Viết tiếp vụ trao nhầm con ở BVĐK xã Bình Long - Bình Phước:

Sự cố trao nhầm con được xem như “tai biến trong khám chữa bệnh”!

(Dân trí) - Vụ việc trao nhầm con xảy ra tại BVĐK xã Long Bình cách nay 3 năm, mới đây khi sự việc được “vô tình” phát hiện, phía bệnh viện đã nhận lỗi và đề nghị hỗ trợ tinh thần 10 tháng lương tối thiểu và các khoản phí vật chất mà 2 gia đình phải “gánh chịu” trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, hiện cả hai gia đình vẫn chưa có ý kiến gì…

Hòa giải 3 bên sẽ là cách thức giải quyết tốt nhất

Sự việc “khởi đầu” từ ngày 10/01/2013, khi sản phụ Nguyễn Thị Thu Trang nằm cùng phòng với một người phụ nữ tại huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) tại Bệnh viện đa khoa xã Bình Long (Bình Phước) để cùng chờ sinh con.

Khi ấy, chị Trang đã sinh trước người phụ nữ kia 15 phút và sau đó được hai hộ lý đưa đi tắm rồi cho người thân nhìn mặt trước khi giao lại cho hai người mẹ. Cả 2 người mẹ đưa con về nhà sau khi sức khỏe ổn định sau kỳ sinh nở.

Mọi việc sẽ theo thời gian “dần trôi” cho đến một ngày đầu tháng 5/2016, ông Nguyễn Duy Nguyên (Ba ruột của chị Trang, ông ngoại của một trong 2 bé đã ra đời vào ngày 10/1/2013 tại BV Đa khoa xã Bình Long) trong một lần đi bán bánh mì tại xã Phước An, huyện Hớn Quản thì bất ngờ nhìn thấy người phụ nữ nằm cùng phòng sinh với con gái mình vào 3 năm trước bế đứa bé rất giống đứa con đầu của chị Trang nên ông đã “nghi ngờ”.

Khi về nhà, ông Nguyên đã trao đổi với người thân trong gia đình và mọi người đã động viên nên chị Trang đưa con lên TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm ADN. Thật bất ngờ, kết quả xét nghiệm là bé gái mà chị Trang và gia đình trước nay vẫn nuôi dưỡng, chăm sóc lại không cùng huyết thống với chị. Ngay sau kết quả này, chị Trang đã liên hệ với gia đình đang nuôi đứa bé giống con gái đầu lòng của mình để trao đổi về sự việc, đồng thời tiến hành khiếu nại đối với bệnh viện.

Ngày 11/7/2016, bác sĩ Trần Đình Cường - Phó giám đốc bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long đã xác nhận việc bệnh viện đưa hai bé gái đi xét nghiệm ADN và kết quả thu được là huyết thống chéo. Và đại diện bệnh viện cùng hai gia đình hiện đang tiến hành tổ chức hòa giải để đưa ra cách thức giải quyết tốt nhất.


Luật sư Nguyễn Trung Trực - Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam

Luật sư Nguyễn Trung Trực - Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam

Loại trừ yếu tố “Tội phạm” !

Khi nhìn nhận sự việc ở góc độ luật pháp, Luật sư Nguyễn Trung Trực - Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam, đưa ra quan điểm: Trước hết, có thể loại trừ tội phạm như quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự hiện hành (Tội mua bán, đánh tráo và chiếm đoạt trẻ em). Lý do, đây không phải hành vi cố ý đánh tráo trẻ em này để đổi lấy một trẻ em khác theo ý muốn của một ai đó (người phạm tội) mà chỉ là một sự nhầm lẫn của bệnh viện.

Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm hộ sinh) được điều chỉnh bởi Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009. Căn cứ theo luật này, người hành nghề khám, chữa bệnh có nghĩa vụ “thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật” (Điều 37), cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm “Thực hiện quy định về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Trong đó, “Tắm sơ sinh” là một chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh được quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013.

Theo lời ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long, qua rà soát quy trình và hồ sơ, hai thai phụ sinh cùng 6h30 ngày 10/1/2013, đều là bé gái và cân nặng 3 kg. "Theo quy trình, bệnh viện luôn có ký hiệu, đánh dấu đồng nhất giữa mẹ và bé để không nhầm lẫn khi cùng sinh chung. Tuy nhiên, có lẽ do hai bé sinh cùng thời gian nên trong lúc tắm rửa, giao cho gia đình đã xảy ra sự cố nhầm lẫn đáng tiếc".

Như vậy, có cơ sở cho rằng, người hành nghề liên quan đến sự cố này đã có sơ suất trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh dẫn đến thực hiện không đúng quy định chuyên môn kỹ thuật gây ra hậu quả đáng tiếc như trên.

Sự cố đáng tiếc này được xem là một “tai biến trong khám chữa bệnh”, được quy định tại khoản 13 Điều 2 của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có thể bị xử lý hành chính theo khoản 6 Điều 30 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền quy định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Ngoài ra, người hành nghề còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3-6 tháng.

Ngoài hình thức phạt tiền, phía bệnh viện còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 của Luật khám bệnh, chữa bệnh và Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể là: Buộc xin lỗi trực tiếp hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đã được công bố, đưa tin trên chính phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử đã công bố, đưa tin; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện);

Thứ đến, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính của mình gây ra; nếu cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện). Đối với biện pháp này, bệnh viện cần thu hồi và cấp lại giấy chứng sinh cho phù hợp với thực tế.

Về trách nhiệm dân sự, các bên có liên quan (bệnh viện, cha mẹ của mỗi đứa bé) có thể tự thoả thuận với nhau để tìm ra phương án giải quyết hợp tình hợp lý cũng như mức bồi thường thiệt hại (vật chất lẫn tinh thần) phù hợp. Nếu các bên không thể thoả thuận với nhau thì có thể khởi kiện ra Toà án nhờ giải quyết. Thời hiệu khởi kiện cho vụ việc này vẫn còn theo quy định tại Điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Trường hợp cha mẹ đang nuôi dưỡng con ruột của chị Trang không đồng ý trao lại đứa bé cho vợ chồng chị Trang nuôi dưỡng thì vợ chồng chị Trang có thể khởi kiện nhờ Toà án giải quyết các yêu cầu sau: “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con” và “Đòi quyền nuôi con”.

Việt Khuê - Dạ Thảo