Gia lai:

Sự thật về việc hồ tiêu rụng lá, quả do phân bón hữu cơ sinh học

(Dân trí)- Từ cuối 2010, người trồng tiêu Gia Lai xôn xao về vụ vườn tiêu 7 ha của ông Lưu Văn Thọ (làng Rong, xã Nghĩa Hưng, huyện ChưPăh, Gia Lai) bị rụng quả, rụng lá sau khi phun một loại phân bón mới.

             
Sự thật về việc hồ tiêu rụng lá, quả do phân bón hữu cơ sinh học  - 1
                   
Hồ tiêu bị bệnh "long khớp", rụng trái, vàng lá được phục hồi tại Gia Lai

Thông tin được đưa ra từ Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Gia Lai “hiện tượng rụng lá, rụng quả tại trang trại chủ yếu do phân bón lá hữu cơ sinh học (HCSH) của Công ty CP Thanh Hà (Hà Nội). Tuy nhiên, ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Gia Lai lại bác bỏ sự liên quan của Chi cục BVTV Gia Lai đối với vụ việc này.

Ngày 25/11/2010, ông Lưu Văn Thọ, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Tam Ba, chủ trang trại cà phê (96 ha), hồ tiêu (7 ha) trên địa bàn ChưPăh, gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng phản ánh: “Công ty Thanh Hà đã có hành vi quảng bá, bán sản phẩm phân bón qua lá HCSH mang nhãn hiệu K-H và N-H kém chất lượng, công dụng của sản phẩm thực tế không đúng với quảng cáo trên nhãn mác làm thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp Tam Ba”.

Theo ông Lưu Văn Thọ: “Sau khi phun thuốc 3 lần, toàn bộ vườn tiêu có biểu hiện rũ rụng và sau đó rụng lá hàng loạt (ngày 25/10/2010), thậm chí là các lá bánh tẻ đều rụng, tiếp theo là các buồng quả đã bị rụng khoảng 10% - 15% số buồng quả trên diện tích vườn tiêu đang kinh doanh. Hiện tại lá và quả tiêu vẫn đang tiếp tục rụng thêm nữa”.

7 ha hồ tiêu rụng lá, rụng quả hàng loạt thì quả gay go to. Tuy nhiên, khi UBND xã Nghĩa Hưng, Phòng NN&PTNT huyện ChưPăh và Trạm BVTV ChưPăh đánh giá thực trạng vườn tiêu của Công ty Tam Ba chỉ xác định được: “Hiện tượng rụng lá, quả xanh vẫn còn ở mức độ thấp… đã có việc thu dọn sạch tàn dư thực vật nên không đủ căn cứ kết luận” (Biên bản ngày 2/12/2010).

Lúc này phía Công ty Tam Ba trình bày là do có đám cưới con ông Thọ nên đã thuê người quét sạch lá trên toàn bộ 7 ha tiêu và đem đi đốt để làm đẹp vườn cho khách ăn cưới đến thăm quan.

Điều này quả là phi lý! Khách ăn cưới đâu có thời gian đi cả 7 ha để ngắm toàn trụ tiêu. Hơn nữa, trong khi tố người khác gây thiệt hại cho mình thì tự thân Công ty Tam Ba lại đi phi tang “vật chứng” thì lấy gì chứng minh thiệt hại. Khi chúng tôi hỏi ông Dương Văn Đê (người tự xưng là Phụ trách kỹ thuật của trang trại Tam Ba): Đống lá, quả quét được, các anh đem đốt ở chỗ nào? Thì ông Đê đã lảng tránh không chịu chỉ chỗ đốt. Điều này cũng dễ hiểu vì với một đống lá, quả tiêu thu được từ 7 ha mà đem đi đốt thì chắc chắn phải để lại dấu vết đất cháy sém cả chỗ rộng lớn.(?!)

Trước khi phát đơn khiếu nại ngày 25/11/2010, vào ngày 21/11/2010 ông Lưu Văn Thọ và các đại diện doanh nghiệp Tam Ba là Dương Văn Đê, Trần Đức Công, cán bộ kỹ thuật đã cùng với nhân viên Công ty Thanh Hà kiểm tra hiện trạng vườn tiêu.

Tại buổi làm việc này, phía Công ty Thanh Hà đã kiên quyết không ký vào biên bản do ông Trần Đức Công viết với lý do sai sự thật

Theo ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục Trưởng Chi cục BVTV Gia Lai: Ông Uyển xác nhận các ông Dương Văn Đê, Trần Đức Công là cán bộ của Chi cục. Ông Uyển cũng khẳng định: “Đây là việc riêng của anh Đê, anh Công. Chi cục hoàn toàn không hề có chỉ đạo hay tuyên bố nào liên quan đến vụ rụng lá, quả tiêu ở trang trại Tam Ba. Việc khẳng định anh Đê, anh Công có làm thuê cho Công ty Tam Đa hay không thì chúng tôi không có căn cứ”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị mời ông Đê và ông Công lên cùng làm việc. Ông Trần Đức Công mặc dù không thừa nhận là nhân viên của Công ty Tam Ba nhưng đã thừa nhận là người trực tiếp viết Biên bản làm việc với Công ty Thanh Hà ngày 21/11/2010. Ông Dương Văn Đê thì thừa nhận làm thuê cho Công ty Tam Ba 10 năm nay.

Chiều 11/3, ông Vũ Mạnh Hùng, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Gia Lai đã khẳng định: “Chúng tôi đã tiến hành xác minh vụ việc, nhưng vì Công ty Tam Ba đã xin rút đơn khiếu nại nên Thanh tra Sở không tiếp tục kết luận vụ việc”. Ông Hùng cũng nhận xét: “7 ha tiêu rụng lá, quả thì khủng khiếp lắm! Chứng cứ không có thì làm sao kết luận được vụ việc”.

Đỗ Văn - Vũ Văn Tiến