Sơn nữ rời núi
“Việc làm cho thanh niên miền núi lâu nay vốn đã khó, việc làm cho thanh niên nữ lại càng khó hơn. Miền núi ruộng đất ít, lâu nay các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề đã tổ chức nhiều lớp học cho chị em.
Nhưng học xong rồi lại không có việc làm, trong khi nhu cầu cuộc sống đòi hỏi ngày càng cao. Buộc chị em phải rời núi, toả đi khắp nơi để tìm việc làm. Họ rời núi kiếm sống bằng đủ mọi nghề, cả những nghề mà họ không hề mong muốn...
Hình chỉ mang tính chất minh hoạ
Thất nghiệp phải bỏ quê rời... núi
Hàng năm có hàng ngàn thanh niên miền núi rời ghế nhà trường phổ thông, rất ít trong số họ được học lên, học tiếp, do cả năng lực học và cả hoàn cảnh kinh tế gia đình không cho phép, họ trở về nhà sản xuất.
Nhưng miền núi vốn đất sản xuất rất ít, công việc sơn tràng không phù hợp với nữ thanh niên. Việc làm không có, trong khi nhu cầu cuộc sống đòi hỏi lớn, bắt buộc các cô sơn nữ phải rời núi về chốn thị thành kiếm việc.
Huyện Con Cuông (Nghệ An) bình quân mỗi năm có hơn ngàn thanh niên đi vào Nam ra Bắc, đến các khu công nghiệp tìm việc làm, trong đó có trên 95% là nữ. Có không ít cô rời núi đến với các nhà hàng, tiệm ăn, quán bia kiếm sống.
Nhiều cô không bằng lòng với thu nhập ít ỏi tại các nơi này, bỏ xuống biển Xuân Thành (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hay Biển Cửa Lò, Diễn Thành (Diễn Châu), Bãi Ngang (Quỳnh Lưu) của tỉnh Nghệ An... làm nghề bán hoa.
Các cô sơn nữ ở các xã Chi Khê, Đôn Phục, Bình Chuẩn, Lục Dạ (Con Cuông Nghệ An) vốn nổi tiếng xinh đẹp, nết na. Nhưng khi rời núi kiếm sống, đã không giữ được mình trước cạm bẫy và cả lòng tham, muốn nhanh chóng đổi đời, họ đã bán đi cả cái quý giá nhất của đời con gái.
Người dân xã Bình Chuẩn rất tiếc cho cô Đ, một hoa khôi của Mường, được học hành tử tế, nhưng do không xin được việc làm, phải về quê, được xã bố trí giúp việc cho một đoàn thể, vừa thử việc và thử thách, để làm nguồn cán bộ sau này. Nhưng do phụ cấp quá ít, cô Đ đã bỏ việc, bỏ quê về Thành phố vinh làm "gái".
Nhiều cán bộ xã ở huyện Con Cuông (Nghệ An) đã nói với chúng tôi về tình trạng sơn nữ bỏ quê rằng: không có cách nào để giữ họ ở lại được, bởi hiện nay việc nương rẫy không còn phù hợp với thanh niên. Việc làm ở nông thôn đã khó, nông thôn miền núi lại cực khó. Không việc làm, không có thu nhập nên bây giờ bỏ quê đi làm ăn xa đang là “mốt” của nhiều sơn nữ hiện nay.
Tai, tệ nạn về theo:
Nếu như khoảng hơn mười năm trước đây, việc làm ở miền núi đang còn nhiều cơ hội. Không ít cô học xong trung học phổ thông, thậm chí chỉ cần xong trung học cơ sở, đi học thêm vài ba năm trung học sư phạm về làm cô giáo dễ dàng. Hiện nay số học sinh ít, cô giáo nhiều, học xong không xin việc được, không ít cô có cả chục năm hợp đồng theo mùa vụ. Vả lại bây giờ việc đào tạo được nâng lên bậc Cao đẳng, Đại học, khó có người thi đỗ, đành rời núi kiếm sống bằng đủ nghề.
Cũng cần phải thấy rằng trước đây cuộc sống còn đơn giản, nhu cầu cuộc sống đòi hỏi chưa cao. Trai làng, gái bản học xong về nhà làm nương, lấy vợ lấy chồng. Ngoài nông nghiệp, vợ dệt vải,chăn nuôi, chồng vào rừng săn bắt động vật rừng, khai thác lâm sản bán. Nay Chính phủ đóng cửa rừng, không còn nguồn thu nhập nữa, cũng làm cho thanh niên không mặn mà với rừng, với quê. Chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn rằng số bỏ quê đi làm ăn xa, rất ít người trụ lại được lâu nơi thành phố, đô thị, đa số sau vài ba năm lại trở về quê.
Chưa kể khi đi thì một, khi về lại hai ba. Khi về quê cũng có người có chút vốn liếng, họ mở quán, mở tiệm kinh doanh. Có người nhiều năm xa quê nay mang theo cả những căn bệnh thế kỷ về núi.
Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn huyện Con Cuông có 165 người bị nhiễm HIV, trong số đó có già nửa, đã chuyển sang AIDS và đã có 67 người chết vì AIDS.
Một điều nữa đang làm xã hội phân tâm là trong số đi làm ăn trở về, nghề đâu chẳng thấy chỉ thấy mang thêm tệ nạn rượu, chè, cờ bạc và cả tệ nạn mại dâm, ma túy và cả lối sống vị kỷ, thích hưởng thụ, thích ăn ngon, mặc đẹp, lối sống sành điệu về theo. Huyện Con Cuông đã phải vất vả lắm mới dẹp được tệ bán dâm ở Chi Khê, còn tệ nạn ma túy thì đang làm huyện đau đầu. Các tụ điểm ma túy như thị trấn, Khe Choang, Khe Thơi, Mậu Đức, Bình Chuẩn... dẹp chỗ này, chúng chạy đến chỗ khác hoạt động. Rồi do quen sồng ăn chơi, nhiều thanh niên sinh ra trộm cắp, cướp giật.
Có kẻ trở thành mẹ mìn về quê lừa cả người thân bán sang Trung Quốc hay môi giới mại dâm, lừa các cô gái trẻ về các khách sạn, nhà hàng phục vụ khách làng chơi... Tất cả những tai tệ nạn này vốn trước đây chưa hề có, nay đang làm cho Mường Bản vốn trong lành, bị vẫn đục lên, làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc làm vẫn là bài toán chưa có lời giải:
Hiện nay, tỉnh Nghệ An, đang đầu tư xây dựng trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tại các huyện miền núi. Tại huyện Con Cuông, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề được nâng lên thành trường Cao đẳng dạy nghề, thuộc Sở Lao động - Thương binh xã hội quản lý, phục vụ cho các huyện miền núi Tây Nam. Tuy vậy vấn đề là “đầu ra” của nó, trong khi miền núi không có cơ sở Công nghiệp, chưa có Nhà máy nào lớn, các cơ sở dịch vụ chưa hình thành.
Rừng vẫn đang trong giai đoạn đóng cửa, hơn nữa việc khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng vốn không hợp với tuổi trẻ, nhất là sơn nữ. Kinh tế miền núi chưa phát triển, trong khi cứ thế hàng năm bổ sung thêm hàng chục ngàn lao động từ các Nhà trường và cả người rời núi trước trở về, càng làm cho việc làm ở miền núi vốn đã bức bách, càng bức bách thêm.
Các khu công nghiệp, Nhà máy... vẫn đang tập trung ở thành phố, đồng bằng. Miền núi chưa có nơi nào có nhà máy, để giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên, Các công sở Nhà nước, các nhà trường... cũng đã chật kín hết chỗ.
Đồ thị học sinh đang theo hình nón cụt ngược, học sinh bậc học trên nhiều hơn bậc học dưới... càng làm cho bài toán việc làm ở miền núi vốn đã khó, lại càng khó hơn. Điệp khúc sơn nữ rời núi, đánh đổi tuổi xuân kiếm sống. Khi xế chiều lại trở về, vẫn còn tiếp diễn và tiếp diễn... chưa có hồi kết.
Phùng Văn Mùi