Thanh Hóa: Dân “sống dở chết dở” vì doanh nghiệp “ép” chuyển đổi cây trồng?

(Dân trí) - Mặc dù những loại cây mà lâu nay bà con đang canh tác rất có năng suất, nhưng không hiểu vì lý do gì, Cty TNHH nông công nghiệp Hà Trung (Thanh Hóa) bỗng dưng "ép" bà con phải chuyển đổi sang loại cây khác khiến dân “sống dở chết dở” vì thiệt hại lớn.

Công ty TNHH nông công nghiệp Hà Trung, đóng trên địa bàn phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) được UBND tỉnh Thanh Hóa giao và cho thuê hơn 1.742 ha đất để trồng cao su, dứa, mía.... Hiện đơn vị giao  diện tích đất này cho hơn 1.000 công nhân và hộ dân sản xuất theo hình thức giao khoán.

Kể từ năm 2013, khi ông Nguyễn Hoàng Hà được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc rồi tổng giám đốc, đơn vị đã “bắt tay” vào thực hiện “chiến lược” chuyển đổi cơ cấu cây trồng với một số giống cây hoa màu mới như khoai lang, bí xanh, bí đỏ và gần đây nhất, đơn vị đưa vào “thử nghiệm” trồng cây khoai môn trên diện tích 58,56 ha.

Người dân bức xúc vì doanh nghiệp khiến họ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Người dân bức xúc vì doanh nghiệp khiến họ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân nhận giao khoán đất của Cty ở khu 10, khu 11 - phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn thì, sau khi nhận khoán đất từ Nông trường Hà Trung, nhiều năm qua bà con trung thành trồng cây mía và dứa. Mặc dù hiệu quả kinh tế mỗi năm chỉ lãi bình quân trên dưới 50 triệu/ha, nhưng do 2 loại cây trồng này rất hợp đồng đất tại địa phương, nên nông dân không phải bỏ quá nhiều công sức, mà năm nào cũng cho thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, không hiểu vì lý do gì, Cty Hà Trung bỗng dưng “ép” nông dân chuyển đổi sang trồng cây khoai lang ruột vàng, bí xanh, bí đỏ, khoai môn… Điều đáng nói, do không đánh giá hết tính thích ứng của loại cây trồng này khiến cho việc chuyển đổi không những không có năng suất cao hơn mà lại gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, đẩy hàng chục hộ dân lâm vào tình trạng nợ nần chất chồng.

Anh Nguyễn Thế Hùng, khu 11 bức xúc cho biết: “Khi đưa cây trồng mới vào sản xuất Cty phải trồng khảo nghiệm, đánh giá xem các loại cây trồng này có thích hợp với đất đai, khí hậu ở đây hay không, đằng này họ ép chúng tôi trồng tù mù hàng chục ha. Áp đặt dân kiểu này chỉ có thiệt thòi cho dân thôi”.

Anh Đặng Bá Thành, thuộc đội sản xuất số 5, trú tại khu phố 11, phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn), buồn rầu nói: “Gia đình tôi thuê của công ty 1,35 ha đất, những chu kỳ canh tác trước, trồng cây mía và dứa, cho lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/năm. Bước sang vụ xuân 2015, sau khi khai thác mía, tôi làm đơn xin được trồng dứa nhưng công ty không đồng ý mà ép gia đình tôi phải chuyển sang trồng khoai môn. Đội trưởng đội 5 còn nói nếu không làm theo lịch của công ty thì sẽ bị thu hồi đất. Thậm chí gia đình xin trồng thử một nửa diện tích khoai môn và một nửa diện tích dứa nhưng công ty vẫn không đồng ý”.

Giờ đây, sau 2 tháng bỏ công chăm sóc nhưng do cây trồng không thích hợp với đồng đất, khí hậu nên vừa sinh trưởng chậm lại héo rũ khi gặp hạn. Ước tính số tiền đầu tư hơn 70 triệu đồng vào giống, phân bón, vật tư, công thuê trồng... coi như mất trắng.

Nhiều diện tích khoai môn chết trắng.
Nhiều diện tích khoai môn chết trắng.

Cũng theo phản ánh của người dân, Cty Hà Trung đã “dọa” thu hồi đất hoặc phạt tiền nếu gia đình nào không làm theo chỉ đạo của Cty. Không những vậy, khi yêu cầu dân chuyển đổi sang các loại cây trồng này, tại một cuộc họp ở Đội 4, ông Nguyễn Hoàng Hà, Tổng giám đốc đã công khai cam kết với dân rằng nếu chuyển đổi cây trồng thiên nhiên không ưu đãi Cty sẽ bù cho dân tương đương 70 tấn mía/ha. Vậy mà nay thua lỗ lại đổ cho dân tự nguyện trồng.

Trao đổi về vấn đề trên với báo chí, ông Đào Xuân Hậu, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật - Cty Hà Trung cho rằng: “Thời tiết khắc nghiệt và người dân không nắm hết quy trình kỹ thuật được phổ biến nên áp dụng chưa đúng, khiến cây khoai môn kém phát triển. Tập quán canh tác của nông dân còn lạc hậu, quen với sản xuất cây công nghiệp dài ngày, ít phải chăm sóc. Trong khi đó cây khoai môn yêu cầu độ ẩm cao nhưng dân không tưới”.

Còn ông Hoàng Thế Khiêm, Trưởng Phòng tổ chức hành chính phủ nhận việc “ép” bà con nông dân trồng loại cây mới: “Trước khi đưa vào trồng các loại cây mới trên, Cty đã đưa ra bàn bạc với bà con nông dân và nhận được sự đồng ý, tự nguyện thì mới đưa vào trồng, Cty không ép bất cứ người dân nào, cũng như chưa hề ban hành quy chế phạt tiền hay dọa thu hồi đất khi dân không làm theo chủ trương của Cty. Nếu ai chứng minh được đã bị phạt thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”.

Ông Khiêm cũng phân trần, việc đưa vào một lúc vài chục ha cây trồng mới chỉ là “thí điểm”, Cty đưa vào hàng nghìn ha mới gọi là sản xuất đại trà.

Bình Minh