Số phận pháp lý của thanh niên đánh tử vong tài xế taxi ở Hà Nội

PV

(Dân trí) - Theo các luật sư, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, từ đó xác định thanh niên có phạm tội khi bị kích động mạnh hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không.

Như Dân trí thông tin, chiều 4/3, taxi do anh T. (44 tuổi) điều khiển va chạm với xe máy của Trần Duy Quang (21 tuổi, quê Thanh Hóa) tại khu vực gần Thung lũng hoa Hồ Tây, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội). Trong lúc đôi bên cự cãi, anh T. mở cốp ô tô lấy một vật dài khoảng 40 cm đuổi đánh Quang.

Bị tấn công, nam thanh niên dùng tay đỡ, đấm vào mặt đối phương rồi lấy mũ bảo hiểm đập vào đầu anh T. Tới ngày 5/3, nạn nhân tử vong do xuất huyết não.

Công an quận Tây Hồ đang tạm giữ hình sự đối với Quang để điều tra hành vi cố ý gây thương tích.

Số phận pháp lý của thanh niên đánh tử vong tài xế taxi ở Hà Nội - 1

Cảnh sát lấy lời khai Quang (Ảnh: Công an Hà Nội).

Tài xế taxi không phải dạng vừa, luật pháp cần công bằng với cả hai

Bình luận dưới bài viết của Dân trí, nhiều độc giả cho rằng đây là sự việc đáng tiếc với cả đôi bên. Hành vi xâm hại tính mạng người khác của Quang sẽ bị áp dụng các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, song nên nhìn nhận sự việc dưới góc nhìn khách quan để có thể đánh giá tổng thể bản chất của sự việc.

Độc giả Phan Trọng viết: "Nhìn mặt mũi thanh niên này, tôi tin cậu ta không phải người ra tay trước, nhất là khi đang chở bạn gái đằng sau, dù có sĩ diện cũng không đến nỗi lao vào hành hung tài xế taxi chấn thương sọ não. Tôi chứng kiến rất nhiều vụ việc lái xe taxi va chạm liền mở cốp lấy đồ ra đe dọa, đòi ăn thua đối phương. Nếu cơ quan điều tra thu thập đầy đủ nhân chứng xác minh cho lời khai của nam thanh niên, đó chỉ là hành vi tự vệ quá giới hạn, vật dùng để đánh lại là cái mũ bảo hiểm.

Đây là bài học cho những người có cách hành xử hổ báo ngoài đường khi có va chạm giao thông, vấn đề đang có chiều hướng gia tăng thời gian qua. Lúc đánh người mặt đỏ như vang, đánh xong người mặt vàng như nghệ".

"Nếu đúng là va chạm rồi lấy đồ đánh người trước thì tài xế taxi cũng không phải dạng vừa. Chẳng qua gặp phải thanh niên cứng thôi", độc giả Kiet Nguyen Tuan đánh giá.

"Rất nhiều tài xế để sẵn hung khí trong xe, họ có chủ ý để giải quyết bất cứ xích mích nhỏ nào bằng thứ hung khí đó. Nếu cậu thanh niên kia là một người lớn tuổi thì đành chịu để tài xế đánh thôi. Luật pháp cần công bằng với cả hai", độc giả Trần Thị Kim Dung nhìn nhận cần có góc nhìn công bằng và khách quan với cả 2 bên trong vụ việc này.

"Nạn nhân cũng có lỗi và là người chủ động tấn công với hung khí nguy hiểm trước, thủ phạm chỉ phòng vệ quá mức dẫn đến chết người", chủ tài khoản JinSheng1990 nhìn nhận.

"Tự vệ chính đáng, không dùng mũ chống đỡ có khi cũng chết", ý kiến tới từ độc giả Đinh Trọng Thế.

Vậy theo quy định của pháp luật, hành vi của Quang có thể được xếp vào nhóm vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không?.

Thế nào là "tinh thần bị kích động mạnh" và "phòng vệ chính đáng"?

Giải đáp vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Nghị quyết số 04/HĐTP/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, tình trạng tinh thần bị kích động mạnh được hiểu là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời, do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi làm chết người.

Số phận pháp lý của thanh niên đánh tử vong tài xế taxi ở Hà Nội - 2

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Ngoài ra, tình tiết này còn có thể áp dụng trong trường hợp hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức người phạm tội tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được. Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Còn với trường hợp phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: "Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm".

Trong khi đó, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được hiểu là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này."

Đối chiếu với trường hợp trên, căn cứ những thông tin báo chí đăng tải, luật sư Trang cho rằng chưa thể kết luận Quang có rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay phòng vệ chính đáng hay không. Bởi theo luật sư, vấn đề này cần được đánh giá một cách khách quan, cẩn trọng trên nhiều tình tiết khác nhau như việc hai người đã cãi vã ra sao; tài xế T. đã có những lời lẽ như thế nào; việc anh T. sử dụng vật tày tấn công Quang được thực hiện ra sao, cách thức, phương thức thực hiện hành vi như thế nào, có khả năng xâm phạm tới nhân phẩm, sức khỏe, thậm chí tính mạng của nam thanh niên cùng bạn gái hay không...

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ đồng thời làm rõ việc Quang thực hiện hành vi trong trạng thái tinh thần như thế nào, việc chống trả được thực hiện ra sao, hành vi tấn công lại tài xế taxi nhằm mục đích gì, được thực hiện với cách thức, phương thức và cường độ như thế nào, có khả năng xâm phạm nghiêm trọng hoặc lập tức tước đoạt tính mạng nạn nhân hay không...

Từ hàng loạt các tính tiết nêu trên, cơ quan chức năng sẽ xâu chuỗi các hành vi theo trình tự, từ đó phán đoán, đưa ra nhận định chính xác nhất về diễn biến hành vi của Quang và anh T., xác định yếu tố lỗi của 2 người trong vụ việc.

Nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi của Quang được thực hiện nhất thời, bột phát, là hệ quả lập tức từ việc bị anh T. tấn công, có thể xem xét nam thanh niên thuộc trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Khi đó, có thể xem xét trách nhiệm của Quang về hành vi Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125) hoặc Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 135) quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, nếu xét thấy hành vi không thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh, song đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, có thể xem xét trách nhiệm về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126) hoặc Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136) trong Bộ luật Hình sự 2015.

Trong trường hợp hành vi của Quang không thuộc 2 trường hợp đã nêu, cơ quan chức năng sẽ đánh giá các chứng cứ để xem xét trách nhiệm về hành vi Cố ý gây thương tích (Điều 134) hoặc Giết người (Điều 123) theo quy định của Bộ luật Hình sự.

"Với hành vi cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu của tài xế dẫn tới chết người, bất kể nguyên nhân là gì, đây đều là hành vi nguy hiểm và cần bị áp dụng các chế tài theo quy định của pháp luật. Đối với dấu hiệu phạm tội giữa các Điều 123 và Điều 134 Bộ luật Hình sự, cần xác định được Quang đã thực hiện hành vi với ý chí, mục đích là gì, cách thức thực hiện hành vi ra sao, cường độ, lực tác động như thế nào, có nhằm ý chí tước đoạt mạng sống người khác hoặc không nhằm sát hại nhưng thể hiện sự nguy hiểm, có thể lập tức tước đoạt tính mạng người khác hay không.

Việc đánh giá, kết tội sẽ phải phụ thuộc vào các động thái tố tụng tiếp theo của cơ quan chức năng, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng người, đúng tội, tránh oan sai nhưng cũng không được phép bỏ lọt tội phạm", luật sư Trang phân tích.

Tương tự, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, để xác định một người có rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không, cần đáp ứng 4 điều kiện như sau:

Thứ nhất, phải có hành vi trái pháp luật của bị hại;

Thứ hai, hành vi trái pháp luật phải là hành vi đối với người phạm tội; người thân thích hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội;

Thứ ba, hành vi trái pháp luật của bị hại phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần;

Thứ tư, trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động.

"Với trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, để có cơ sở xử lý tội danh này, trước tiên cần xác định chủ thể thực hiện hành vi là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của người này có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp, xuất phát từ yếu tố tự vệ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bản thân trước hành vi vi phạm pháp luật của bị hại và gây ra hậu quả là xâm phạm tới tính mạng, tước đoạt mạng sống của bị hại.

Trường hợp này, cần đánh giá nhiều yếu tố như nghi phạm phạm tội trong trạng thái tinh thần như thế nào (kích động, kích động mạnh hay bình thường); mục đích thực hiện hành vi là gì (tự vệ hay giết người tình vì bực tức); tính chất, mức độ hành vi của cả bị can và bị hại ra sao; ý chí chủ quan của Khuê thời điểm đó là như thế nào", ông Long phân tích.

Hoàng Linh