Thầy dạy lái ngồi uống nước, học viên tông chết người: Ai chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Theo luật sư, trong trường hợp này cần xem xét trách nhiệm của cả 3 bên là trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe, giáo viên và cả học viên gây nên vụ tai nạn thương tâm.
Chiều 11/8, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, khiến bé gái 3 tuổi tử vong. Nguyên nhân vụ tai nạn bước đầu được xác định, trong lúc dạy lái xe ô tô, người thầy đã bỏ ra ngoài uống nước, để 2 nữ học viên tự điều khiển xe tập lái và chiếc xe đâm va vào xe đạp đi trên đường, gây nên sự việc đau lòng.
Sau khi sự việc xảy ra, độc giả Dân trí cho biết tình trạng thầy dạy lái xe ra ngoài uống nước để cho học viên tự tập khá phổ biến hiện nay. Việc giáo viên để học viên tự lái xe trong khu dân cư chứ không phải trong trường lái là vô cùng tắc trách.
Trong vụ tai nạn nghiêm trọng này, trách nhiệm của trung tâm đào tạo, của thầy dạy lái và học viên trước pháp luật được xem xét như thế nào là điều khiến nhiều người quan tâm, thắc mắc.
Cần xem xét trách nhiệm của cả 3 bên
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, việc học viên lái xe rồi gây tai nạn là điều không hiếm. Dẫu biết rằng, sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn, tuy nhiên, cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành điều tra, xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan để làm căn cứ xử lý thật nghiêm hành vi vi phạm. Điều này không những giúp gia đình cháu bé được an ủi, mà còn góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với những trung tâm đào tạo, sát hạch; giáo viên trực tiếp dạy và các học viên.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì "Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái". Trong vụ việc trên, việc làm tắc trách của giáo viên đã vi phạm quy định của pháp luật và gây hậu quả nghiêm trọng khiến cháu bé 3 tuổi tử vong.
Luật sư Tiền cho biết, để xác định được trách nhiệm của những người liên quan phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như xe tập lái đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay chưa, học viên đã thực hành đủ số buổi trên sân tập trước khi lái xe ra đường, giáo viên có hay không có mặt tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc,...
Như vậy, trách nhiệm hình sự có thể đặt ra đối với cả người giáo viên và học viên. Cụ thể, đối với người dạy, do học viên lái xe là người chưa đủ điều kiện và khả năng để tham gia giao thông, nên nếu người giáo viên có mặt trên xe và làm tròn nhiệm vụ của mình thì có thể tai nạn đã không xảy ra.
Còn về phía học viên lái xe, người này đã điều khiển xe tham gia giao thông khi không có sự bổ trợ của người dạy dẫn đến hậu quả chết người.
"Trong vụ việc này, nếu cơ quan chức năng làm rõ yếu tố giáo viên cho phép học viên tự lái, còn mình ra ngồi uống nước thì người này có dấu hiệu vi phạm quy định về đào tạo lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển khi không có mình trên xe, vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm quy định về đào tạo và sát hạch lái xe của Bộ GTVT.
Hành vi cẩu thả, vô trách nhiệm này có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015", Luật sư Tiền cho biết.
Ngoài ra, cả người dạy lẫn học viên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức hình phạt có thể áp dụng đối với người này là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời, người này cũng có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư cho biết thêm, trong vụ việc này, tai nạn xảy ra đã làm một trẻ em tử vong. Do vậy, bên có lỗi phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.
Tuy nhiên, người gây ra tai nạn là học viên của Trung tâm sát hạch lái xe, nên căn cứ theo quy định tại Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015, trung tâm sát hạch lái xe nơi nữ học viên đăng ký theo học phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu bé. Nếu chứng minh việc lỗi gây ra tai nạn xuất phát từ chính học viên thì trung tâm này có quyền yêu cầu người này hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền trên.
Từ vụ việc đau lòng này, Luật sư cũng khuyến cáo, dù tham gia bất kỳ hoạt động nào, mỗi người cũng cần phải có ý thức, trách nhiệm vì cộng đồng xung quanh. Các trung tâm sát hạch lái xe phải nâng cao trình độ nguồn nhân lực, các giáo viên dạy lái xe của trung tâm phải là những người có nhiều năm kinh nghiệm, khả năng ứng biến cao khi gặp các tình huống khó, các giáo viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không được chủ quan hay hoàn toàn tin tưởng cho học viên của mình.
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số kilomet học lái đường trường của học viên. Cần bổ sung các kỹ năng ứng phó các tình huống giao thông thực tế, cũng như các giải pháp xử lý cụ thể khi đối mặt với sự cố trên đường qua thiết bị mô phỏng giúp xe nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế.
Không chỉ các trung tâm hay giáo viên mà chính học viên khi tham gia luyện tập lái xe cũng cần phải có ý thức tuân thủ nội quy, quy định của Trung tâm sát hạch, không được tự ý đưa ra quyết định khi chưa có sự đồng ý của giáo viên hướng dẫn. Khi tay lái của bản thân vẫn chưa vững chắc, không nên chủ quan điều khiển phương tiện một mình, cần chú ý lắng nghe chỉ dẫn của giáo viên.