Sát hạch lái ô tô theo mô phỏng tình huống: Phần mềm rối, đánh đố thí sinh!

Khả Vân

(Dân trí) - Độc giả cho rằng, một lần học thực tế ngoài đường bằng cả trăm lần làm trên mô phỏng, nên phần mềm khi thi chỉ sử dụng tay nhấn dấu cách không mang lại nhiều ý nghĩa.

Ngày 28/6 vừa qua, môn thi mô phỏng trên màn hình các tình huống giao thông áp dụng trong kỳ thi giấy phép lái ôtô, đã được tổ chức lần đầu tiên tại Trung tâm sát hạch lái xe Hoàng Gia (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) và Trung tâm Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (thuộc Sở GTVT Nghệ An).

Theo đó, bộ đề thi môn mô phỏng gồm 120 câu hỏi, các thí sinh vào phòng thi sẽ được máy tự động đưa ra đề thi mô phỏng gồm 10 câu hỏi. Trong đó, 10 tình huống mô phỏng tự động chạy liên tiếp, thí sinh không được lựa chọn lại đáp án. Mỗi câu trả lời có điểm từ 0-5 điểm, thời gian làm bài không quá 10 phút.

Khi hoàn thành bài sát hạch mô phỏng hoặc hết thời gian, toàn bộ câu trả lời của thí sinh, kể cả các câu hỏi chưa trả lời hết, được máy tự động chấm điểm, in ra và lưu trữ tại máy chủ.

Sát hạch lái ô tô theo mô phỏng tình huống: Phần mềm rối, đánh đố thí sinh! - 1

Một video tình huống trong bộ đề thi 120 câu môn mô phỏng (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều xáo trộn khó khăn và đánh đố thí sinh!

Sau lần thi đầu tiên, Phòng Quản lý sát hạch và đào tạo giấy phép lái xe (Sở Giao thông vận tải TPHCM) thông tin có hơn 44% thí sinh rớt môn thi mô phỏng trên màn hình các tình huống giao thông. Nhiều thí sinh sau đó bày tỏ tâm trạng hoang mang, lo lắng, thậm chí có người sốc phát khóc.

Gửi thư về Dân trí, độc giả Thành Thuận Nhiên, một giáo viên dạy lái xe tại Hà Nội đã nêu vài điểm bất cập về phần thi mô phỏng dùng trong sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô.

Theo độc giả này, hiện nay theo thông tư 04 của bộ GTVT thì thí sinh phải thi thêm phần mô phỏng nếu tốt nghiệp sau ngày 15/6, gây ra nhiều xáo trộn khó khăn và sự đánh đố cho thí sinh.

"Đầu tiên là sự thiếu hợp lý về thời gian áp dụng: Thông tư ban hành ngày 26/4 thì sớm nhất nên áp dụng với khóa khai giảng đầu tháng 5, chứ không phải như các trung tâm đợi đến đầu tháng 6 mới rục rịch triển khai thông báo cho thí sinh biết. Các quy định hành chính không có yếu tố hồi tố, thế nên áp dụng như vậy là sao? Đáng lẽ phải thông báo từ đầu cho thí sinh nộp hồ sơ mới và bắt đầu khai giảng khóa tháng 5, như vậy theo quy định thời gian học hạng B1 2,5 tháng hiện nay thì tối thiểu cuối tháng 7 mới bắt đầu áp dụng phần thi này mới hợp lý.

Áp dụng thang điểm không có cơ sở khoa học và thiếu thực tế: Quy chuẩn quốc tế là giữ khoảng cách an toàn 3s để đủ thời gian xử lý không xảy ra va chạm. Thế nên chấm theo thang 5-4-3-2-1 và phát hiện tình huống sớm, không được điểm là bất cập.

Thời gian xử lý nhiều tình huống chỉ tính bằng % giây là đánh đố thí sinh, như vậy thì chỉ có học vẹt may ra mới đỗ được phần thi này, như thế là đi ngược lại với tiêu chí ban đầu là cho thí sinh làm quen với các tình huống nguy hiểm trên đường giao thông".

Độc giả này cho rằng, một lần học thực tế ngoài đường bằng cả trăm lần làm trên mô phỏng nên phần mềm chỉ sử dụng tay nhấn dấu cách không mang lại nhiều ý nghĩa.

Sát hạch lái ô tô theo mô phỏng tình huống: Phần mềm rối, đánh đố thí sinh! - 2

Độc giả Dân trí cho rằng phần mềm chỉ sử dụng tay nhấn dấu cách không mang lại nhiều ý nghĩa.

Phần mềm mô phỏng rối rắm, lỗi "tùm lum"

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Khắc Trường, giám đốc một trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe ô tô với PV Dân trí. Anh Trường đã chỉ ra một số vấn đề của chất lượng phần mềm phần thi mô phỏng.

Thứ nhất, về chất lượng của phần mềm không đảm bảo để học viên hình dung được ý nghĩa thực sự của các tình huống, người viết hình như quên không gắn FPS cho code chương trình nên gặp máy yếu thì chạy không nổi.

Thứ hai, là ở mỗi tình huống khác nhau sẽ có rất nhiều người có nhiều nhận diện khác nhau. Dùng ý nghĩ chủ quan của người viết để áp đặt cho những người khác là điều đáng phải suy nghĩ. Trong nhiều tình huống có nhiều người nhận diện từ sớm 1s trước đó và người ta xử lý sớm sẽ hạn chế va chạm cao hơn. Nhận diện càng trễ thì va chạm càng lớn. Thế mà 1s trước và 1s sau khoảnh khắc 5 điểm lại có kết quả trái ngược nhau hoàn toàn. Điều này thiết nghĩ thật vô lý, sẽ cho cảm giác an toàn mà bị đánh trượt thật ức chế.

Thứ ba, phần mềm không ổn định, dùng trên PC (máy tính bàn) một kiểu, dùng trên laptop (máy tính xách tay) thì lại kiểu khác, dùng trên điện thoại thì cũng lại một khác, vậy tình huống tính theo giây có phải làm khó thí sinh hay không? Còn phần mềm trên máy của từng trung tâm thì thế nào? Có đảm bảo ổn định và được thí sinh trải nghiệm chưa? Nó y như là bạn lên một chiếc xe lạ và không hiểu hết về chiếc xe đó thì sao chạy an toàn được? Cái này là cố gây khó thí sinh và đóng tiền thi lại là rõ ràng!

Ngoài ra theo anh Trường, việc chấm điểm của phần mềm cũng không hợp lý, nếu bấm sớm thời điểm nguy hiểm thì 0 điểm là sao? Ví dụ người lái xe đó chạy cẩn thận hơn thì họ sẽ xử lý sớm hơn một chút có ảnh hưởng gì? Tốc độ di chuyển tùy người lái cảm nhận chứ đâu phải cứ đi với tốc độ máy set sẵn là đúng?

"Điều duy nhất tôi thấy hài lòng ở quy định mới này là thực hành sa hình số giờ ít đi và tăng cường thời gian chạy đường trường, bổ túc tay lái thì đúng", anh Trường chia sẻ.