Thanh niên dùng điếu cày đánh chết người có phải chịu mức án tử hình?
(Dân trí) - Luật sư đánh giá nghi phạm có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự về tội Giết người. Nếu có căn cứ xác định nạn nhân có lỗi một phần, thì nghi phạm chỉ bị phạt 15 năm tù.
Ngày 14/8, tại xã An Bình (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra vụ xô xát khiến một người tử vong. Nạn nhân là anh T.Đ.T. (sinh năm 1998, trú tại thôn Cây Rường, xã An Bình); nghi phạm được xác định là B.V.H. (sinh năm 1990, trú tại thôn Đồng Rặt, xã An Bình).
Theo thông tin ban đầu, nhóm của H. đang ngồi uống nước, thì nhóm của T. tới. Sau khi anh T. hỏi mượn điếu cày không được, hai bên xảy ra xô xát, H. dùng điếu đập vào đầu anh T. khiến nạn nhân bất tỉnh rồi tử vong sau khi đưa đi cấp cứu.
Phân tích vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, với những gì diễn ra trong clip cho thấy hành vi của nam thanh niên áo xanh cầm điếu cày đánh vào đầu một thanh niên khác là hành vi nguy hiểm, hoàn toàn có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân, hậu quả nạn nhân đã tử vong. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Nội dung cự cãi sau đó, nam thanh niên áo xanh lý giải là do nạn nhân (thanh niên áo trắng cộc tay) đã cầm cốc ném vào em của người đó nên người đó mới dùng điếu cày tấn công trở lại và cho rằng mình không sai. Theo dõi clip có thể thấy rằng người bị hại và nam thanh niên áo xanh đều đồng thời cầm cốc thủy tinh và điếu cày. Khi nam thanh niên kia ném cốc thủy tinh vào thanh niên áo đen và chưa có thêm hành động gì khác thì người cầm điếu cày cũng dùng điếu cầy đánh hai phát vào đầu của người vừa ném cốc khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Nghi phạm đánh chết người vì cái điếu cày sẽ bị xử phạt thế nào?
Luật sư Cường cho rằng, với diễn biến như vậy rất khó có thể lập luận đây là hành vi phòng vệ chính đáng. Bởi hành vi của nam thanh niên áo trắng cộc tay chưa gây nguy hiểm đến tính mạng của thanh niên áo đen. Hành vi cũng chỉ dừng lại ở đó mà chưa có biểu hiện tiếp theo đe dọa đến tính mạng sức khỏe của những người khác. Hành vi ném cốc có xảy ra nhưng chưa biết là có trúng người thanh niên áo đen hay không, cũng chưa rõ là có để lại thương tích gì hay không.
Những người xung quanh có rất nhiều cách để giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó có thể là hành vi can ngăn, khuyên can các bên. Tuy nhiên khi việc ném cốc vừa diễn ra, mọi người chưa kịp phản ứng gì thì thanh niên áo xanh đã dùng điếu cày trong tay đánh tới tấp khiến nạn nhân ngã gục.
Điếu cày thường bằng tre hoặc bằng kim loại hình tròn, cứng chắc. Với sức vóc của thanh niên như người áo xanh mà vụt vào những vùng hiểm yếu như vùng đầu, vùng cổ người khác thì hoàn toàn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng, thậm chí khiến nạn nhân thiệt mạng.
Nam thanh niên này bắt buộc phải nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi nhưng vẫn cố ý thực hiện, mặc hậu quả chết người có thể xảy ra nên rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự để tiến hành điều tra.
Trong vụ việc này người bị hại cũng có lỗi một phần là đã hành hung người thanh niên áo đen. Nếu người thanh niên áo đen có thương tích và người bị hại này còn sống thì người này cũng sẽ bị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích.
Thế nhưng, hành vi dùng điếu cày tấn công gây thiệt mạng người khác trong tình huống này rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi có thể trong trạng thái tinh thần bị kích động nhưng sẽ không được cho là tinh thần kích động mạnh để loại trừ trách nhiệm hình sự. Hành vi của người bị hại ném cốc trước đó chỉ có thể được xác định là nạn nhân có lỗi một phần. Khi lượng hình tòa án sẽ cân nhắc đến tính chất mức độ của hành vi, yếu tố lỗi và tình tiết nạn nhân tấn công trước để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt đối với nam thanh niên này.
Vụ việc mâu thuẫn xuất phát từ những lý do rất nhỏ nhặt, mâu thuẫn trong việc mượn điếu cày thuốc lào giữa một số thanh niên. Đây sẽ là bài học cho những người coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác chỉ vì lý do nhỏ nhặt, ích kỷ mà sử dụng bạo lực để trấn áp, áp đặt đối với người khác. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị trả giá bằng những chế tài của pháp luật.
Với hành vi giết người thì nam thanh niên trong tình huống này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp kết quả điều tra có căn cứ xác định nạn nhân có lỗi một phần thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm theo Điều 123 Bộ Luật hình sự, tội giết người. Cụ thể:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.