Sáu biện pháp nhằm giảm tắc giao thông tại Hà Nội

Sau những các sự cố tắc đường trầm trọng tại Hà Nội, đã có một số người (kể cả quan chức trách nhiệm và dân thường) đề xuất nhiều giải pháp đến năm 2010, thậm chí đến năm 2020 nhằm hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông Thủ đô. Tôi xin đề nghị sáu biện pháp trước mắt từ nay đến cuối năm 2007 giảm tắc đường tại Hà Nội:

Một là, cần quy định và thực hiện giờ làm việc các cơ quan địa phương (Hà Nội) lệch với giờ làm việc các cơ quan trung ương ít nhất 60 phút. Biện pháp này nêu trên công luận lâu rồi, song không hiểu vì sao đến nay chưa áp dụng? Ngay cơ quan UBND thành phố Hà Nội vẫn bắt đầu làm việc hàng ngày từ 8 giờ sáng. Như vậy chỉ lệch giờ với cơ quan trung ương 30 phút, làm dãn mật độ lưu lượng người đi làm không đáng kể- cũng là một nguyên nhân tắc phố.

 

Hai là, với những ngày, những buổi, phần việc có thể làm tại nhà, thì lãnh đạo cơ quan nên cho phép, khuyến khích nhân viên tiến hành- sẽ góp phần giảm số người ra phố mà lại tiết kiệm được thời gian đi lại, xăng, xe… Làm việc tại nhà, họp giao ban trên máy vi tính kết nối nội bộ, là xu thế phát triển xã hội hiện đại, văn minh.

 

Ba là, tiếp tục quy định thêm phố đi một chiều trong điều kiện có phố song song liền kề. Và cần quy định phố đi một chiều triệt để tất cả các loại xe (không phân biệt ô tô, xe đạp, mô tô hay xe buýt), có như vậy mới hạn chế tắc phố, nhất là vào những giờ cao điểm mật độ phương tiện đông đúc.

 

Bốn là, điều khiển giao thông tại các giao phố trọng yếu có đèn tín hiệu, nhưng vẫn phải cử Cảnh sát giao thông (CSGT) ra giám sát trong giờ cao điểm. Đặc biệt lúc mưa bất chợt, người đi phố không chủ động áo mưa, nếu vắng CSGT, mọi người thường chẳng chịu dừng xe khi đèn đỏ để “đội trời mưa” - thế là dẫn đến tắc phố. Có thể nói trường hợp tắc phố này là do trời mưa và không có CSGT ra giám sát (trong giờ cao điểm).

 

Năm là, tại những giao phố, ngả phố phù hợp, cần tổ chức chỗ rẽ trái sang một bên (không cho xe rẽ trái tại trung tâm giao phố). Thuật ngữ chuyên môn gọi là biện pháp “đẩy xa nơi rẽ trái”- sẽ giảm hẳn ùn tắc giao thông, thí dụ tại giao phố Cửa Nam (Hà Nội) đang áp dụng rất hiệu quả.

 

Sáu là, tập trung nhân lực, kinh phí, máy móc thi công sớm hoàn thành, thông xe đoạn tuyến “huyết mạch” Thanh Xuân- Pháp Vân (thuộc vành đai III) để giảm lưu lượng xe trên phố Trường Chinh và các vùng lân cận, sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tắc phố tại Hà Nội hiện nay.

 

Nguyễn Thành Lập

(Hà Nội)    

 

LTS Dân trí: Những biện pháp giảm ùn tắc giao thông do tác giả Nguyễn Thành Lập đề xuất có ý nghĩa thiết thực và có thể áp dụng ở Hà Nội cũng như một số thành phố khác. Chúng tôi trân trọng chuyển ý kiến đóng góp này tới UBND thành phố Hà Nội, Sở Giao thông - Vận tải và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này.