Tết trồng cây, càng nhớ nhiệm vụ “trồng người”

“Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, câu nói nổi tiếng của Bác đã khái quát tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục. Cho đến nay, những tư tưởng của Bác về sự nghiệp “trồng người” vẫn còn “nóng” tính thời sự.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Với quan niệm giản dị mà sâu sắc: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngay sau khi tuyên bố độc lập, Người luôn quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục nước nhà. Do đó, không quá khó hiểu khi trong di sản tư tưởng quý báu của Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục có một vị trí đặc biệt quan trọng.

Trước hết, theo tư tưởng của Bác giáo dục có vai trò hết sức to lớn, Người đánh giá: "Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, không có giáo dục thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa". Ngay từ khi nước nhà mới dành được độc lập, Người đã ra lời kêu gọi: "Mỗi người Việt Nam cần phải có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà".

Mục đích trọng tâm, xuyên suốt trong tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là vì con người. Để xây dựng CNXH, theo Người “trước hết cần có con người XHCN, đào tạo con người XHCN không có con đường nào khác ngoài giáo dục tri thức khoa học và lí tưởng, đạo đức XHCN”. Đó là nền giáo dục nhằm phát triển con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên” trong thời đại mới.
 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong chiến lược xây dựng con người, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc rèn “đức” luyện “tài” cho cán bộ. Bởi theo Người, “có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Là người luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Người rất chú trọng đến việc giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa cho dân. Người chỉ rõ: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ”.
Về phương pháp giáo dục, Người lấy nguyên tắc thống nhất lí luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Đây là nguyên tắc có tính chất quyết định và trở thành nét đặc trưng của nền giáo dục XHCN. Người nhấn mạnh :“Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, học với hành phải kết hợp với nhau”. Để phát huy tính tích cực chủ động của người học, Hồ Chí Minh cho rằng: “cần có quan điểm dân chủ, không nhồi sọ và cần có sự đối thoại trong quá trình học tập, nhận thức”, Người chỉ rõ: “Mọi người được tự do hoàn toàn phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng song không được nói gàn, nói vòng quanh”.
 
Theo Người, mỗi giáo viên cần phải biết tôn trọng ý kiến của học sinh, không nên có thành kiến đối với các ý kiến trái với ý kiến của mình. Cần có phương pháp tổ chức giáo dục sao cho đảm bảo được sự phù hợp giữa điều kiện, hoàn cảnh giáo dục với đối tượng giáo dục. Người cũng đặc biệt coi trọng việc kết hợp các hình thức giáo dục, không tuyệt đối hóa bất cứ một hình thức giáo dục nào.
 
Theo Người, “Giáo dục trong nhà trường dù có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”. Đối với Hồ Chí Minh, tất cả các phương pháp giáo dục như: phương pháp đối thoại, phương pháp học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn đều nhằm mục đích “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”, nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Các phương pháp này vừa mang tính truyền thống vừa hiện đại, vừa khoa học, hệ thống vừa thiết thực, cụ thể và đặc biệt luôn gắn với đời sống và thời đại.
Hơn nửa thế kỉ qua, thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối giáo dục của Đảng, Nhà nước, nền giáo dục Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Từ chỗ hơn 90% dân số mù chữ năm 1945, đến nay cả nước đã cơ bản phổ cập giáo dục tiểu học, mỗi năm có hơn 20 triệu HS-SV các cấp học đến trường. Đội ngũ giáo viên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Trong quá trình phát triển ấy, tư tưởng Hồ chí Minh luôn soi sáng, không chỉ là cơ sở lí luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người trong thời kì mới mà còn là những bài học bổ ích, thấm thía, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực nhằm phát triển, chấn hưng nền giáo dục tương xứng với vai trò của nó trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
 
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)


LTS Dân trí - Vào những ngày đầu xuân tham gia “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xướng, chúng ta lại càng nhớ đến những lời căn dặn của Người về sự nghiệp “trồng người”. Với những lời lẽ giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc, Người đã nêu rõ ở tầm khái quát những vấn đề cốt lõi nhất của giáo dục về mục tiêu, về nội dung giáo dục cũng như phương pháp giáo dục - như bài viết trên đây đã đề cập.

Đấy là những lời chỉ bảo ân cần hết sức tâm huyết của Bác Hồ kinh yêu về sự nghiệp “trồng người”; đấy cũng là chân lý có tính phổ biến và vững bền, đặt nền tảng cho những nguyên lý “trồng người” mà ngày nay chúng ta phải ra sức thấm nhuần và thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn.