Bạn đọc viết:

Tản mạn về… trà đá

(Dân trí) - Trước đây, người Hà Nội không có khái niệm uống trà đá, mà quen uống trà nóng, đậm và đắng chát. Nhưng từ cuối những năm 90, trà đá từ Sài Gòn đã làm cuộc “đổ bộ” ra Bắc và nó không mất nhiều sức để trở thành thức uống thịnh hành.

Cũng kể từ đó, quán trà đá bắt đầu lên ngôi, mọc như nấm sau mưa để kịp thời phục vụ nhu cầu ẩm thực mới lạ. Trên vỉa hè dọc các tuyến phố, từ khu phố cổ trong trung tâm Hà Nội đến những khu đô thị mới đều la liệt quán trà đá. Trong công viên, xung quanh bờ hồ hay cổng cơ quan, trường học; gần bến tàu bến xe hoặc bên cạnh quán ăn, công trường xây dựng… đâu đâu cũng thấy quán trà đá.

 

Quán có thể trú ngụ tận trong những ngõ ngách sâu hun hút, cũng có thể “nay đây mai đó”, đột ngột “ra đời” cạnh một bãi đậu xe ôm, một khu cửu vạn chợ người hoặc nơi các cô gái tụ tập vẫy khách bán thân.

 

Mùa hè năm trước, quanh tam giác đường Nguyễn Chí Thanh và đầu cầu Trung Hòa có hàng chục quán trà đá như thế, tự phát bán hàng về đêm. Khách hàng chủ yếu là các đối tượng cờ bạc, bảo kê, hành nghề mại dâm. Khi các đối tượng này chuyển địa điểm hoạt động để tránh con mắt các cơ quan chức năng, thì hàng quán không ai bảo ai, cũng theo đó mà đi đâu hết.
 
Tản mạn về… trà đá - 1

Chỉ vài thứ đồ đơn giản là thành một cái quán xôm tụ

 

Đảo xe một vòng quanh khu vực Đại học Bách Khoa Hà Nội, đếm sơ sơ đã có trên 40 quán bán trà đá. Quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình hoặc khu vực bờ hồ Thuyền Quanh vào buổi tối thì hàng quán với mật độ dày đặc nhiều không đếm xuể. Sẽ có một con số bất ngờ hơn nữa nếu ai đó cất công đi đếm số lượng quán trà đá “cư ngụ” bên cạnh các trạm xe buýt trong thành phố để phục vụ các thượng đế trong lúc chờ xe.

 

Một quán trà đá được lập nên rất đơn sơ. Một cái bàn con con tự chế bằng gỗ tạp, vài cái ghế dài hoặc chục cái ghế nhựa, dăm bảy cái cốc, mấy bao thuốc, hộp kẹo, hộp đựng thuốc lào, một bình trà, một bình đá, phích nước nóng… thế là đầy đủ tiêu chí thành cái quán xôm tụ. Nơi tươm tất hơn thì có mái che bằng mảnh bạt hoặc cái dù nhỏ, bán kèm vài thứ quả chua, hạt hướng dương, bánh mì gói, vài chai nước ngọt. Xuề xòa thì đôi khi chỉ là mấy mảnh bao bì căng làm vách, một mảnh gỗ ép sắp mục gá trên những miếng bê tông làm bàn, vài viên gạch bọc giấy làm ghế… Tất cả đều hướng theo mục đích “rẻ” và “cơ động”.

 

Công thức chế biến trà cũng đơn giản như cái quán trà. Pha một ấm chè sao thật đặc để lấy nước cốt, khi có khách gọi thì bỏ vào cốc vài cục đá nhỏ, đổ nước trắng gần đầy rồi rót nước cốt chè lên trên. Tùy theo sở thích của từng người mà nước cốt chè được rót nhiều hay ít. Nếu rót nặng tay thì màu vàng khè của cốc trà chuyển sang màu trắng đùng đục, vị đắng đắng, chan chát.

 

Cũng có nơi dùng lá chè xanh cho vào ấm đun sôi 800C rồi chắt nước vào bình chứa làm nguyên liệu chế biến trà đá. Tuy nhiên, nhiều quán trà đá thường tận dụng nước chè cuối, nước chè đã bị nguội hoặc đã quá nhạt, chỉ còn mỗi mùi chè mà không còn vị chè, với mục đích giảm chi phí kinh doanh.

Mùa hè nóng nực, mỗi người một lý do để ngồi vào quán uống trà đá, nhưng chắc đều có chung một cảm nhận là ly trà đá mát lạnh, tiện lợi, giá rẻ, mà quy định của chủ quán không ngặt nghèo. Người ta có thể uống trà đá ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Khách uống trà thì đông đảo và đủ mọi thứ hạng, không phân biệt tầng lớp, tuổi tác. Chỉ cần 2 - 3000đ là người ta có thể ngồi uống nước hàng giờ đồng hồ, tán đủ chuyện trên trời dưới biển, không đầu không đuôi.

 

 
Tản mạn về… trà đá - 2
Thi nhau bày bán, lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ

 

Những người làm nghề bán trà đá một là do không có công công ăn việc làm ổn định, hai là đã về hưu và ba là lao động ở quê ra Hà Nội kiếm sống. Trong lúc loay hoay với kế sinh nhai, thấy nghề bán trà đá vốn ít, lãi to, họ đã nhanh chóng vào cuộc, trở thành một đội ngũ đông đảo trong phong trào “người người bán trà đá, nhà nhà bán trà đá”.

 

Chỉ cần vài trăm nghìn đến trên dưới một triệu đồng đầu tư, cùng một vài dịch vụ đi kèm là có thể ra kinh doanh trà đá hết công suất, từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Giá cả thị trường ngày một leo thang, giá một cốc nước trà đá từ 1 nghìn đồng trước kia, nay đã tăng lên, dao động khoảng 2 - 3 nghìn đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày người bán trà đá ở Hà Nội cũng thu về bình quân khoảng 200 - 300 ngàn đồng.

 

Chị Hoa (Cầu Diễn) bán trà đá vào buổi tối ở Sân vận động Mỹ Đình vui vẻ kể: “Trước kia nhà em trồng 3 sào rau muống lấy đồng ra đồng vào, sau khi giải phóng mặt bằng, 2 vợ chồng trẻ thành ra thất nghiệp. May có người quen giới thiệu, giờ cả hai vợ chồng bán quán trà đá ở đây, cũng đủ sinh sống và nuôi 2 cháu đi học”. Xem ra, nghề bán trà đá cũng là nghề siêu lợi nhuận.

 

Bên cạnh những cái “được” ấy, nếu xem xét ở góc độ mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm và một số vấn đề xã hội khác thì quanh ly trà đá cũng còn rất nhiều điều phải trăn trở.

 

Đa phần các quán bán trà đá đều dựng lên một cách tạm bợ, có nhiều chỗ quán xá nhếch nhác, kẻ đứng người ngồi ngay cạnh ngay cạnh bờ sông nồng nặc mùi nước thải. Khi hết khách, dọn hàng, một lượng rác đáng kể bị vứt bừa bãi, nào là hạt dưa, đầu lọc thuốc lá, kẹo cao su, túi ni lông, bao bì lổn nhổn. Những hình ảnh đó góp phần làm xấu đi nét thẩm mỹ của thành phố.
 
Tản mạn về… trà đá - 3

Ở ngay trước cửa một nhà vệ sinh công cộng

 

Nhiều quán trà đá bày bán tự do, lấn chiếm lòng lề đường, chiếm dụng cảnh quan công cộng, cản trở giao thông. Mỹ quan đô thị sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu không có dãy trà đá ven đường Thanh Niên, không có quán trà đá xập xệ cạnh một tòa nhà cao tầng trên đường Ngô Quyền, không có cảnh lố nhố người ngồi, người đứng mất an toàn trên cầu Long Biên…

 

UBND TP Hà Nội đã ban hành quy định về quản lý vỉa hè, cấm bán hàng rong trên các tuyên phố, nhưng đến nay không phải mất công dạo xe tìm kiếm, người ta vẫn bắt gặp bất cứ lúc nào một quán trà đá đang bày bán trên phần đường dành cho người đi bộ. Khi xuất hiện lực lượng an ninh trật tự và dân phòng phường sở tại, người bán hàng quơ tay thu dọn, chạy dạt vào các ngõ, hẻm xung quanh. Khi lực lượng này vừa đi khỏi thì mọi chuyện lại đâu vẫn hoàn đó.

 

Mặt khác, đầu mùa hè, khi mà lực lượng chức năng đang phải tập trung giải quyết các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng dịch tiêu chảy cấp thì cũng là lúc các quán trà đá vỉa hè với vô số nguy cơ mất vệ sinh đang hút khách. Cả người bán, người uống đều mặc nhiên bỏ qua chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm. Người uống cứ vô tư mặc cho xe cộ, dòng người qua lại cuốn theo bụi, giấy và rác.

 

Dù chưa có cuộc thanh tra, kiểm tra chính thức nào về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các quán trà đá, thế nhưng chắc chắn một điều không ai phủ nhận, sẽ không thể giữ được vệ sinh với việc ăn uống nơi công cộng, tấp nập người và xe cộ đi lại, bụi bặm và vi khuẩn rất nhiều.

 

Và trà đá được pha chế ra sao thì không phải thực khách nào cũng biết. Tại một quán nước ở ngã ba Hoàng Quốc Việt giao với đường Phạm Văn Đồng, chiếc bàn là 2 mảnh gỗ mục nát kê trên 4 tảng bê tông ẩm ướt. Người bán hàng với bộ móng tay đen nhẻm, đang dùng cái dùi gỗ đập đá vào một cái thùng chứa cáu bẩn, lớp xốp lót trong thùng đã ố đen, lỗ chỗ. Ngay đằng sau quán vài mét, hai người đàn ông thản nhiên tranh thủ đi vệ sinh “trút nỗi buồn” trong lúc chờ xe khách. Cảnh mất vệ sinh cứ thế phô ra.
 
Tản mạn về… trà đá - 4
 
Cạnh một bãi đất đá lổn nhổn và dòng sông bốc mùi xú uế

 

Một lần khác ở quán trà đá cóc ngay gần cổng Bệnh viện E Hà Nội, tôi bắt gặp bà chủ quán lén lút đổ ly nước trà nóng của vị khách uống thừa vào một cái ca nhựa, sau đó lại rót trà từ chính cái ca nhựa ấy ra cốc để pha chế trà đá cho một các vị khách khác. Nhiều người bán hàng dùng các loại đá chưa qua đăng ký, kiểm dịch để pha nước.

 

Có khu vực bán trà đá đã ngẫu nhiên trở thành những tụ điểm, nơi tập trung của những thành phần bất hảo, làm nghề cờ bạc, điều gái bán dâm. Mới đây, Công an Quận Cầu Giấy phá đường dây mại dâm trá hình do Nguyễn Thị Huệ cầm đầu, dùng vỏ bọc bán quán trà đá để đứng ra môi giới cho các nhân viên bán dâm…

 

 Sẽ không ai phủ nhận được nét ẩm thực thú vị, độc đáo đã và đang diễn ra quanh ly trà đá. Nhưng để nét ẩm thực này trở thành một nếp sống văn minh, một thói quen văn hóa thanh lịch của người Hà Nội thì thì ngoài việc đề cập những mặt tốt, mặt hay của nó, cũng cần nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan những mặt còn chưa hay, chưa tốt. Từ đó lấy cái chung, cái thống nhất mà điều hòa kết hợp giải quyết mâu thuẫn giữa một bên là thói quen ẩm thực với một bên là những hệ lụy xã hội.

 

Doãn Sơn