Sự "tự do" trên nền tảng không gian mạng không phải là vô hạn

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Luật sư cho rằng, sự tự do trên nền tảng không gian mạng không phải là vô hạn, cần phải gắn quyền lợi này cùng nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia.

Sử dụng mạng xã hội cần nhận thức đúng, có sự chọn lọc thông tin

Liên quan đến việc thời gian gần đây một số người lên mạng xã hội livestream để "bóc phốt" người khác, có dấu hiệu xâm phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, điều 20 Hiến pháp 2013 quy định rất rõ "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Sự tự do trên nền tảng không gian mạng không phải là vô hạn - 1

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội).

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết thêm, điều 21 Hiến pháp 2013 cũng quy định "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn".

"Theo những quy định nêu trên, có thể hiểu đơn giản rằng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật của mỗi cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, đưa thông tin gây ảnh hưởng xấu đến người khác đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Vị luật sư trên tiếp tục phân tích, người vi phạm có nghĩa vụ phải cải chính thông tin, công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có). Bên cạnh những chế tài dân sự, người thực hiện hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, đưa những thông tin chưa được kiểm chứng mà có tính chất nguy hiểm cho xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể phải gánh chịu những chế tài của pháp luật hình sự về tội xâm phạm bí mật riêng tư của người khác, tội vu khống hoặc làm nhục người khác.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng trong môi trường mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể tự do chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội, đây là quyền tự do ngôn luận được pháp luật công nhận. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, Việt Nam hay bất kỳ đất nước nào trên thế giới cũng đều quy định quyền tự do ngôn luận như một trong những quyền không thể thiếu ở quyền con người nhưng không phải một loại quyền tuyệt đối. Theo đó, quyền tự do ngôn luận chỉ được chấp thuận, tôn trọng và bảo vệ ở một mức độ, khuôn khổ nhất định để đảm bảo trật tự xã hội được duy trì ổn định. Bởi việc lạm dụng quá mức quyền tự do ngôn luận hoàn toàn có thể xâm phạm quyền riêng tư, ảnh hưởng đến cuộc sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và các cá nhân khác, những hành vi này đều sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

"Như vậy, rõ ràng mỗi người trong chúng ta khi tiếp cận, tham gia sử dụng mạng xã hội cần nhận thức đúng, có sự chọn lọc thông tin và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh. Cần phải hiểu rằng, sự tự do trên nền tảng không gian mạng không phải là vô hạn, cần phải gắn quyền lợi này cùng nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia", luật sư Trần Tuấn Anh lưu ý.

Xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng mạng xã hội

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội (MXH).

Nội dung công văn đề cập, những năm gần đây, MXH đã phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dùng Internet trong nước sử dụng, đặc biệt là 2 mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam là Facebook và Youtube. Sự phát triển của MXH đã có những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội.

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của MXH, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường công tác quản lý, công tác phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng.

Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Bộ đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương xử lý nhiều trường hợp người dùng MXH Youtube, Facebook vi phạm, trong đó có các vụ việc đáng chú ý như: xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh-Timmy tại TPHCM; kênh Hưng blog; Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Đồng thời, Bộ cũng đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.

Sự tự do trên nền tảng không gian mạng không phải là vô hạn - 2

Hình ảnh Thơ Nguyễn "xin vía" học giỏi từ búp bê gây bức xúc dư luận. (Ảnh chụp màn hình).

Qua công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của MXH như phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chat)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.

Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao.

Tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là MXH; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.

Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.