp, kết quả dự trù, tiện lợi và khó khăn phải vượt qua ...) của các giáo viên trường mầm non. Chương trình học mẫu giáo cũng nặng như chương trình ... đại học. Cái khác là các cháu hoàn thành chương trình dễ như chơi, mà chơi thật và phần lớn là nhờ công của các giáo viên.

 

Mỗi lớp mẫu giáo thường là cho 20-25 cháu, có một giáo viên và một trợ giáo (giáo viên tập sự hay một cô dưỡng nhi). Nhiều khi được sự trợ giúp của phụ huynh cho các sinh hoạt đặc biệt, ngoại khóa chẳng hạn. Giáo viên được đào tạo trong 3 năm, sau lớp 12. Hiện lương chưa trừ thuế là khoảng 2000 euros/tháng, tùy thâm niên còn có thể cao hơn, nên các cô  đủ sống để lo cho các cháu.

 

Tựu trung lại, các “môn học” này là các “môn chơi”, các món “khai vị”,  để các cháu đi vào “bữa tiệc” học hành khi vào lớp 1.

 

                                                                        Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí - Ở lứa tuổi mầm non, muốn cho các cháu phát triển hài hòa một cách tự nhiên thì ngoài việc chăm sóc về thể chất như: được ăn uống đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, được ngủ đúng giờ và đủ giờ, được tập thể dục phù hợp lứa tuổi, còn cần được “học” để chuẩn bị lên lớp 1. Nhưng nguyên lý học ở đây là “học mà chơi, chơi mà học” đúng như tác giả bài viết trên đây đã trình bày rất sáng tỏ kinh nghiệm dạy trẻ em tại Bỉ.