Tắm gội!
Biết tắm - gội một cách có ý thức thì chỉ có ở sinh vật thượng đẳng là con người mới có. Đấy là hành động tự giác gắn với đời sống con người từ lúc sinh ra, qua quá trình trưởng thành cho đến lúc tận thế…
Khi một đứa bé vừa lọt lòng mẹ, công việc đầu tiên đối với nó là bà đỡ cho nó đi tắm gội.
Quá trình sống và làm việc, không ai là không thường xuyên tắm gội; ngày một hai lần hoặc vài ba ngày một lần, tùy người chăm hay lười, tùy nơi có sẵn nước hay thiếu nước, nhưng tuyệt đối không ai sống mà không hề tắm gội!
Việc tắm gội cũng có đôi ba đường. Khi người ta còn trẻ, hễ vào đến "toilet" là mở ngay vòi "sen" cho nước xối từ đỉnh đầu xối xuống. Khoan khoái lắm! Với người già, chớ có cùng một lúc vừa tắm vừa gội đầu, nguy hiểm vô cùng! Thậm chí bác sỹ còn khuyên các cụ cao tuổi, mỗi lần tắm, phải tắm bằng nước ấm; đồng thời nên tắm từ dưới chân tắm dần lên, chớ có đột ngột dội thẳng nước vào người, cho dù đó là nước ấm.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Đã tắm gội là phải dùng nước sạch thì cơ thể mới thực sự sạch sẽ, mới không sợ mắc bệnh ngoài da. Ngâm mình trong bùn ở một nơi nào đó, có thể có tác dụng chữa một vài căn bệnh. Nhưng ngâm bùn xong, nhất thiết phải tắm lại bằng nước sạch ngay. Hiển nhiên, một con người vấy đầy bùn, không bao giờ là một con người bình thường!
Tắm gội lúc sống là chuyện bình thường rồi. Thế còn lúc tạ thế? Theo sách "Thọ mai gia lễ", từ thuở xa xưa, cha ông chúng ta đã có tục lệ: khi một người qua đời, lễ đầu tiên phải làm cho người đó, chính là lễ "mộc dục", tức lễ tắm gội. Việc tắm gội lúc ấy nhằm mục đích "tẩy sạch bụi trần", giúp linh hồn người chết thanh thoát về "thế giới bên kia". Đó chính là lần tắm gội cuối cùng của mỗi một con người, mỗi một kiếp sống!
Sống phải sạch sẽ! Chết cũng phải sạch sẽ! Đấy chính là đặc trưng khác biệt giữa con người và con vật. Đấy phải chăng cũng là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam chúng ta!..
Trần Huy Thuận
LTS Dân trí - “Tắm gội” vốn là chuyện thường tình của mỗi con người cốt giữ cho thân thể được vệ sinh, sạch sẽ. Nhưng đối với Con Người (đúng nghĩa) luôn có lòng tự trọng thì việc “sạch sẽ” đâu chỉ cần thiết đối với cơ thể mà còn là điều hệ trọng trong lẽ sống cũng như nhân cách của mỗi con người, cho nên ông cha ta đã có lời khuyên: “đói cho sạch, rách cho thơm”.
Con người muốn lúc nào cũng “sạch sẽ” “thơm tho” thì phải năng “tắm gội” cả về thể xác cũng như tinh thần, biết tự giác và thường xuyên tự nhận xét những ưu, khuyết điểm qua những công việc đã làm cũng như qua cách ứng xử của bản thân để phát huy cái tốt đẹp và khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm làm sao luôn giữ được nếp sống đẹp, sống có ích cho gia đình, cho xã hội. Đấy là ý thức tự phê bình mà sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã nhắc nhở mọi người chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện điều đó.