Tạo điều kiện cho con chơi thoải mái và có ích
Tôi có 2 con trai, cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ học mẫu giáo lớn. Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ và quan điểm giáo dục của mình với các bậc làm cha làm mẹ, chủ yếu ở khía cạnh “chơi” của trẻ.
Trong xã hội hiện nay, tình trạng trẻ em phải học quá tải là một điều trăn trở cho các bậc làm cha mẹ. Ngược lại số trẻ em chỉ biết xem tivi, chơi điện tử cũng ngày một tăng mạnh dẫn đến một số bệnh lý rất nguy hiểm.
Trẻ em cần được học và chơi một cách thoải mái, cân bằng. Chúng ta không nên áp đặt và ép buộc chúng học một cách vô lý. Hãy ngẫm lại lúc chúng ta là còn nhỏ, là học sinh, chúng ta có thèm chơi không? Có bị điểm kém trong học tập không? Có sai sót hay mắc lỗi không? Sẽ rất ít người trong số các bậc làm cha làm mẹ trả lời với chính mình là KHÔNG. Vậy thì tại sao chúng ta lại đòi hỏi con cái chúng ta chỉ biết học, phải đạt toàn điểm cao, phải là học sinh giỏi và tại sao chúng ta lại buồn đến thế khi con chúng ta làm bài không tốt, bị điểm kém hay thầy cô nhắc nhở v..v..
Từ kinh nghiệm của chính mình, tôi nhận thấy khi bố mẹ tạo điều kiện cho con cái được chơi một cách thoải mái, lành mạnh thì chúng sẽ học hiệu quả hơn. Tôi đã giáo dục các con mình tự nhận thức được việc học quan trọng với chính bản thân chúng như thế nào, từ đó để chúng xác định được việc học là cho mình và tự giác phấn đấu theo khả năng của mình.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Tôi thường nói với các con tôi: “Bố mẹ sẽ tạo điều kiện cho con chơi thoải mái, còn việc học là việc của con”. Tất nhiên điều đó không có nghĩa là chúng tôi bỏ mặc chuyện học hành của con, việc kiểm tra, nhắc nhở con học tập sát sao cũng là một biểu hiện quan tâm của bố mẹ. Nhưng thực sự tôi đã coi nhẹ chuyện đó hơn một số người khác, có lẽ bởi vì tôi tin vào bọn trẻ.
Vợ chồng tôi thường lên kế hoạch cho bọn trẻ đi chơi ở đâu, chơi gì và kèm theo đó là điều kiện con phải đạt kết quả như thế nào trong học tập. Việc cho bọn trẻ đi chơi không nhất thiết phải tốn kém, không phải lúc nào cũng là đi chơi xa, đi du lịch… mà đơn giản là cho chúng được hoạt động vui chơi ở nơi sạch sẽ, thoáng đãng.
Việc thường xuyên cho con đi chơi sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, chúng được sống vô tư, thoải mái, không phải căng thẳng lo nghĩ, hoạt động ngoài trời chơi các môn thể thao sẽ đem lại sức khỏe tốt, mở rộng quan hệ bạn bè, giảm thiểu thời gian xem tivi, chơi điện tử. Và cũng vì thế mà tôi thấy rằng con tôi học tập trung hơn, hiệu quả hơn và không có tình trạng đối phó.
Chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng tôi có rất nhiều thời gian, hoặc làm công việc nhàn hạ nên mới dành nhiều thời gian cho con đi chơi như vậy. Thực sự công việc của tôi rất bận, tôi cũng là một cán bộ nhà nước, cũng thường xuyên phải đi công tác. Theo tôi, điều đó không làm giảm đi sự quan tâm của bố mẹ với con cái. Chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp được một cách hợp lý giữa công việc và gia đình. Chúng ta chỉ cần ngại một chút thôi là thời gian sẽ trôi qua và không bao giờ lấy lại được.
Hiện nay con trai lớn của tôi học rất tốt, và cháu cũng biết chơi rất nhiều các môn thể thao như bơi, bóng bàn, võ, patin, cháu cũng chơi điện tử như một trò giải trí. Con trai nhỏ của tôi tuy mới 5 tuổi nhưng cũng đã học và biết bơi, biết trượt patin, biết sử dụng máy tính để chơi các trò đơn giản. Nhiều người bảo sao tôi không dạy cháu đọc, viết?
Quan điểm của tôi là hãy để các cháu được sống với đúng lứa tuổi của mình, các cháu phải được chơi vì chơi cũng là cách học có hiệu quả.
Lientb
LTS Dân trí - Tình trạng chung của xã hội hội ta ngày nay là các bậc cha mẹ thường quá lo lắng đến việc học hành của con cái, chỉ chăm chăm bắt con học nhiều để luôn được điểm cao mà ít quan tâm đến nhu cầu vui chơi lành mạnh của con trẻ. Cách nuôi dạy như vậy là không đúng nhu cầu phát triển triển tự nhiên của trẻ em và đương nhiên dẫn đến sự “phát triển” méo mó.
Những lời tâm sự trên đây của một phụ huynh học sinh gợi ra nhiều kinh nghiệm tốt trong việc nuôi dạy con. Chúng ta nên tham khảo những kinh nghiệm đó để đạt được hiệu quả thiết thực trong việc nuôi dạy con cái.