Bạn đọc viết:

Tham nhũng vặt

(Dân trí) - Tham nhũng là hành vi xuất phát từ sự hư hỏng của nhân viên công quyền. Chính vì vậy, cùng một hành vi nếu dân thường làm thì gọi là trộm cắp, còn công chức lợi dụng quyền lực công làm thì gọi là tham nhũng.

Tham nhũng vặt - 1

Không thể tham nhũng. Bởi luật pháp chặt chẽ; Không dám tham nhũng. Bởi chế tài nghiêm khắc; Không muốn tham nhũng. Bởi cuộc sống của công chức ổn định; Không nên tham nhũng. Tham nhũng không chỉ là vấn đề pháp luật mà là câu chuyện đạo đức

Đó là phương châm phòng chống tham nhũng của người Singapore.

Không quốc gia nào có thể tự tin khẳng định không có tham nhũng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, mức độ tham nhũng ở mỗi nơi mỗi khác phụ thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội minh bạch, nghiêm minh của hệ thống pháp luật, sự trong sạch của đội ngũ công chức…

Ở nước ta, lâu nay, người ta chỉ chú ý đến những vụ tham nhũng “hoành tráng” với trị giá số tiền ăn cắp hàng trăm, ngàn tỉ đồng. Còn loại tham nhũng nhỏ mà có người gọi là “tham nhũng vặt” ít được người ta quan tâm, thậm chí coi là việc bình thường, là lẽ đương nhiên phải thế. Gọi là vặt bởi giá trị của nó không lớn, đôi khi chỉ là vài chục ngàn đồng “thuốc nước”, do người có vị trí không cao thực hiện. Nhưng nó lại diễn ra thường xuyên, trực tiếp, công khai ở không ít cơ quan công quyền.

Nói cách khác, bất cứ ai không kể quyền to hay bé, từ ông bảo vệ cơ quan đến các sếp lớn, hễ cứ có quyền là có nguy cơ cao bị tham nhũng làm cho hư hỏng. Như vậy, quyền lực đẻ ra tham nhũng. Quyền lực nhà nước không phải là phương tiện để phục vụ xã hội mà bị một số người đem ra mặc cả, bán mua, ban phát, tặng cho. Đương nhiên, ít ai cho không ai cái gì.

Tham nhũng là hành vi xuất phát từ sự hư hỏng của nhân viên công quyền. Chính vì vậy, cùng một hành vi nếu dân thường làm thì gọi là trộm cắp, còn công chức lợi dụng quyền lực công làm thì gọi là tham nhũng.
 
Nguyên nhân của tham nhũng vặt nhiều khi xuất phát từ chính người dân. Một thống kê mới đây cho biết, cứ 15 vụ tham nhũng thì có tới 14 vụ liên quan đến doanh nghiệp và có tới 70% doanh nghiệp chấp nhận trả tiêu cực phí hay còn gọi là phí “bôi trơn” trong quá trình kinh doanh của mình. Đấy là con số được thống kê, còn trên thực tế bất cứ người dân bình thường nào khi tiếp cận công quyền đều có nguy cơ bị tham nhũng vặt hành.

Có ai chắc trong cuộc sống không bao giờ vi phạm luật giao thông, không phải lên uỷ ban chứng nhận hay làm thủ tục một thứ gì đó. Trong vô vàn lý do phải trả chi phí “bôi trơn”, có lý do từ chính tâm lý của người dân khi họ coi tham nhũng vặt là lẽ đương nhiên, bởi bên cạnh luật còn có “lệ”. Mà muốn được việc phải sống chung với cái "lệ" đó, nhất là khi nhìn quanh quất thấy hầu như ai cũng làm thế cả.

Đến "cửa quan" họ mang theo cái tâm lý của kẻ đi xin: khúm núm, sợ sệt trước công quyền ngay cả khi mình không làm gì sai và chỉ thực hiện quyền lợi chính đáng nào đó. Biểu hiện ngay ở câu nói thường nghe thấy của người dân là “lên uỷ ban xin cái dấu”, trong khi con dấu của uỷ ban là biểu hiện của pháp luật, là công cụ để phục vụ dân chúng chứ không phải thứ để đem cho và không ai có thể xin.

Tham nhũng vặt là vặt về giá trị tài sản. Còn tác hại của nó đối với uy tín của công quyền, với lòng tin của người dân thì không hề vặt chút nào. Tham nhũng vặt đánh trực diện vào túi tiền người dân, vào chi phí sản xuất kinh doanh, làm trơ lỳ cảm giác của xã hội đối với căn bệnh của mình. Niềm tin sẽ không còn, uy tín sẽ đi xuống khi con dấu công quyền, sự nghiêm minh của pháp luật, uy tín của cán bộ bị đem ra định giá rẻ mạt bằng vài trăm ngàn tiền "trà nước".

Để diệt trừ tham nhũng, nói chung người ta hay quan tâm đến chất lượng của hệ thống pháp luật. Còn với tham nhũng vặt thì yếu tố con người tức là đạo đức công chức, kỷ luật công vụ lại là cái đáng quan tâm nhất.

Nếu người dân có thái độ kiên quyết chống tham nhũng, nếu xử lý thật nghiêm kẻ tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức vi phạm, thì tham nhũng vặt sẽ bị đẩy lùi. Bởi mục đích của tham nhũng bao giờ cũng là lợi ích. Kẻ tham nhũng thừa hiểu vị trí, cái ghế của anh ta phải quan trọng hơn mấy đồng tham nhũng vặt.

Đinh Thế Hưng