Tên cướp gây tai nạn, bỏ lại đồng bọn tử vong có phạm tội giết người?

Anh Thế

(Dân trí) - Sau khi cướp giật, hung thủ gây tai nạn khiến 2 người chết, trong đó 1 nạn nhân chính là đồng bọn của y. Đối tượng này phạm nhiều tội hình sự, ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó, tối ngày 19/2, nghi phạm Trương Đức Huy (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) là người điều khiển xe máy chở theo đối tượng Bùi Minh Tuấn (25 tuổi, ngụ quận 11) và giật túi xách của đôi nam nữ trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú) vào tối ngày 19/2.

Trên đường bỏ chạy, Huy để phương tiện tông vào xe máy của anh Trần Văn Trí (32 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) khiến Tuấn tử vong tại chỗ và anh Trí cũng không qua khỏi sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện.

Qua làm việc, Huy khai nhận do quay đầu lại nói chuyện với Tuấn nên dẫn đến vụ tai nạn. Sau khi vụ việc xảy ra, Huy lấy xe lấy xe máy chạy về nhà ở quận Tân Bình. Do bị gãy ngón chân, Huy vào Bệnh viện Thống Nhất để các bác sĩ sơ cứu vết thương rồi bỏ trốn về nhà.

Tên cướp gây tai nạn, bỏ lại đồng bọn tử vong có phạm tội giết người? - 1

Hiện trường vụ tai nạn.

Đến chiều 24/2, H. bị Công an quận Tân Phú bắt giữ. Theo nguồn tin, nghi phạm Huy từng có 3 tiền án.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là một vụ án nghiêm trọng. Hung thủ là đối tượng, côn đồ, manh động, phạm cùng lúc nhiều tội hình sự. Vụ án này đặc biệt ở chỗ, đồng phạm của hung thủ vừa tham gia gây án xong lại trở thành nạn nhân dẫn đến tử vong.

Trước hết, hành vi giật túi xách của nghi phạm Huy có đủ cơ sở xác định là hành vi cướp giật tài sản được quy định tại điều 171 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Khách thể bị xâm phạm của tội cướp tài sản là quyền sở hữu tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người. Thông qua việc xâm phạm sức khỏe con người để người phạm tội xâm phạm quan hệ sở hữu tài sản.

Hành vi giật tài sản nhanh chóng, công khai, có thể kết hợp với các thủ đoạn như lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản không chú ý, bất ngờ giật lấy tài sản, hoặc lợi dụng chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản đang bị vướng mắc hoặc đang điều khiển phương tiện giao thông để giật tài sản…

Hung thủ đã dùng thủ đoạn nguy hiểm khi hành vi này có thể dẫn đến thiệt hại cả tính mạng, sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy...

Vì vậy, với riêng tội danh này, hung thủ khi bị truy tố xét xử có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù.

Tên cướp gây tai nạn, bỏ lại đồng bọn tử vong có phạm tội giết người? - 2

Đối tượng Huy cùng với phương tiện gây án.

Thư hai, trên đường bỏ chạy, Huy để phương tiện tông vào xe máy của anh Trần Văn Trí (32 tuổi, quê Thừa Thiên Huế) khiến Tuấn tử vong tại chỗ và anh Trí cũng không qua khỏi sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện.

Khi bị chạy nghi phạm Huy đã chạy với tốc độ cao, quay đầu lại nói chuyện với người ngồi sau, thiếu quan sát, vi phạm quy định pháp luật về điều khiển phương tiên tham gia giao thông. Hành động này có đủ cơ sở cấu thành Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Điều luật này quy định rõ, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác làm chết 02 người thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm tù.

Luật sư Lực cho rằng, trong trường hợp này khó có cơ sở để xử lý kẻ côn đồ này với tội danh Giết người hay tội Vô ý làm chết người. Tuy nhiên, với 2 tội danh đã rõ, nhiều khả năng đối tượng sẽ bị xét xử các mức án kịch khung.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm