Thanh Hóa: Lập dự án lấy đất của dân bán cho doanh nghiệp

(Dân trí) - Một dự án được triển khai 10 năm chưa xong vì vấp phải sự phản đối của dân. Bản chất của dự án là lấy đất của người này bán cho người khác, trong khi đó chưa đền bù thỏa đáng cho dân và chưa có cơ sở hạ tầng nhưng vẫn đem ra đấu giá.

Nhiều hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa để làm dự án xen cư hồ Toàn Thành, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa đã nhiều lần gửi đơn đến các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị được xem xét quyền lợi ngay trên mảnh đất mà gia đình sinh sống hàng chục năm nay. Tuy nhiên, dự án thì 10 năm chưa triển khai được, còn quyền lợi của người dân cũng bị chính quyền “bỏ quên”.

Khu đất đã được bán đấu giá.
Khu đất đã được bán đấu giá.

Trước đó, vào tháng 11/2004, UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch xây dựng khu xen cư hồ Toàn Thành, thành phố Thanh Hóa với diện tích 5962,77m2. Mặc dù chưa có phương án đền bù và chưa giải phóng mặt bằng nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn ban hành quyết định số 1571 ngày 14/6/2005 phê duyệt mức giá sàn để đấu giá quyền sử dụng đất khu xen cư hồ Toàn Thành, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa với diện tích đất đấu giá là 3.182m2.

Việc chính quyền “lén lút” thực hiện quy trình ngược này vẫn được UBND thành phố Thanh Hóa triển khai trong khi đó, những hộ dân nằm trong khu vực này vẫn chưa hay biết gì về sự hiện diện của dự án. Cụ thể, ngày 4/10/2005, đại diện UBND thành phố Thanh Hóa đã ký hợp đồng số 01 /2005/ HĐKT bán đất cho Công ty Cổ phần xây dựng Thanh Hóa để thực hiện dự án.

Ông Lê Văn Thắng, ở đường Đinh Công Tráng, phường Ba Đình bức xúc cho biết: “Đất của gia đình tôi nằm trong khu dự án nhưng bản thân tôi không được biết. Tuy nhiên, dù chưa được đền bù theo quy định nhưng đã được bán đấu giá cho người khác rồi. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền và ngành chức năng nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng”.

Ngoài ra đình ông Thắng, trong khu vực dự án này, có nhiều hộ dân nằm trên trục đường Đinh Công Tráng đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 18/12/1980, không có tranh chấp cũng bị thu hồi, hoặc thu hồi một phần mà chưa được đền bù.

Trước đó, vào tháng 11/1997 thực hiện chủ trương đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân, UBND phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa đã xác minh nguồn gốc đất và xác định 47 hộ dân khu phố Đinh Công Tráng sử dụng đất thổ cư, ổn định từ trước ngày 18/12/1980 và nhất trí đề nghị được cấp GCNQSDĐ.

Tuy nhiên, khi UBND thành phố Thanh Hóa tiến hành cấp GCNQSDĐ, rất nhiều hộ đã bị cấp hụt diện tích so với thực tế sử dụng. Trường hợp của ông Trịnh Quốc Văn, số nhà 62 Đinh Công Tráng được UBND phường Ba Đình xác nhận sử dụng 399m2 “đất ở của gia đình sử dụng ổn định của bố mẹ từ trước ngày 18/12/1980 đến nay; không có tranh chấp. Tuy nhiên, trong GCNQSDĐ thì diện tích đất của gia đình ông Văn chỉ được công nhận 219m2.

Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Ba Đình cho biết ông chỉ thực hiện ý kiến của trên.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Ba Đình cho biết ông chỉ thực hiện ý kiến của trên.

Còn lại 82m2 mà gia đình ông sử dụng lâu nay không được đền bù khi thực hiện dự án nêu trên với lý do đây là diện tích nằm ngoài GCNQSDĐ. Gia đình ông Văn đã nhiều lần làm đơn kiến nghị để được giải quyết những quyền lợi của mình nhưng vẫn chưa được giải quyết và kéo dài bao nhiêu năm nay.

Trước vấn đề nêu trên, phóng viên đã liên lạc với ông Đào Trọng Quy - Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa, ông Quy đã giới thiệu làm việc với ông Lê Đức Công - Phó chủ tịch UBND thành phố. Theo lời giới thiệu của Chủ tịch thành phố, phóng viên đặt vấn đề làm việc thì lại được ông Công “đẩy” xuống cấp dưới là UBND phường Ba Đình.

“Lần” theo lời giới thiệu của ông Phó chủ tịch thành phố Thanh Hóa, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Ba Đình,.

Ông Thắng cho biết: “Được Sở Tài nguyên và Môi trường xác định đấy là đất công, căn cứ vào đó phường và thành phố tiến hành thu hồi. Nguồn gốc xác định thì thực tế nó là cái ao ở sau lối vào không có? Theo bản đồ địa chính, ao có chủ quyền do hợp tác xã Toàn Thành quản lý”.

Liên quan đến sự chậm trễ của dự án, ông Thắng cho biết: “Qua quá trình tìm hiểu, xác minh dự án có từ 2005, đã trải qua 3 đời chủ tịch phường và vì người dân thắc mắc, chưa đồng tình ủng hộ, nhưng dự án kéo dài quá thì phải cưỡng chế. Việc có bất cập tôi không được biết, chỉ thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.

Theo ông Thắng cho biết thì đến nay, chính quyền đã cưỡng chế được 3 trường hợp, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến việc lấy đất của dân để phân lô, bán thửa, ông Thắng nói: “Việc đấy là việc của cấp trên và chủ đầu tư”.

“Người dân nghĩ họ đóng thuế đất là họ có quyền, nhưng sử dụng đất là phải đóng thuế”. Khi phóng viên đưa biên bản về việc tổ chức họp đề nghị cấp GCNQSDĐ của phường Ba Đình trước đây ra, ông Thắng chống chế: “Thực ra những văn bản tiếp cận nó bị thất lạc. Văn bản pháp quy thì phải có dấu đỏ và những hộ dân nếu có văn bản có thể trình bày với nhà đầu tư người ta vấn được giải quyết”.

Nói về nguồn gốc đất của những hộ dân trên địa bàn nằm trong dự án, ông Thắng nói: “Nguồn gốc đất là do chính quyền cơ sở, nhưng cái đó là từ thời trước, còn tôi khi tiếp cận thực thi thôi, nguồn gốc đã có người đi trước làm rồi” và phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi đúng sai có cần phải biết không?, ông Thắng chỉ cười.

Tại dự án này, ngay từ đầu, chính quyền đã thực hiện quy trình ngược, vi phạm Luật Đất đai 2003 khi quỹ đất của dân sử dụng ổn định từ trước năm 1980 là đất công, bị dân lấn chiếm, UBND TP Thanh Hóa còn lấy đất của dân đem đấu giá, bán cho Công ty Xây dựng Thanh Hóa (nay là Tổng công ty CP Xây dựng Thanh Hóa) khi chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có phương án đền bù tài sản cho dân…

Khu đất nằm trong quy hoạch dự án dù chưa được đền bù theo quy định của pháp luật, cơ sở hạ tầng chưa có nhưng doanh nghiệp này ngay lập tức đã bán cho các cá nhân khác. Thậm chí, nhiều năm qua, cả những người đã trót bỏ tiền mua đất dự án của Công ty Xây dựng Thanh Hóa cũng bức xúc.

Năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã từng có Công văn yêu cầu UBND thành phố Thanh Hóa làm rõ sai phạm tại dự án xen cư hồ Toàn Thành, tại Công văn số 4065/UBND-QLĐT ngày 23/12/2013 UBND thành phố Thanh Hóa đã phải thừa nhận một phần sai phạm trong việc thực hiện dự án.

Các hộ dân bức xúc trước việc bị thu hồi đất không được đền bù thỏa đáng.
Các hộ dân bức xúc trước việc bị thu hồi đất không được đền bù thỏa đáng.

Theo trả lời các cơ quan báo chí của ông Lê Đức Công - Phó Chủ tịch UBDN thành phố Thanh Hóa trước đó thì đây là dự án kinh doanh thương mại, do có nhiều bất cập và hiện tại chủ đầu tư không có khả năng tiếp tục triển khai nên thành phố đề nghị UBND tỉnh cho “khoanh” lại theo hướng chỗ nào đã giải phóng mặt bằng thì trả đất cho Công ty, chỗ nào không giải phóng được thì khoanh lại.

Tuy nhiên, bẵng đi một thời gian, đến ngày 23/3/2015, UBND thành phố Thanh Hóa lại ban hành Quyết định số 2362/QĐ-UBND về việc thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng khu dân cư hồ Toàn Thành, thành phố Thanh Hóa khiến người dân một lần nữa bức xúc.

Duy Tuyên