Sau nhiều sóng gió “đoạn trường”, sông Cầu lại đối mặt lời đề nghị xin được “đào cát”!

(Dân trí) - Cấp phép thực hiện dự án nạo vét tuyến luồng đường thủy nội địa quốc gia và kết hợp tận thu sản phẩm đoạn cạn trên sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh từng gây sóng gió trong dư luận. Mới đây nhất, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đang lấy ý kiến trước đề nghị xin khai thác cát sỏi trên sông Cầu của một doanh nghiệp.

Ngày 8/5/2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định cho biết: Sau khi xem xét Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản tại khu vực thôn Thần Chúc và thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên của Công ty Cổ phần thương mại than khoáng sản Việt Tiến, UBND tỉnh Bắc Giang Quyết định, tổng diện tích khu vực thăm dò, phê duyệt trữ lượng là 9,7 ha. Trong đó, khu vực 1 là 4,5 ha tại thôn Thần Chúc, xã Tiên Sơn; khu vực 2 là 5,2 ha tại thôn Kim Sơn, xã Tiên sơn, huyện Việt Yên.

Phê duyệt trữ lượng khoáng sản (cát, sỏi) đã tính trong thông báo, cấp 121 là 31.521,5 m3; cấp 122 là 262.438 m2. Xác định trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác cấp 121 là 28.022,3 m3 và cấp 122 là 233.308 m3.

Ngày 11/7/2018, Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang có Công văn số 1635/TNMT-TNKS về việc cho ý kiến tham gia với đề nghị khai thác khoáng sản (cát, sỏi) tại khu vực thôn Kim Sơn và thôn Thần Chúc, xã Tiên Sơn, Việt Yên.


Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang xin ý kiến nhưng lại đề nghị nếu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Việt Yên, UBND xã Tiên Sơn không có văn bản trả lời thì coi như đã đồng ý việc cho phép đào cát trên sông Cầu.

Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang xin ý kiến nhưng lại đề nghị nếu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Việt Yên, UBND xã Tiên Sơn không có văn bản trả lời thì coi như đã đồng ý việc cho phép đào cát trên sông Cầu.

Công văn được gửi đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND huyện Việt Yên; UBND xã Tiên cho biết: “Sở TN&MT nhận được hồ sơ đề nghị khai thác khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông Cầu của Công ty cổ phần thương mại than khoáng sản Việt Tiến tại khu vực thôn Kim Sơn và Thần Chúc, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên.

Sau khi xem xét, kiểm tra hồ sơ thấy khu vực xin khai thác khoáng sản nêu trên thuộc địa điểm đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong Báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản (cát, sỏi) lòng sông Cầu tại thôn Thần Chúc và Kim Sơn, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên cho Công ty cổ phần thương mại than khoáng sản Việt Tiến (Quyết định số 287/QĐ-UBND ngày 8/5/2018).

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Việt Yên, UBND xã Tiên Sơn xem xét, cho ý kiến về các vấn đề có liên quan đối với khu vực đề nghị khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần thương mại than khoáng sản Việt Tiến.

Ý kiến trả lời trả lời bằng văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/7/2018 để tổng hợp, làm cơ sở trình UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định. Sau thời hạn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Việt Yên, UBND xã Tiên Sơn không có văn bản trả lời thì coi như đã đồng ý”.

Ghi nhận tại thôn Thần Chúc và thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn, người dân tại đây bày tỏ sự lo lắng, đặc biệt là những người có ruộng trong khu bãi bồi nằm sát khu vực đang xin cấp phép khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần thương mại than khoáng sản Việt Tiến (viết tắt là Công ty Việt Tiến). Theo chia sẻ của người dân, nếu tỉnh cho phép Công ty Việt Tiến về đây hút cát, ruộng chúng tôi có ở ngay gần đó, giờ chỉ cần hút vài chục thuyền cát là sạt lở hết.

Sông Cầu chảy qua địa phận 2 tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang có chiều dài 69km. Con sông nổi tiếng suốt chiều dài lịch sử dân tộc với phòng tuyến Như Nguyệt trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, con sông đã đi vào biết bao tác phẩm thi ca nhạc hoạ êm đềm buông dòng giữa vùng đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến.

Trước đó, liên quan đến việc đào cát trên sông Cầu, sự việc không có gì đáng nói nếu cuối năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh không phải ra một công văn khẩn thiết với nội dung không gì gấp gáp hơn: “UBND tỉnh Bắc Ninh trân trọng đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đồng chí thứ trưởng của 3 Bộ, quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:

Chỉ đạo Cục đường Thủy nội địa Việt Nam (Chủ đầu tư) và UBND tỉnh Bắc Giang (Đơn vị cho phép triển khai dự án theo văn bản số 3392/UBND-TN ngày 27/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) dừng ngày việc triển khai thực hiện dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên Sông Cầu thuộc địa phận 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.


Người dân bày tỏ lo lắng và không đồng tình việc cho doanh nghiệp đào cát sông Cầu do nguy cơ sạt lở mất ruộng đồng.

Người dân bày tỏ lo lắng và không đồng tình việc cho doanh nghiệp đào cát sông Cầu do nguy cơ sạt lở mất ruộng đồng.

Tổ chức Đoàn khảo sát lại toàn tuyến sông Cầu để thấy rằng tính cấp thiết của dự án có cần phải thực hiện hay không… UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết nếu có tàu mắc cạn trên sông Cầu, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ bỏ ngân sách địa phương để đưa tàu ra khỏi vị trí mắc cạn”.

Theo Công văn số 374/UBND-NN.TN ngày 29/11/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi nhiều Bộ trưởng và Thứ trưởng cho biết: Năm 2014, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 3 dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư (2 dự án trên sông Đuống, 1 dự án trên sông Cầu).

Tuy nhiên, do trong quá trình triển khai dự án đã xảy ra việc lợi dụng việc thực hiện dự án để khai thác cát trái phép, gây bức xúc cho nhân dân. Hay nói một cách dễ hiểu là đã xảy ra tình trạng cát tặc được hợp thức hoá dưới dạng các dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa được cấp phép.

UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ ra cụ thể: Ngày 1/3/2016 tại vị trí tương ứng K74+ 400 ÷ K74+ 500 đê hữu Cầu, bờ, bãi sông bị sạt lở đứng thành chiều dài khoảng 50m, ăn sâu vào bãi từ 5÷10m, vị trí sạt lở gần nhất cách đê 25m. Một trong những nguyên nhân của sự việc trên là do Công ty cổ phần trục vớt luồng Hạ Lưu triển khai thi công dự án nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm từ Km1+000 đến Km30+000 thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

Và hậu quả là sông Cầu được khơi thông chưa thấy đâu mà tỉnh Bắc Ninh đang phải bố trí 30 tỷ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để xử lý sự cố trên.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, sự chấp thuận của UBND tỉnh Bắc Giang bị UBND tỉnh Bắc Ninh phản ứng trong dự án nạo vét, khơi thông sông Cầu được hành chính hoá bằng văn bản số 3392/UBND-TN về việc gia hạn cho công ty cổ phần trực vớt luồng hạ lưu nạo vét tuyến luồng đường thuỷ nội địa Quốc gia và tận thu cát làm vật liệu san lấp tại 5 đoạn cạn trên sông Cầu thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

Công văn số 3392/UBND-TN do ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký ngày 27/10/2016.

Một thực tế nhức nhối diễn ra nhiều năm nay là tình trạng cát tặc huỷ diệt các dòng sông để thu những nguồn lợi bất chính không lồ. Vì vậy, cát tặc vốn là loại tội phạm vô cùng manh động, trắng trợn và hung hãn. Thế nhưng, điều đáng sợ hơn là khi cát tặc được hợp thức hoá bằng các dự án được cơ quan nhà nước cấp phép như thực trạng đã xảy ra trên sông Cầu bị UBND tỉnh Bắc Ninh “bóc mẽ” và yêu cầu xử lý quyết liệt.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế