Bạn đọc viết:
"Tắc đường do hạ tầng, sao bắt người dân hy sinh nhu cầu của mình?"
(Dân trí) - "Theo tôi nguyên nhân tắc đường không phải do người dân mà bởi quy hoạch phát triển hạ tầng không theo kịp, vậy sao cấm xe máy, sao bắt người dân hy sinh nhu cầu của mình?
Dự thảo cấm xe máy vào thành phố đã được đưa ra bàn luận từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ vấn đề này hết gây tranh cãi. Thực tế, mỗi quốc gia có một nền văn hóa, điều kiện hạ tầng khác nhau nên những ý kiến đưa Việt Nam ra để so sánh với các quốc gia khác, kể cả với những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì vẫn luôn có những ý kiến xem là khập khiễng.
Các nước phát triển, người dân không sử dụng xe máy làm phương tiện chính để di chuyển hàng ngày đâu phải vì họ bị cấm dùng xe máy, mà bởi điều kiện hạ tầng đủ để họ lựa chọn tìm ra được những thứ đáp ứng nhu cầu của mình.
Trước tiên, về năng lực vận tải hành khách công cộng của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, vẫn chưa thể đáp ứng được 20% nhu cầu của người dân hiện tại, chứ chưa nói đến nhu cầu của những đối tượng khác sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định cấm xe máy vào thành phố. Và liệu rằng trong quãng thời gian sau 7 năm nữa, ngành giao thông vận tải có đáp ứng được đủ nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân hay không?
Vậy nên khi năng lực hạ tầng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thì đừng nói đến lộ trình cấm này cấm nọ. Thứ nữa là các cơ quan quản lý của thành phố có ý định đưa lộ trình cấm xe máy vào thành phố với mục đích gì? Cấm xe máy vào thành phố để giảm ùn tắc giao thông hay để giảm ô nhiễm môi trường?.
Để giảm ô nhiễm môi trường, vẫn còn rất nhiều thứ nhiều việc cần thiết làm hơn mà không cần phải cấm xe máy và không làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại thực tế của người dân. Còn nếu để giảm ùn tắc giao thông , giảm áp lực lên hạ tầng đường xá nội đô, thì lại càng không giải quyết được nếu cấm xe máy.
Vì xe máy không phải là nguyên nhân duy nhất gây ùn tắc, mà ùn tắc bởi hạ tầng đường xá không phát triển theo kịp sự phát triển của xã hội của tăng trưởng dân số. 20 năm trước với từng đó con đường và từng đó dân số, đến giờ vẫn từng đó con đường nhưng dân số tăng gấp đôi thì tất nhiên là phải tắc.
Theo tôi nguyên nhân tắc đường không phải do người dân mà bởi quy hoạch phát triển hạ tầng không theo kịp, vậy sao lại bắt người dân hy sinh nhu cầu của mình. Như vậy khác nào chúng ta đang gọt đẽo chân cho vừa với đôi giầy cũ.
Còn nữa, ví dụ hiện tại TP có 3 triệu xe máy của người dân lưu thông trên đường, thành phố cấm xe máy, cấm 3 triệu cái xe máy này, thì ngay lập tức sẽ lại có 3 triệu cái xe đạp điện thế chỗ của những cái xe máy lưu thông trên đường. Vì thực tế nhu cầu của người dân phải dùng, không cho họ dùng loại phương tiện cá nhân này thì họ phải dùng phương tiện khác. Chưa nói ô tô càng ngày càng rẻ, cấm xe máy thì họ sẽ mua ô tô, thử hỏi như vậy thì mục tiêu chống ùn tắc có thành công?.
Vậy nên để thay đổi một thói quen, một nhu cầu thực tế của người dân, không chỉ đơn giản là tuyên truyền, là cấm đoán, mà còn phụ thuộc vào điều kiện xã hội, mức sống, chất lượng sống của người dân. Khi đã hội tụ đủ các yếu tố đó, tự khắc thói quen sẽ thay đổi theo nhu cầu thực tế.
Độc giả Phan Trọng Thiệp