Bạn đọc viết:
Nhức nhối vấn đề an toàn thực phẩm
(Dân trí) - Mua gì, mua ở đâu và ăn gì, ăn ở đâu cho an toàn? Câu hỏi này được rất nhiều người đặt ra nhưng cho đến giờ nó vẫn… chưa có câu trả lời. Vậy phải chăng vấn đề An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm (ATVSTP) ở thị trường nội địa đang bị bỏ ngõ?
Một tủ bán bánh mì ven đường
Có nhiều yếu tố liên quan tới ATVSTP bao gồm; vật liệu bao gói, hóa chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi, cách thức hay phương pháp bảo quản, thao tác chế biến, phương thức phân phối và thói quen ăn uống vv…
- Rau bán không hết ở chợ chiều, không lẽ bỏ.
- Thịt, cá bán không hết chợ chiều, không thể bỏ.
- Thực phẩm chế biến sẵn, bán không hết trong ngày, chắc chắn không bỏ.
Những mặt hàng này sẽ đi về đâu? Sẽ được chế biến và phục vụ cho ai?
- Chất bảo quản, sử dụng trong bảo quản thực phẩm, bảo quản trái cây có thể mua rất dễ dàng và vô tư sử dụng.
- Thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho rau, có thể sử dụng và bán dễ dàng.
- Kháng sinh sử dụng trong (chăn nuôi gia súc gia cầm, trong thủy sản) dư lượng có thể vượt mức cho phép nhiều lần đang bán trên thị trường
Bành mì được gói bằng giấy báo cũ
Thực phẩm ăn vào thì thấy ngon, nhưng an toàn là một chuyện khác. Khi nấu ta chỉ tiêu diệt được vi khuẩn, còn những chất trên vẫn tồn tại khi chế biến. Khi ta ăn vào, thì cơ thể ta sẽ tích lũy như tích lũy điểm thưởng khuyến mãi dần dần và chờ ngày bùng phát.
Nếu như chúng ta cứ tiếp tục dùng thực phẩm không an toàn như thế này và tình hình này không được cải thiện, có lẽ chúng ta cần xây gấp nhiều bệnh viện.
Xin nêu một vài ví dụ cụ thể như sau:
Ví dụ 1: Ở xóm tôi có ông chú trồng rau, buổi sáng gia đình ông ta cắt rau mang ra chợ để bán, người trong xóm mới sang hỏi mua rau, thì ông ta nói là ông ta không bán rau này cho người trong xóm vì rau này ông ta mới phun thuốc sâu tối qua. Nếu rau này mà mang ra chợ bán thì chắc là chúng ta không thể biết được là rau này có an toàn về thuốc trừ sâu hay không? Có nguồn gốc từ đâu. Chúng ta chỉ có thể biết được khi đem mẫu rau này phân tích trong phòng thí nghiệm và cách này rất tốn kém, mất nhiều thời gian và không khả thi.
Ví dụ 2: Một hôm tôi đi chợ mua bún về ăn, nhưng ăn không hết, do bận công việc đi ra ngoài gấp nên khi đi ra ngoài tôi quên cho phần bún còn lại vào trong tủ lạnh để bảo quản. Hai hôm sau tôi trở về nhà, tôi giật mình vì phần bún tôi để bên ngoài vẫn còn có thể sử dụng được, không có dấu hiệu nhiều của lên men hay là mốc, tôi không biết là người bán đã sử dụng hóa chất gì để bảo quản bún. Bình thường, nếu bún không có hóa chất bảo quản, nếu để ở điều kiện nhiệt độ bình thường thì phải có mùi lên men hay mốc.
Ví dụ 3: Món kế tiếp tôi sắp đề cập ở đây mà tôi nghĩ hầu hết mọi người đã từng ăn - Bánh mì thịt hay là bánh mì kẹp thịt. Thường được bán ở ven đường rất tiện lợi và lại rẻ. Tuy nhiên một số nơi bán bánh này làm rất mất vệ sinh.
Tủ bán bánh mì thường đặt ở ven đường nên thường có bụi bám, ruồi đậu, nắng nóng vv… Nói về giấy dùng để gói bánh cũng rất đa dạng và không vệ sinh, một số nơi sử dụng giấy trắng để gói bành thì chấp nhận được, có nơi lại sử dụng giấy tận dụng ( báo cũ, sách cũ, tập học sinh vv) để gói bánh, mà giấy tận dụng này xem như là rác, không thể sử dụng để gói bánh được.
Ngoài ra việc bốc nhân làm bánh và thu tiền cũng rất mất vệ sinh. Hơn nữa hành động này cứ lập đi lập lại theo một chu trình, bốc bánh mì - bốc thịt – lấy tiền - trả tiền, mà không có vệ sinh tay.
Trứng nào là trứng an toàn và có thể truy suất nguồn gốc.
Và còn rất rất nhiều thứ khác vv…
Theo tôi nhằm để nâng cao ý thức và an toàn thực phẩm cho người dân, nhà nước cần thực hiện một số biện pháp sau:
1. Tăng cường giáo dục về ATVSTP cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Mở lớp huấn luyện về ATVSTP cho những người đang kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và những người muốn tham gia vào lĩnh vực này. Sau đó dần dần sẽ đưa vào dạng đăng ký bắt buộc, nếu muốn kinh doanh phải đăng ký và có mã số để quản lý.
Ngay cả bản thân người bán đôi khi còn chưa hiểu đúng thế nào là ATVSTP thì làm gì có chuyện giữ an toàn cho người khác.
3. Tăng cường kiễm tra ATVSTP
Từ các yếu tố trên, ta có thể làm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm và hạn chế thực phẩm trôi nổi không rỏ nguồn gôc trên thị trường.
Tuy nhiên nếu làm không hiệu quả, hay làm cho có và để đối phó có thể có tác dụng ngược lại và làm tốn kém chi phí và công suất lao động của xã hội.
TPHCM