Tại sao ngày càng có nhiều trí thức phạm tội?
(Dân trí)- Gần đây có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà hung thủ lại là những người có trình độ học vấn cao trong xã hội. Vậy có phải đó là hệ quả tất yếu của quá trình biến đổi xã hội hay đạo đức trí thức trong xã hội hiện đại đang “có vấn đề”?
“Nổi đình nổi đám” là vụ Nguyễn Đức Nghĩa (26 tuổi, ngụ Hải Phòng) đã cắt đầu người yêu rồi đem giấu xác tại sân thượng một chung cư ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Hành động man rợ hơn khi Nghĩa đã cho đầu người yêu vào bao ni lông rồi đem ném xuống một con sông cách Hà Nội 200 km.
Được biết Nghĩa từng là học sinh giỏi của Trường chuyên Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Học xong THPT Nghĩa thi đậu vào Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội và cũng vừa tốt nghiệp năm 2009.
Nhìn cặp kính cận dày cộm và gương mặt bầu bĩnh mang vẻ thư sinh có ai nghĩ hung thủ lại hành động một cách dã man như vậy. Sau cái chết đau lòng của Ngô Phương Linh, dư luận đã lên tiếng và không khỏi bàng hoàng về nhân cách của một người từng là học sinh giỏi của một trường chuyên và vừa tốt nghiệp từ một trường đại học danh tiếng.
Khác với Nghĩa, Nguyễn Văn Toàn (23 tuổi) sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thanh Hóa. Dù có gia đình và con nhỏ nhưng Toàn vẫn quyết chí học hành để dứt bỏ cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Ngày Toàn ra tòa cũng là ngày bạn bè cùng lớp đang chuẩn bị kết thúc năm thứ nhất. Những người có mặt trong phòng xử C, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM ngày 21/5, không khỏi xót xa cho tương lai của Toàn.
Hồ sơ vụ án, Toàn là sinh viên của Trường ĐHKH Tự nhiên thuộc ĐHQG TPHCM. Một ngày cuối tháng 8/2009, trong lúc dọn dẹp nhà cửa để chuyển phòng trọ, Toàn được nhóm bạn cùng quê rủ mua bia về lai rai. Đến khoảng 20 giờ, cả nhóm đi hát karaoke, riêng Toàn vào phòng nằm ngủ.
Cùng lúc đó, vợ Toàn, V.Đ.N và hai người em họ cũng vừa đi làm về. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, về đến nhà lại gặp cảnh bừa bộn, N. tỏ vẻ khó chịu, bỏ lên gác nằm. Chưa kịp đặt lưng xuống đã nghe giọng nhừa nhựa của Toàn ra lệnh dọn cơm ăn khiến N. phát cáu, xẵng giọng: “Ai ăn thì tự dọn ra mà ăn”. Cho rằng em vợ vô lễ, xấc xược, Toàn nổi giận đập bể nồi cơm điện và toàn bộ đồ dùng trong nhà.
Thấy Toàn đã say, những người trong phòng lẳng lặng rủ nhau qua phòng khác ngủ nhờ. Không ngờ việc này lại khiến Toàn càng thêm tức giận vì nghĩ mình bị coi khinh. Để dằn mặt, Toàn lấy dao chạy theo. Nghe loáng thoáng N. vừa mở cửa cổng ngoài vừa nói gì đó, nghĩ rằng em vợ đang chửi mình, Toàn lao đến đâm N. một nhát vào ngực... khiến N. tử vong.
Sau khi xem xét thêm một số tình tiết, HĐXX chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt Toàn mức án 20 năm tù. Mừng vui quá đỗi, Toàn úp mặt vào vành móng ngựa cho đến khi chiếc còng số 8 bập vào đôi tay lạnh buốt, anh ta mới vội vàng quay xuống tìm người thân, gương mặt bừng sáng niềm vui mà mắt lại long lanh nước. Nhìn con như thế, mẹ Toàn thở dài: “Giá như nó không say rượu để dễ dàng bị kích động thì mọi chuyện đã khác...”.
Được ăn học tử tế nhưng Đinh Kim Hoàng (30 tuổi, TPHCM) luôn cộc cằn và phải trả giá bằng 5 năm tù về tội giết anh rể. Ngày bị tuyên án, người thanh niên tính khí nóng như lửa đã biết khóc. Nước mắt chảy dài sau đôi kính cận, Hoàng vội nhìn người thân trước khi bước lên xe tù trở về trại giam.
Giáo dục nhân cách còn bỏ ngõ
Nhiều nguyên nhân khiến những người có học vấn cao trong xã hội rơi vào vòng lao lý. Điều chúng ta cần suy nghĩ là từ những vụ án đau lòng này, người ta rút ra được bài học gì nhằm cải tạo cái ác để hoàn lương.
Về vấn đề này, thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, giảng viên Tâm lý học Trường ĐHKHXH&NV TPHCM chia sẻ: “Khi đã lầm lỗi thì lý trí con người thường mù mờ, không ý thức được hành vi của mình. Không ai có thể cắt nghĩa người có học không được làm, người không có học được làm mà vấn đề thuộc về lối sống, văn hóa. Do một số tình huống, hoàn cảnh đặt họ vào vòng phạm pháp. Khi đã phạm tội thì những người có học thường đi từ cái sai này đến cái sai khác chẳng hạn như xóa mọi dấu vết phạm tội, phi tang xác chết xuống giếng, xuống sông,…”.
Theo Th.s Tuyết, ngành giáo dục cần phải suy nghĩ, định hướng và quan tâm nhiều hơn về giáo dục nhân cách cho con người khi còn trên ghế nhà trường. Tại Việt Nam, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên còn bỏ ngõ, chưa được đến nơi đến chốn. Nếu chỉ quan tâm đến việc đào tạo kiến thức khoa học thì chưa đủ mà phải làm cho con người phát triển toàn diện về trí tuệ, lối sống và tình người.
Tuy nhiên, nếu đổ lỗi hết cho ngành giáo dục thì không đúng. Phải có sự răn đe của xã hội đối với các cá nhân. Tính pháp lý trong xã hội chưa được công minh và rõ ràng nên tính chịu trách nhiện của mỗi người đối với hành vi của bản thân còn yếu nên họ buông lỏng.
Nỗi đau mà gia đình người bị hại đang mang vẫn dai dẳng đến suốt đời. Mong rằng qua những vụ án chấn động này gia đình nên giáo dục lại cho con có lối sống lành mạnh, không dễ dãi trong chuyện tình cảm, chỉ biết hưởng thụ mà quên đi trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội.
Công Quang