Sở Nội vụ Bắc Giang hồi âm tình trạng giáo viên thiếu tiêu chuẩn bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp
(Dân trí) - Liên quan đến việc hàng nghìn giáo viên tại tỉnh Bắc Giang còn thiếu tiêu chuẩn về bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang đã có công văn hồi âm đến Báo Dân trí cho biết đã và đang thực hiện lộ trình cấp thiết hoàn thiện tiêu chí này cho đội ngũ giáo viên trên toàn tỉnh.
Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn số 800/SNV-CCVC gửi Báo Dân trí cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang có gần 20 nghìn giáo viên thiếu tiêu chuẩn về bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh mới tổ chức bồi dưỡng được 4.200 giáo viên các cấp học theo hạng. Năm 2019, các huyện và thành phố đã đề nghị Sở Nội vụ tổ chức bồi dưỡng cho hơn 5.000 giáo viên, tuy nhiên chỉ có 1.000 giáo viên có trong danh sách được tham gia lớp học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp năm nay.
Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang hồi âm đến Báo Dân trí.
Nhiều năm qua, Sở Nội vụ chủ trì phối hợp các Sở, cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện công tác này đảm bảo đúng kế hoạch theo quy chuẩn chung. Chương trình giảng dạy do Bộ Nội vụ quy định; việc lựa chọn mời những giảng viên tham gia giảng dạy có học hàm, học vị và nhiều kinh nghiệm thực tế của Bộ Nội vụ, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Quản lý Giáo dục; Đại học Nội vụ; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học sư phạm Hà Nội II; Đại học Thủ đô; Đại học Sư phạm Huế… Đây là những cơ sở được Bộ Nội vụ giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức các lớp học được tiến hành bài bản, sâu sát. Hoạt động quản lý lớp được hoàn thiện qua từng năm, từng khóa học với nhiều hình thức như tổ chức lấy phiếu thăm dò về chất lượng giảng dạy của giảng viên; tổ chức cho học viên viết bài thu hoạch về kiến thức, nội dung đã học; thông báo kết quả học tập của học viên về đơn vị, đảm bảo đúng chế độ chính sách đối với học viên tham gia... Nhờ đó, số cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng tăng cao theo từng năm, từng bước phát huy vai trò, năng lực của mỗi người, nâng cao quyền lợi về chức danh, bằng nghiệp vụ cho cán bộ và hơn cả là đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công việc.
Đặc biệt, trong lĩnh vực bồi dưỡng theo chiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đây là yêu cầu bắt buộc đối với những giáo viên đủ điều kiện và có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp (theo Công văn số 2793/BGDĐT ngày 30/6/2017), Sở Nội vụ, Sở Giáo dục - Đào tạo và UBND các huyện, thành phố đã hết sức chú trọng bởi giáo dục là một ngành nghề đặc biệt đòi hỏi sự chuẩn hóa cao. Hơn nữa, điều kiện giảng dạy, thu nhập của đội ngũ cán bộ giáo viên trong tỉnh dù đã có nhiều quan tâm, ưu đãi song vẫn thiệt thòi hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ viên chức do áp lực công việc và đặc thù của công tác ‘trồng người”.
Việc bồi dưỡng chuẩn CDNN cho đội ngũ giáo viên các cấp sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giúp cho giáo viên đủ tiêu chuẩn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ tốt hơn. Chính vì thế, công tác này được đông đảo các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và giáo viên trong tỉnh đồng tình ủng hộ và đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang trong công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên.
Trước kết quả đáng ghi nhận của những năm trước, ngày 20/12/2018 đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh ủy Bắc Giang năm 2019. Trong đó, ngoài các lớp bồi dưỡng khác như trung, cao cấp chính trị, bồi dưỡng ngạch chuyên viên thì có quy định lớp Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức giáo viên là 10 lớp với 1000 học viên. Mức đóng học phí cũng đa dạng tùy theo loại hình lớp học và đối tượng học viên theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Thông tư số 36 ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính cũng như Kế hoạch số 61 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bắc Giang năm 2019.
Một lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên được Sở Nội vụ Bắc Giang tổ chức.
Theo đó, các đối tượng là giáo viên được tính ở diện viên chức, kinh phí đào tạo do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị và các nguồn khác đảm bảo; tuy nhiên do điều kiện nguồn kinh phí của hầu hết các đơn vị trường học trong tỉnh gặp khó khăn (vì các trường chưa thực hiện được tự chủ về tài chính), nên học viên tự đóng góp 100% học phí; Nhà nước cho hưởng 100% tiền lương và các khoản phụ cấp giảng dạy trong thời gian giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đối với đối tượng tự nguyện đăng ký học tập, không phải do đơn vị cử đi học thì học viên phải đóng 100% học phí.
Theo rà soát của các địa phương trước khi tổ chức bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, toàn tỉnh có khoảng gần 20.000 giáo viên thiếu tiêu chuẩn về bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, Bắc Giang mới tổ chức bồi dưỡng được 4200 giáo viên các cấp học theo hạng. Riêng năm 2019, các huyện và thành phố đề nghị bồi dưỡng cho trên 5000 giáo viên, song do công tác này đã được Sở Nội vụ xây dựng theo lộ trình yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thông qua, nên năm 2019, toàn tỉnh chỉ tiến hành bồi dưỡng cho 1000 trường hợp.
Qua công tác đánh giá, kiểm định chất lượng bồi dưỡng cho thấy đại đa số học viên hài lòng và đánh giá cao về chất lượng giảng dạy của giảng viên; 70% học viên có bài viết đạt điểm khá và giỏi, số học viên còn lại đạt yêu cầu. Cùng với việc tổ chức bồi dưỡng chuẩn CDNN, năm 2018 tỉnh cũng đã tổ chức thi thăng hạng II cho gần 2000 giáo viên các cấp học. Năm 2019, triển khai Kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở Nội vụ và Sở GD & ĐT Bắc Giang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức xét, thi thăng hạng viên chức vào quý IV.
Khảo sát 2 lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II năm 2019 khai giảng ngày 15/6/2019, đoàn kiểm tra nhận thấy không khí học tập tại các buổi giảng lý thuyết hết sức nghiêm túc, còn các buổi thảo luận thì khá sôi nổi, có đôi chút ồn ào do có sự phản biện, tương tác giữa giảng viên và học viên. Đa số học viên tỏ ra khá hài lòng với quá trình học tập bởi chương trình học không quá nặng nề, khô cứng mà chủ yếu mang tính định hướng mở rộng để học viên có thể liên hệ đến thực tiễn công tác của mình, từ thực tiễn liên hệ với lý thuyết nghiệp vụ chuyên môn chung để rút ra kinh nghiệm và phương pháp làm việc, giảng dạy phù hợp với chính mình cũng như đối tượng học sinh, khối lớp mà mình phụ trách.
Anh Thế