Sóc Trăng:
Tết buồn của thương binh bị mất chế độ chính sách và đất đai!
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Thương binh mất đất, mất cả chế độ chính sách” xảy ra ở huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết: “Tết này cũng như hơn 20 cái Tết đã qua, tôi không vui vì đã chờ giải quyết chế độ và đất đai nhưng lại càng mỏi mòn hơn khi vụ việc bị rơi vào im lặng”.
Trước đó, ngày 24/11/2016, Văn phòng Chính phủ nhận được đơn của ông Nguyễn Thanh Liêm gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Qua nghiên cứu nội dung, Văn phòng Chính phủ thấy đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh Sóc Trăng nên Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn của ông Liêm đến UBND tỉnh Sóc Trăng để kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thế nhưng, đến nay đã hơn một năm sau chỉ đạo xem xét xử lý của Văn phòng Chính phủ nhưng tỉnh Sóc Trăng vẫn im lặng một cách bất thường.
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Lâm (Văn phòng Tiếp Công dân tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Ông Nguyễn Thanh Liêm khiếu nại về đất đai, chúng tôi đã đề nghị các cơ quan có thẩm quyền rà soát lại để có hướng giải quyết khiếu nại của ông. Riêng về chế độ chính sách, chúng tôi đã hướng dẫn ông Liêm đến Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng để được xem xét, giải quyết vì đây là cơ quan ban hành văn bản cho ông Liêm nghỉ việc. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại của ông Liêm là thuộc thẩm quyền của Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng”.
Một diễn biến khác, khi trao đổi với PV, ông Trần Minh Do - Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Sóc Trăng cho biết: “Chúng tôi đã hướng dẫn ông Liêm sang Bảo hiểm xã hội để được giải quyết chế độ chính sách”.
Trong khi đó, ngày 31/7/2017, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Sở Nội vụ “đề nghị gửi bổ sung hồ sơ của ông Nguyễn Thanh Liêm để giải quyết quyền lợi cho đối tượng”. Như vậy, Sở Nội vụ Sóc Trăng lại “đá quả bóng” trách nhiệm sang cho Bảo hiểm xã hội khiến cho khiếu nại của ông Nguyễn Thanh Liêm đi vào vòng luẩn quẩn.
Như Dân trí đã phản ánh, ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, là một thương binh) tham gia cách mạng từ năm 1964, từng là Đội trưởng Đội biệt động huyện Long Phú thời kỳ chống Mỹ, được kết nạp Đảng năm 1970.
Sau năm 1975, ông giữ các chức vụ Trưởng công an rồi đến Thị đội trưởng thị trấn Long Phú. Năm 1985, tham gia công tác ở Campuchia. Năm 1986, ông về Long Phú tham gia công tác, giữ chức vụ Bí thư Chi bộ ấp 1, ấp 3. Sau đó, ông Liêm được bố trí làm công tác quản lý thị trường thị trấn Long Phú.
Đến cuối năm 1996, địa phương cho ông Liêm nghỉ việc sau 33 năm liên tục công tác mà không nói rõ lý do.
Trong quá trình công tác, ông Liêm được khen thưởng: Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương chiến công hạng Nhì; Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huân hiệu quyết thắng; Huân chương chiến thắng; Huy hiệu toàn thắng; Huy chương chống Mỹ hạng Nhì; Huy hiệu chiến sĩ thi đua và nhiều Bằng khen.
Đối chiếu với các quy định về giải quyết chế độ, chính sách ưu đãi thì ông Liêm đáp ứng đủ các điều kiện để hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Ngày 30/1/1999, Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ) tỉnh Sóc Trăng có công văn (không có số, chỉ có…/1999.CV.TTr.TCCQ) gửi Chủ tịch UBND huyện Long Phú công nhận “thời gian công tác liên tục” của ông Liêm là 33 năm. Tuy nhiên, công văn này lại “đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các bộ phận chức năng tiến hành chi trả tiền trợ cấp thôi việc” cho ông Liêm với mức 120.000 đồng x 33 tháng = 3.960.000 đồng.
Tiếp theo, ngày 12/6/1999, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Sóc Trăng lại có công văn (không có số, chỉ có…/1999.CV.TTr.TCCQ) gửi Chủ tịch UBND huyện Long Phú cho rằng “ông Liêm tham gia cách mạng từ năm 1964, được bố trí công tác quản lý thị trường thị trấn Long Phú cho đến nay”. Từ đó, Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh cho rằng “chức danh cán bộ quản lý thị trường không còn trong các chức danh cán bộ xã, phải giải quyết chế độ thôi việc hưởng trợ cấp một lần, mỗi năm công tác được hưởng bằng một tháng sinh hoạt phí là 120.000 đồng/tháng”.
“Hồ sơ, quyết định điều động, bố trí, phân công công tác tôi còn giữ, vậy mà họ cho rằng tôi làm quản lý thị trường từ năm 1964 đến 1996 thật là vô lý. Tôi đã mất hết chế độ chính sách sau 33 năm công tác”, ông Liêm bức xúc.
Ngoài việc mất chế độ chính sách, ông Nguyễn Thanh Liêm còn bị một số cán bộ địa phương làm sai sự thật, khiến ông mất 1.000 m2 đất ở ngay thị trấn Long Phú, lâm vào cảnh phải đi làm thuê, ở trọ nơi khác.
Cụ thể, năm 1981, ông Liêm mua của bà Trần Thị Kiệm 1.000 m2 đất tại ấp 2, thị trấn Long Phú. Ông đã sử dụng và đóng thuế đầy đủ. Đến năm 1994, khi ông và vợ là bà Huỳnh Thị Mật ly thân thì ông Huỳnh Văn Lực (anh vợ ông Liêm) làm đơn khiếu nại ra chính quyền đòi 1.000 m2 đất mà ông Liêm đang sử dụng, với lý do đất đó trước đây ông Lực cho vợ chồng ông Liêm mượn.
Trong quá trình giải quyết, ngày 27/9/2000, UBND huyện Long Phú ban hành Quyết định số 1016/QĐ-UB với nội dung: “Bác đơn khiếu nại tranh chấp 1.000 m2 đất, tọa lạc tại ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú đối với ông Nguyễn Thanh Liêm. Lý do: Việc tranh chấp của ông Liêm là không có cơ sở; công nhận 1.000 m2 đất nêu trên cho ông Huỳnh Văn Lực”. Cùng ngày này, UBND huyện Long Phú ban hành Quyết định 1017/QĐ-UB với nội dung: “Thu hồi 1000 m2 đất tọa lạc tại ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú mà ông Nguyễn Thanh Liêm đang chiếm sử dụng, giao trả lại cho ông Huỳnh Văn Lực”.
Sau đó, ông Liêm khiếu nại. Ngày 21/12/2000, Chủ tịch UBND huyện Long Phú ban hành Quyết định 1037/QĐ-UB, với nội dung: “Công nhận toàn bộ phần đất nêu trên cho gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm”.
Sau đó 3 năm, ngày 2/1/2004, Chủ tịch UBND huyện Long Phú lại ban hành Quyết định số 02/QĐ.HC.03, với nội dung: “Công nhận 3.313 m2 đất tọa lạc tại ấp 2, thị trấn Long Phú cho gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm”. Cũng quyết định này, Chủ tịch UBND huyện Long Phú còn nêu rõ: “Quyết định này thay thế quyết định số 1037/QĐ-UB ngày 21/12/2000 của Chủ tịch UBND huyện Long Phú”.
Điều đáng ngạc nhiên là Quyết định 02/QĐ.HC.03 của Chủ tịch UBND huyện Long Phú không nêu rõ lý do để công nhận đất ông Liêm có 3.313 m2, trong khi đất ông quản lý thực tế là 4.200 m2, cũng như không nêu rõ lý do vì sao lại hủy bỏ quyết định 1037/QĐ-UB ngày 21/12/2000 của UBND huyện Long Phú trước đây.
Không đồng ý, ông Nguyễn Thanh Liêm khiếu nại đến UBND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 11/2/2004, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 06/QĐ.GQKT.04, với nội dung: “Công nhận quyết định số 1016/QĐ-UB ngày 27/9/2000 của Chủ tịch UBND huyện Long Phú về việc giải quyết bác đơn khiếu nại tranh chấp 1.000 m2 đất của ông Nguyễn Thanh Liêm; công nhận 1.000 m2 đất nêu trên thuộc quyền sử dụng của ông Huỳnh Văn Lực.”
Tuy nhiên, theo hồ sơ quản lý đất đai của chính quyền địa phương (từ thị trấn Long Phú đến tỉnh Sóc Trăng) đều ghi diện tích đất nói trên do ông Nguyễn Thanh Liêm sử dụng từ năm 1981, thuộc thửa số 210, tờ bản đồ số 5. Hồ sơ quản lý đất đai do Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Sóc Trăng quản lý cũng thể hiện diện tích đất đứng tên ông Liêm và có văn bản xác nhận nội dung này bằng việc sao chụp bản đồ và danh sách các hộ quản lý, sử dụng đất (trong danh sách này cũng có tên ông Nguyễn Thanh Liêm).
Ngày 23/7/1998, cán bộ địa chính thị trấn Long Phú là ông Huỳnh Minh Tuấn xác nhận: “Hộ ông Nguyễn Thanh Liêm có tên nằm trong sổ mục kê số thửa 210 diện tích 5.200 m2 là đúng” (toàn bộ thửa đất là 5.200 m2, trong đó 3.200 m2 là đất có từ trước của ông Liêm, còn 2.000 m2 năm 1981 ông Liêm và Nguyễn Thị Tư (chị dâu ông Lực) cùng mua của bà Trần Thị Kiệm, trong đó ông Liêm 1.000 m2 và bà Tư 1.000 m2, nhưng bà Tư vẫn để cho ông Liêm đứng tên trong sổ quản lý đất đai).
Ngày 20/7/1998, cán bộ đội thuế thị trấn Long Phú xác nhận: “Hộ ông Nguyễn Thanh Liêm có nằm trong bộ thuế hàng năm và đã nộp thuế dứt điểm đến năm 1997, còn năm 1998 chưa nộp (vì do xảy ra tranh chấp với ông Lực- PV)”. Cùng ngày này, Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú cũng xác nhận: “Ông Nguyễn Thanh Liêm có đất tọa lạc tại ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú là đúng”.
Bà Trần Thị Kiệm (người bán đất cho ông Liêm) cũng có đơn gửi các cơ quan chức năng của huyện Long Phú và tỉnh Sóc Trăng xác nhận: “Tôi có sang (bán) cho vợ chồng Ba Đệ (tên gọi hàng ngày của ông Liêm) 2 công đất, tôi biết 2 anh em chia người 1 công, Ba Hùng (chồng bà Tư) một công, Ba Đệ một công. Ba Đệ ở đến nay (năm 2002 - PV) 23 năm trồng cây ăn trái”. Đồng thời, bà Kiệm khẳng định, bà “không bán đất cho ông Lực”. Bà Võ Thị Thiệt (con bà Kiệm) cũng xác nhận bằng văn bản: “Năm 1981 mẹ tôi là bà Kiệm có bán 2.000m2 đất cho ông Liêm chứ không bán cho ông Lực”.
Bạch Dương