Bài 3:
TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục mở phiên toà xét xử vụ án kinh tế bị kêu oan
(Dân trí) - Sau khi tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Kính Đạt do nhiều người được cho là bị hại của vụ án đã khẳng định quan hệ giữa họ và các bị cáo là quan hệ vay mượn dân sự, họ không hề có đơn tố giác, TAND) tỉnh Phú Thọ đã tiếp tục có quyết định đưa vụ án ra xét xử vào các ngày 28 và 29/7.
Theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, công ty Kính Đạt có trụ sở tại khu 8, xã Tứ Xã, Lâm Thao (Phú Thọ) do Khổng Văn Phú làm giám đốc và Chử Thị Hoà, vợ Phú, làm kế toán trưởng. Trong các năm 2010, 2011, 2012, Khổng Văn Phú đã tự thiết kế và thuê in “Sổ tiền gửi” gồm 4 trang.
Sau khi in sổ tiền gửi, Phú đã chỉ đạo vợ đưa ra thông tin gian dối là Công ty Kính Đạt có chức năng nhận tiền gửi như các tổ chức tín dụng và các ngân hàng với mức lãi suất cao hơn lãi suất do ngân hàng Nhà nước quy định và cam kết khi người gửi tiền có nhu cầu rút tiền chỉ cần thông báo trước 10 ngày thì công ty sẽ hoàn trả đủ cả tiền gốc và tiền lãi.
Bản cáo trạng cho rằng, do do tin tưởng các thông tin và cam kết mà vợ chồng Phú đưa ra nên 51 người dân đã mang tiền đến nhà Phú, đồng thời là trụ sở công ty gửi lấy lãi với số tiền gần 5,5 tỷ đồng. Vợ chồng Phú nhận tiền, điền các thông tin của người gửi vào sổ gửi tiền rồi đóng dấu công ty. Khi người dân gửi tiền, vợ chồng Phú không hạch toán vào hệ thống sổ sách mà sử dụng vào mục đích cá nhân dẫn đến việc không còn khả năng trả nợ số tiền gần 5,2 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố bị can với 2 vợ chống Phú - Hoà và VKSND tỉnh Phú Thọ ra cáo trạng truy tố 2 bị can này về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, bà Chử Thị Hoà phản bác cho rằng việc vay mượn tiền giữa vợ chồng bà với những người dân chỉ là giao dịch vay mượn dân sự. Vợ chồng bà hoàn toàn có ý thức trả nợ và vẫn đang thực hiện việc trả nợ. Bà Hoà cho rằng vợ chồng bà là nạn nhân của một vụ án hình sự hoá quan hệ dân sự.
Vào ngày 30 và 31/3/2016, TAND tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa vụ án này ra xét xử sơ thẩm nhưng trước việc rất nhiều người được cho là bị hại của vụ án đã khẳng định quan hệ giữa họ và các bị cáo là quan hệ vay mượn dân sự, họ không hề có đơn tố giác các bị cáo và cùng đề nghị Tòa án trả tự do cho các bị cáo.
Trước diễn biến bất ngờ này, Chủ tọa phiên tòa đã phải quyết định tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề không thể làm rõ tại phiên tòa.
Bày tỏ quan điểm về sự việc, luật sư Trịnh Anh Dũng - Văn phòng luật sư Trịnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội), là người bào chữa của các bị cáo Khống Văn Phú và Chử Thị Hòa cho rằng: “Có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong hoạt động điều tra. Để buộc tội các bị cáo trong vụ án này, tại Kết luận điều tra số 20 KLĐT ngày 06/4/2015('KLĐT") và Bản kết luận điều tra bổ sung số 44 ngày 31/8/2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ ("CQCSĐT") cùng nội dung: "Ngày 18/4/2014, ba ngành CQCSĐT Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cáo ("ba Ngành tư pháp") đã cùng họp tại Bộ Công an để đánh giá về hành vi của Phú và Hòa đã xác định: hành vi của Phú và Hòa đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ luật Hình sự".
CQCSĐT tuy kết luận rằng, một phần Nhà máy gạch Tuynel An Đạo được hình thành từ nguồn vốn vay của 51 người dân tại xã Tứ Xã, yêu cầu Ngân hàng Nông Nghiệp huyện Lâm Thao bàn giao Giấy CNQSDĐ để xử lý tài sản trả nợ cho các chủ nợ, nhưng không tiến hành thủ tục kê biên tài sản này theo quy định tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng Hình sự, không quyết liệt truy hoàn tài sản này cho Công ty Kính Đạt, dẫn đến việc ngân hàng cố tình chây ì, không chịu bàn giao Giấy CNQSDĐ cho CQCSĐT, gây khó khăn cho nỗ lực trả nợ của các bị can, và cản trở công tác xét xử của Tòa án.
TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục mở phiên toà xét xử vụ án.
Để buộc tội các bị cáo, CQĐT và VKS cho rằng: Phú đã chỉ đạo Chử Thị Hòa đưa ra thông tin gian dối là Công ty Kính Đạt có chức năng nhận tiền gửi như các tổ chức tín dụng và ngân hàng với lãi suất cao hơn lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định vào cùng thời điểm. Căn cứ vào nội dung các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa ngày hôm nay, chúng tôi xin khẳng định, quan điểm trên của CQĐT và VKS là suy diễn không có cơ sở. Bởi lẽ:
Chứng cứ vật chất là "Sổ gửi tiền" không có bất kỳ nội dung nào thể hiện Công ty Kính Đạt có chức năng nhận tiền gửi như các tổ chức tín dụng và ngân hàng với lãi suất cao hơn lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định vào cùng thời điểm.
Đặc biệt, lời khai của những người bị hại về nội dung kết luận trên là tiền hậu bất nhất. Khi được CQĐT hỏi, thì họ trình bày rằng có việc bị cáo Hòa loan truyền thông tin như nội dung quan điểm của CQĐT và VKS, nhưng tại các văn bản có chữ ký của họ (có xác nhận của UBND xã Tứ Xã), chính họ lại đồng loạt đưa ra ý kiến phủ nhận lời trình bày của chính họ tại CQĐT, theo đó, họ trình bày rằng: khoản tiền họ đưa cho Phú Hòa là khoản tiền vay mượn dân sự, họ luôn coi Công ty Kính Đạt không phải là tổ chức tín dụng hay Ngân hàng (Giấy xác nhận ngày 12/5/2015). Trong phần xét hỏi, những người bị hại tham dự phiên tòa đều khẳng định, các văn bản có chữ ký của họ (có xác nhận của UBND xã Tứ Xã) đều được họ đọc, hiểu và đồng ý trước khi ký và việc họ ký các văn bản này là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.
Theo luật sư Trịnh Anh Dũng, tình trạng tài chính của Phú Hòa tại thời điểm bị khởi tố cũng như tại thời điểm này không hề rơi vào tình trạng "không còn khả năng thanh toán" như nhận định của vị đại diện VKS. “Trước khi khởi tố và ngay cả hiện nay, Phú Hòa vẫn còn sở hữu nhà máy gạch Tuynel An Đạo có giá trị hơn 10 tỉ đồng, nên Phú Hòa có thừa khả năng thanh toán số tiền khoảng 5,1 tỉ của 51 người bị hại trong vụ án này trên thực tế. Vụ án bất thường này có căn cứ pháp lý cho thấy dấu hiệu của việc hình sự hoá quan hệ dân sự dẫn đến khởi tố và truy tố khiên cưỡng các bị cáo”, luật sư Dũng nói.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế