"SOS" hiểm họa tiềm ẩn từ đỉa!

(Dân trí) - Bất chấp những cảnh báo từ Hội Động vật học VN, Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật, Hội Đông y VN… nguy cơ người dân sẽ ồ ạt tổ chức nuôi đỉa để cung cấp ra bên ngoài vẫn đang lởn vởn đe dọa chính môi trường sinh thái của chúng ta.

"SOS" hiểm họa tiềm ẩn từ đỉa! - 1
Theo một số thương lái, Trung Quốc thu mua đỉa để sử dụng chế biến thuốc
(ảnh từ internet)
 

Cảnh báo nguy hại

 

Có thể thấy nỗi ghê sợ loài động vật tuy nhỏ bé nhưng trông rất gớm ghiếc này được thể hiện qua phần lớn trong số cả ngàn ý kiến của bạn đọc gửi tới Dân trí, sau khi báo đăng tải bài viết liên quan tới nguy cơ về đỉa.

 

Không ít người còn nêu rõ: tuy xuất thân thân từ nông thôn, nhưng họ vẫn rất sợ đỉa. Chỉ cần nhìn thấy con vật mềm nhũn, bé như ngón tay này di chuyển rất nhanh dưới nước theo hình dạng rất kinh dị về phía có hơi hướng động vật hay con người, là họ đã khiếp đảm…

 

Thật kinh khủng, khủng khiếp quá! Em cũng đánh dậm, bắt cua nhiều, nhưng bây giờ nghĩ đến vẫn còn sởn cả gai ốc. Thật sự em xin các bác chớ, chớ dại mà làm theo. Em thấy các bác nên cẩn thận, kẻo sau này Việt Nam chúng ta rất có thể thành một tổ đỉa khổng lồ....” - Nguyễn Văn Hưng:  nguyenhung_19782003@yahoo.com viết.

 

Tôi là 1 người con xa quê, khi đọc được tin này tôi rất bức xúc vì tôi gia đình cũng làm nông nghiệp và tôi cũng đã sống chung với nó mỗi khi đi ra đồng.Tôi rất sợ nó và đã bị nó cắn nhiều rồi. Chỉ cần nhìn thấy nó tôi đã rất sợ. Đó là mối nguy hại cho nhà nông. Tôi cũng rất hiểu cho những người Mẹ , Cô, Bác vất vả kiếm đồng tiền nơi quê nhà...Tôi hiểu mọi người nghĩ gì khi định làm vậy. Nhưng đừng vì cái lợi trước mắt. Hãy để các ban ngành vào cuộc tìm hiểu xem mục đích  và lợi ích của nó như thế nào, rồi hãy làm 1 điều gì đó. Và hãy nghĩ xa hơn 1 chút - nếu 1 ngày kia ra đồng chỉ thấy toàn đỉa là đỉa..”. nick Ttjú:  nguyentien_36xd@yahoo.com nhắc lại nỗi ám ảnh dai dẳng.

 

Đỉa xưa nay vốn là loài vật bị coi là rất đáng ghét bởi chuyên hút máu động vật và con người. Thậm chí với những ai hay đeo bám gây khó chịu cho người  khác, cũng thường bị rủa “dai như đỉa đói”.

 

Nhưng vấn đề không chỉ  ở nỗi sợ với hình hài bên ngoài cũng như thói quen hút máu (kinh khủng, không khác gì… ma cà rồng ) của con đỉa. Mà nay nỗi lo lớn hơn của dư luận xã hội tập trung vào một “đại dịch” đỉa tiềm ẩn nếu người dân một số nơi cứ bất chấp các cảnh báo, nhắm mắt lao vào con đường kiếm sống bằng phương cách chỉ cần nghe đã thấy mơ hồ và đáng sợ - nuôi đỉa để kinh doanh (?!)

 
"SOS" hiểm họa tiềm ẩn từ đỉa! - 2
Bà con nông dân không diệt xuể ốc bươu vàng bằng biện pháp thủ công
(ảnh: cand.com.vn)
 
Tuy Hội Đông y Việt Nam có nêu ra một số tính năng tốt của  đỉa như: có tác dụng thông máu, tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng; hoặc trong y học hiện đại, đỉa phơi khô được phối chế với nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu… Nhưng Lương y Trần Văn Quảng cũng đã lưu ý: Các loại thuốc có thành phần từ đỉa phải được làm rất cẩn thận vì chúng rất nguy hiểm nếu sơ suất, tự ý dùng bừa bãi sẽ gây những tác hại khôn lường… Rõ ràng, việc dùng đỉa làm thuốc không khác gì con dao hai lưỡi, mà người dùng không tinh thông rất dễ bị “đứt tay”.

 

Hội Động vật học Việt Nam cũng nhấn mạnh: Đỉa là loài rất dễ sinh sôi nảy nở trong mọi điều kiện, ngược lại tiêu diệt đỉa lại vô cùng khó khăn. Hội đã cảnh báo người dân không nên chỉ vì mối lợi  trước mắt mà đổ xô nuôi đỉa để bán, tới khi thương lái không thu mua nữa sẽ không thể xử lý được, dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát, đẩy một lượng lớn đỉa tràn ra môi trường tự nhiên dẫn tới hậu hoạ khôn lường…

 

Cần những biện pháp mạnh

 

Rất nhiều bạn đọc nhấn mạnh quan ngại cùng với những lời kêu gọi hãy thật cẩn trọng với những mối lợi càng bất ngờ, không có cơ sở thì càng đáng ngờ:

 

Đỉa là loài sinh vật vô cùng khó tiêu diệt. Một khi những người thu mua đột ngột dừng mua đỉa giống như trường hợp mua bán nhiều loại nông sản khác từng xảy ra, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về những ao đỉa nuôi? Liệu những người nuôi có tưởng tượng được cảnh họ sẽ là những người chịu hiểm họa đầu tiên, hay họ dự tính sẽ trút đám đỉa đó ra môi trường cho bà con, xã hội hứng chịu? Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần nghiêm cấm mọi sự buôn bán, kinh doanh, nuôi đỉa. Cần có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, cấm cả việc rao mua bán trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Cần theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường lên tiếng để ngăn chặn tình trạng này” – nick Độc giả: docgia111111@gmail.com bày tỏ.

 

Đừng tin,  bà con ơi… Đỉa là loài kí sinh không có lợi, giống như ốc bươu vàng hay rùa tai đỏ thôi, nếu chúng ta cứ nuôi thì lại cũng chỉ để tiêu diệt hệ sinh thái của chính chúng ta mà thôi. Bà con cần phải cẩn thận” - Chu Minh Chinh:  minhchinh_ftu@yahoo.com.vn nhắc lại bài học: Hãy cảnh giác!

 

Đáng thưong thay cho những người dân kém hiểu biết và dễ bị lừa dối bởi "bả của đồng tiền "! Từ xưa đến nay chúng  ta đã bị như vậy biết bao nhiêu vụ gây nên những hậu quả khôn lường rồi mà sao vẫn không sáng  mắt ra??? Vậy mà bây giờ những người dân hám tiền thiếu suy nghĩ kia lại còn định nuôi để bán là sao? Chẳng lẽ chính quyền các cấp không nhận thấy sự nguy hại của việc này? Hãy nhanh chóng có biện pháp chặn hiểm họa không khác gì tội ác này lại!” -   Nguyen Luat Phap: luatphap45@yahoo.com nhắc lại những bài học vẫn còn để lại hậu quả lâu dài.  
 
"SOS" hiểm họa tiềm ẩn từ đỉa! - 3

Bài học từ rùa tai đỏ vẫn còn đó (ảnh từ internet)

 

Những kiến nghị đề xuất về biện pháp ngăn chặn đều nhấn mạnh tính chất cấp bách, sức nặng của độ quyết liệt và cả sự vào cuộc một cách khoa học:

 

Biết rằng đó là những cái hại lâu dài, nhưng bà con bao giờ cũng thế. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, khi có những khoản lợi trước mắt như thế chẳng lẽ lại không làm. Nếu như tôi ở trường hợp của bà con tôi cũng làm. Cái quan trọng là các vị cán bộ xã phải đi tới tận từng nhà phân tích cái lợi cái hại (ví dụ như với ốc bươu vàng, rùa tai đỏ…), để bà con còn biết mà tránh. Chứ cứ nói cái hại này, hại kia ở trên mạng, trên báo  thì bà con có biết vào mạng đâu. Ở nông thôn có mua báo đâu mà biết, mà nhận thức…” - nick Tuanjava:  mic.tuanjava@gmail.com phân tích.

 

Đây không phải là việc nói rồi để cho qua, mà thiết nghĩ cần phải có sự tuyên truyền thiết thực và rõ ràng, phổ biến rộng rãi cho người dân biết. Chứ người nông dân chỉ thấy lợi trước mắt, rồi việc nuôi đỉa cũng lặp lại như nuôi ốc bươu vàng và rùa tai đỏ thì thật là một tai họa khó lường” - Trương Thi Thu:  Hoaithu@gmail.com chia sẻ quan điểm.

 

Bắt đỉa cho sạch đồng ruộng, ao đầm… thì cũng là điều tốt. Nhưng sau đó nên tiêu hủy thật cẩn thận để chúng không thể sinh sôi nảy nở được nữa. Chứ còn tính kiếm tiền bằng cách săn bắt hoặc đi thu mua đỉa, tiến tới tổ chức nuôi đại trà để… xuất khẩu thì đúng là như nhiều  bạn đọc đã khẳng định là: “ý tưởng điên rồ” và “lợi bất cập hại!!!

 

Khánh Tùng