Vụ UBND xã “làm khó” người dân ở Trà Vinh:
TAND Tối cao đề nghị xét xử giám đốc thẩm hủy các bản án
(Dân trí)- Liên quan đến vụ hai cấp tòa ở Trà Vinh bác đơn kiện của ông Phạm Văn Sáu đối với quyết định hành chính của UBND xã An Phú Tân (Cầu Kè, Trà Vinh), TAND tối cao có kháng nghị và đề nghị xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án.
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 1986, giữa ông Phạm Văn Sáu và ông Nguyễn Văn Hòa (đã mất vào năm 1997) có tranh chấp với nhau ranh đất con mương tại ấp An Trại, xã An Phú Tân. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, ông Sáu và ông Hòa đã tự thỏa thuận hòa giải thành.
Đến ngày 19/6/1989, UBND xã An Phú Tân có quyết định về việc kết luận cuộc hòa giải tranh chấp mương đất giữa ông Sáu và ông Hòa. Theo quyết định số 14/QĐ-UBX.89 (QĐ14) thì ông Sáu và ông Hòa mỗi người chia nhau 1/2 cái mương để sử dụng. Tiếp sau đó, ngày 31/8/1989, UBND huyện Cầu Kè có công văn số 57/CV-UBH yêu cầu hai bên thực hiện theo QĐ14 của UBND xã An Phú Tân. Từ đó đến năm 2006, hai bên không ai có tranh chấp hay khiếu nại gì.
Sau khi ông Hòa mất vào năm 1997, phần đất của ông Hòa chuyển lại cho con là ông Nguyễn Văn Út sử dụng. Đến năm 2006, gia đình ông Hòa tiếp tục phát sinh tranh chấp cũng là con mương này. Gia đình ông Phạm Văn Sáu kiện gia đình ông Hòa ra tòa. Qua nhiều lần xét xử từ năm 2006 đến 2010 với cả sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm nhưng vụ án “Tranh chấp ranh đất” vẫn không được giải quyết dứt điểm. Do đó, ngày 2/4/2010, TAND huyện Cầu Kè có quyết định đình chỉ vụ án do phía ông Sáu chỉ yêu cầu thực hiện đóng ranh đất đúng theo đúng QĐ14 của UBND xã An Phú Tân.
Tuy nhiên, đến ngày 14/2/2011, bỗng dưng UBND xã An Phú Tân có Quyết định số 32/QĐ-UBND (QĐ32) về việc thu hồi QĐ14 do chính xã này ban ra. Nhận thấy QĐ32 của UBND xã An Phú Tân gây thiệt thòi cho mình, ông Phạm Văn Sáu kiện UBND xã An Phú Tân ra tòa. Qua phiên tòa sơ thẩm ngày 10/4/2012 của TAND huyện Cầu Kè và phiên tòa phúc thẩm ngày 23/8/2012 của TAND tỉnh Trà Vinh về vụ “Khiếu kiện quyết định hành chính”, cả hai phiên tòa đều bác yêu cầu của ông Sáu đòi hủy QĐ32.
Ngày 25/9/2012, ông Phạm Văn Sáu có đơn gửi Chánh án TANDTC đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 21/12/2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có công văn kiến nghị Chánh án TANDTC kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm ngày 23/8/2012 của TAND tỉnh Trà Vinh. Ngày 25/1/2013, Văn phòng Chính phủ có công văn chuyển đơn của ông Phạm Văn Sáu đến Chánh án TANDTC để xem xét theo thẩm quyền.
Qua trình bày của ông Phạm Văn Sáu, những lý do mà tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra đều thiếu sự thuyết phục, gây bất lợi cho gia đình ông. Tại các phiên tòa, phía luật sư của ông Sáu cho rằng, QĐ14 là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. QĐ14 là QĐ hành chính có hiệu lực và có tính bắt buộc thi hành, không cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền bác bỏ vấn đề trên.
Trong khi đó, HĐXX cũng cho rằng, theo quy định tại khoản 7 Điều 9, khoản 1 Điều 21 Luật Đất đai năm 1987 và khoản 1 Điều 15 Nghị định số 30-HĐBT ngày 23/3/1989 thì UBND xã có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa cá nhân với nhau. Tranh chấp giữa ông Sáu và ông Hòa phát sinh năm 1989 nên UBND xã ban hành QĐ14 là có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, phía bị kiện là UBND xã An Phú Tân, người đại diện là ông Nguyễn Minh Kỳ - Chủ tịch UBND xã cũng là người ký QĐ32, tại tòa ông Kỳ cho rằng, UBND xã ban hành QĐ32 để thu hồi QĐ14 là có căn cứ. Theo ông Kỳ, QĐ14 không có tính khả thi để thi hành: không nêu rõ thửa đất số mấy, diện tích đất tranh chấp bao nhiêu m2, tứ cận thế nào…; Việc ban hành và tống đạt QĐ14 chưa đúng theo trình tự do không có tống đạt QĐ cho hộ ông Nguyễn Văn Hòa; Năm 1991, huyện Cầu Kè đo đạc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, do hộ ông Sáu sử dụng ổn định, không có tranh chấp nên ngày 21/11/1995, UBND huyện đã cấp giấy CNQSDĐ cho ông Sáu nên QĐ14 không còn hiệu lực.
Những lý do mà ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Kỳ đưa ra tại tòa đều được tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người trong cuộc những lý do này rất thiếu thuyết phục. Cụ thể, theo ông Trần Văn Vọng - nguyên Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè (người chỉ đạo vụ việc tranh chấp vào thời điểm đó) thì thời điểm từ năm 1989 trở về trước, đơn vị tính cho đất đai nông nghiệp (ở Nam Bộ) là tính bằng công và cũng chưa có bản đồ thửa đất. Hơn nữa, ông Sáu và ông Hòa không phải tranh chấp diện tích đất mà là vị trí ranh đất nên các vấn đề biện bạch như thửa đất, tứ cạnh, diện tích của ông Chủ tịch xã là thiếu khách quan, thiếu căn cứ.
Còn theo ông Phạm Văn Sáu, khi QĐ14 được ban hành, cả ông và ông Hòa đều nhận được. Chứng thực là theo các tờ xác nhận của ông Nguyễn Hồng Tư (nguyên Trưởng ban Tư pháp xã An Phú Tân) và ông Nguyễn Văn Dũng (Trưởng Ban nhân dân ấp An Trại, cùng công tác vào thời điểm có QĐ14) đều cho biết cả hai ông Sáu và ông Hòa đã nhận được và thực hiện theo đúng QĐ14. Tuy nhiên, các phiên tòa đã lờ đi những xác nhận này.
Một điều điều đặc biệt và khó hiểu ở đây nữa là theo ông Sáu trình bày cho biết, sở dĩ UBND xã An Phú Tân thu hồi QĐ14 là vì UBND xã "căn cứ thông báo trong một cuộc họp nội bộ do ông Nguyễn Thế Ngoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè với nội dung: Giao Chủ tịch UBND xã An Phú Tân ra quyết định thu hồi QĐ14 ". Ông Sáu cho rằng, ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND huyện là không có cơ sở, thiếu tính khách quan và không dân chủ. Bởi sau khi tòa án có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án giữa ông Sáu và gia đình ông Hòa thì ông Sáu có quyền yêu cầu UBND xã An Phú Tân nhanh chóng tổ chức thi hành QĐ14 bằng hình thức tiến hành cắm ranh mốc giới theo QĐ này.
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân (Trưởng VP Luật sư Thanh Tân, Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) cho rằng, UBND xã An Phú Tân ra QĐ32 để thu hồi QĐ14 là không có căn cứ pháp lý. Theo Luật sư Thanh Tân, nếu như UBND xã muốn thu hồi QĐ cũ thì cần phải có lý do rõ ràng cụ thể chứ không thể viện dẫn những lý do chung chung. Một quyết định hành chính do chính quyền địa phương ban hành đã có hiệu lực hơn 20 năm nay thì không thể dễ dàng bị thu hồi, như thế khác nào làm cho vụ tranh chấp tiếp tục quay vòng lại như hồi hàng chục năm về trước.
Trong kháng nghị giám đốc thẩm vụ án gửi Viện trưởng VKSNDTC và các cơ quan liên quan, Chánh án TANDTC cho rằng, việc tranh chấp của các đương sự xảy ra năm 2005; theo quy định tại điều 136 và điều 138 Luật đất đai năm 2003, người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết là của Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè hoặc TAND huyện Cầu Kè. Do đó, việc UBND xã An Phú Tân bàn hành QĐ32 thu hồi lại QĐ14 của chính mình nhằm giải quyết lại việc tranh chấp liên quan đến ranh đất giữa gia đình ông Sáu và ông Hòa là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật đất đai 2003.
UBND xã An Phú Tân cho rằng, cần thu hồi QĐ14 là vì UBND xã căn cứ Thông báo số 111 ngày 7/7/2010 của Văn phòng HĐND, UBND huyện Cầu Kè về việc thông báo ý kiến kết luận của ông Nguyễn Thế Ngoan- Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè. TANDTC đánh giá, việc này là không hợp lý vì ý kiến của Phó Chủ tịch huyện chưa phải là căn cứ để xác định UBND xã An Phú Tân bàn hành QĐ32 thu hồi QĐ14 là đúng pháp luật.
Án sơ thẩm và phúc thẩm cùng nhận định: QĐ14 không nêu rõ thửa đất số mấy, diện tích đất tranh chấp bao nhiêu m2, tứ cận thế nào…nên QĐ14 không thể thi hành được; Việc ban hành và tống đạt QĐ14 chưa đúng theo trình tự thủ tục nên không đảm bảo quyền lợi của các đương sự và tính hiệu lực pháp luật của QĐ”.
Về những nhận định trên, TANDTC cho rằng, nhận xét như trên là không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, vì ông Sáu và ông Hòa chỉ tranh chấp về hiện trạng sử dụng đất (vì đất chưa được đo vẽ chính xác) và được giải quyết bằng QĐ14 của UBND xã An Phú Tân và các gia đình đã tự nguyện thi hành, không tranh chấp về diện tích đất. Ngoài ra, ông Sáu và ông Hòa đã nhận và thực hiện theo QĐ14, qua xác nhận của ông Nguyễn Hồng Tư (nguyên Trưởng ban Tư pháp xã An Phú Tân) và ông Nguyễn Văn Dũng (Trưởng Ban nhân dân ấp An Trại, cùng công tác vào thời điểm có QĐ14). Đồng thời, ông Trần Văn Vọng (nguyên Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, người chỉ đạo vụ việc tranh chấp vào thời điểm đó) qua xác nhận cũng cho biết, thời điểm từ năm 1989 trở về trước, đơn vị tính cho đất đai nông nghiệp (ở Nam Bộ) là tính bằng công và cũng chưa có bản đồ thửa đất. Hơn nữa, ông Sáu và ông Hòa không phải tranh chấp diện tích đất mà là vị trí ranh đất… “Tòa án cả hai cấp sơ và phúc thẩm không làm rõ những chứng cứ này mà máy móc cho rằng khi giải quyết tranh chấp phải có bản đo vẽ, thể hiện vị trí, diện tích, tứ cận…là không phù hợp hoàn cảnh lịch sử khi ban hành QĐ14”, kháng nghị của Chánh án TANDTC nêu rõ.
TAND cấp sơ thẩm có nhận định: “Hiện tại ông Sáu đã được cấp GCNQSDĐ tại thửa 443, diện tích 2.670m2 vào ngày 21/11/1995 là khoảng thời gian tương đối dài nhưng ông Sáu không có khiếu kiện gì, do vậy QĐ14 không còn hiệu lực pháp luật để thi hành”. Theo TANDTC, năm 1995, khi cấp GCNQSDĐ cho ông Sáu, UBND huyện Cầu Kè chỉ căn cứ theo quy định Luật đất đai 1993 và căn cứ vào cơ sở xét duyệt cấp giấy của UBND xã để làm cơ sở cấp giấy cho các hộ dân, không tiến hành đo đạc từng thửa đất và cắm ranh để xác định mốc giới thửa đất là không đúng trình tự, thủ tục. Trong hồ sơ vụ án cũng không có một tài liệu, chứng cứ nào cho rằng, thửa đất 443 có hay không có diện tích đất của ½ mương. Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm nhận định thửa 443 của ông Sáu không có phần diện tích ½ mương là phiến diện, chưa đủ căn cứ vững chắc.
Như vậy, Tòa án hai cấp đều xử bác yêu cầu khởi kiện của ông Sáu đối với QĐ32 ngày 14/2/2011 của UBND xã An Phú Tân là không đúng pháp luật.
Do đó, Chánh án TANDTC quyết định kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm số 01/2012/HCPT ngày 23/8/2012 của TAND tỉnh Trà Vinh. Đề nghị Tòa Hánh chính TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án hành chính phúc thẩm số 01/2012/HCPT ngày 23/8/2012 của TAND tỉnh Trà Vinh và bản án hành chính sơ thẩm số 01/2012/HCST ngày 10/4/2012 của TAND huyện Cầu Kè; Giao hồ sơ vụ án để TAND huyện Cầu Kè xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Huỳnh Hải - Vinh Trãi