Ba phút cùng luật sư:

Sản xuất bột ngọt giả "đầu độc" cộng đồng có bị xử lý hình sự?

(Dân trí) - Bột ngọt là gia vị phổ biến dùng để nêm nếm thức ăn hàng ngày của đa số người dân nông thôn. Tuy nhiên, đây cũng là 1 trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất.

Pháp nhân sản xuất bột ngọt giả có thể bị phạt đến 18 tỷ đồng

Cuối tháng 1/2016, Đội Quản lý thị trường 4A - Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện hơn 100 tấn bột ngọt của 1 công ty ở quận 12 nghi là làm giả thương hiệu nổi tiếng, chuẩn bị tung ra thị trường. Với số lượng này, công ty trên có thể cung cấp bột ngọt cho cả vạn hộ gia đình sử dụng cả năm. Điều đáng nói bột ngọt là gia vị dùng hàng ngày và rất phổ biến, nếu không đảm bảo chất lượng sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tại sao hiện tượng trên lại phổ biến đến vậy? Phải chăng chế tài chưa đủ sức răn đe? Dân trí đã có buổi trao đổi cùng luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư viện Pháp luật, về vấn đề này:

Thưa luật sư thời gian vừa qua đã có nhiều vụ việc một số người sản xuất hàng giả các loại nhãn hiệu nổi tiếng bằng phương thức sản xuất là mua bột ngọt không nhãn hiệu, vỏ bao bì các loại nhãn hiệu nổi tiếng rồi phân phối cho một số cửa hàng tạp hóa để bán cho người tiêu dùng, hành vi này bị xử lý như thế nào thưa ông?

Bột ngọt là chất phụ gia thực phẩm thuộc Danh mục phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm và giới hạn tối đa đối với các chất phụ gia trong các sản phẩm thực phẩm được ban hành kèm theo Thông tư 27/2012 của Bộ Y tế.

Hiện tuy cùng một hành vi làm giả bột ngọt nhưng có nơi xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả, có nơi lại xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Theo tôi thì hành vi sản xuất bột ngọt giả, người vi phạm có thể bị xử lý về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 156 BLHS là chính xác hơn. Vì bột ngọt là phụ gia thực phẩm chứ không phải thực phẩm và theo BLHS hiện hành thì chưa có quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm.

Một vụ phát hiện cả trăm tấn bột ngọt nghi giả tại TPHCM vào đầu năm 2016 (ảnh: Trung Kiên)
Một vụ phát hiện cả trăm tấn bột ngọt nghi giả tại TPHCM vào đầu năm 2016 (ảnh: Trung Kiên)

Vậy khi nào thì xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thưa luật sư?

Theo Điều 156 BLHS hiện hành quy định người nào sản xuất, buôn bán hàng giả có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm… Khung hình phạt cao nhất là từ 7 năm đến 15 năm tù nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên.

- Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn.

- Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Vậy theo quy định BLHS 2015 thì việc xử lý có gì khác theo luật sư?

Theo quy định BLHS 2015 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016) thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm được quy định tại Điều 193. Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Thu lợi bất chính từ 1.500.000.000 đồng trở lên;

b) Làm chết 2 người trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Còn nếu pháp nhân thương mại phạm tội thì xử lý như thế nào thưa luật sư?

Pháp nhân thương mại phạm tội , sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm thì có thể bị phạt từ 1 tỷ đến 18 tỷ đồng, có thể đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm;

Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả hoặc được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Vâng, xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)