Tại sao lại cứ phải sinh được con trai?

PV

(Dân trí) - "Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ", câu khẩu hiệu quen thuộc nhưng có lẽ ở thời đại 5.0 này vẫn chưa ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ.

Thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa kiểm soát được chênh lệch giới tính khi sinh. Tư tưởng trọng nam khinh nữ dường như vẫn ăn sâu vào nhiều gia đình từ thành thị tới nông thôn.

Phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường, thiên chức làm mẹ không còn trở thành niềm tự hào nữa và chuyện sinh con trở thành nỗi ám ảnh khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà.

N.T.T. (30 tuổi, quê ở Hưng Yên) luôn là một cô gái tràn đầy sức sống, vui vẻ làm việc mỗi ngày. Từ khi kết hôn, lần lượt cô sinh hai con gái, và mới đây thôi, đứa thứ ba lại là con gái, đồng nghiệp cơ quan đều thấy rõ nét buồn trên khuôn mặt cô gái này.

Cô bị Lupus ban đỏ, việc sinh được con khỏe mạnh đã là điều đáng quý, còn việc can thiệp để có thể sinh con trai có lẽ vẫn còn khó khăn. Chính điều này đã khiến cô và chồng nhiều lần lục đục, nhưng nghĩ đến con, cô dặn mình luôn phải nhẫn nhịn.

Không giống như T., anh L.A.T. (Hà Đông, Hà Nội) là con trưởng một dòng họ lớn, với anh, mỗi mùa lễ tết hoặc nhà có giỗ chạp là anh lại cảm thấy như bị đeo đá vào cổ bởi anh mới chỉ có một đứa con gái. Con gái đã lớn nhưng việc sinh con thứ hai lại gặp khó khăn, chưa kể, anh được cả dòng họ ra tối hậu thư bắt buộc phải sinh con trai.

Năm 2022, sau khi tạm xin nghỉ không lương để hai vợ chồng đi tham khảo, làm thụ tinh nhân tạo IVF, anh và vợ đã phải vào tận Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM để làm can thiệp. Trúng đợt dịch Covid - 19, vợ chồng anh cũng không thể về luôn Hà Nội, hai vợ chồng ăn dầm nằm dề tại bệnh viện đúng 3 tháng trời để giữ con. Chi phí theo anh tiết lộ, cũng không hề nhỏ, bằng một chiếc xe CX5.

Còn N.B.P., một cô gái nông thôn mới cưới, hai vợ chồng dù đã làm đủ mọi cách, từ tây đến ta, thế nhưng, việc có con vẫn còn nằm ngoài tầm với. Ấy vậy, mẹ chồng P. vẫn một mực khăng khăng, phải sinh con trai. "Không sinh được con trai là không biết đẻ, mà không đẻ được thì chúng mày ly hôn đi", P. ngậm ngùi kể lại.

Tiến thoái lưỡng nan, nhiều gia đình rơi vào cảnh bên tình bên lý, lựa chọn bên nào cũng khiến gia đình rơi vào cảnh một mất một còn.

Tại sao lại cứ phải sinh được con trai? - 1

Nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà vì không sinh được con trai (Ảnh minh họa).

Quan niệm có con trai để "nối dõi tông đường" đã khiến cho số trẻ trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn so với trẻ gái, gây mất cân bằng giới tính. Việc lựa chọn giới tính khi sinh là hành vi vi phạm pháp luật, thế nhưng, chế tài xử phạt gần như là không thực hiện được.

Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã nêu rõ về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, Điều 10, Chương I, Nghị định số 104/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh dân số quy định chi tiết nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Theo đó, nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi, chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm,....; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.

Các mức phạt về vi phạm các quy định về chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi được quy định như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bắt mạch hoặc siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nhưng phép vua vẫn thua lệ làng, luật là vậy, nhưng ở hầu hết các phòng khám tư, việc lựa chọn giới tính khi sinh đã không còn là điều lạ lẫm. Thậm chí, đây được coi là những dịch vụ không thể thiếu để phục vụ khách hàng.

Hàng ngày, không thiếu những trường hợp chỉ vì xem trọng "mâm trên mâm dưới", không có con trai mà cà khịa đánh nhau. Bạn bè đi theo từng tốp phân biệt sinh con trai sinh con gái để ngồi uống bia với nhau.

Đâu đó vẫn có những bà mẹ chồng, những ông chồng bảo thủ, phải đẻ bằng được con trai dù nhà nghèo khó, bốn năm mặt con. Và đâu đó, vẫn còn rất nhiều người phụ nữ bị coi thường vì không sinh được con trai, bị gọi là cây điếc, không biết đẻ… luôn âm thầm chịu đựng vì hạnh phúc gia đình.

Những câu chuyện như trên tưởng chừng chỉ có nhiều trong xã hội phong kiến, thế nhưng, một thực tế đau lòng là ở xã hội hiện đại, tư tưởng này vẫn ngự trị trong nhiều gia đình từ vùng nông thôn đến thành thị, từ cả những người chưa học nhiều đến những tầng lớp trí thức.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm