Bắc Giang- Bài 3:

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm: Loại "virus" nguy hiểm nhất!

(Dân trí) - "Những cụm từ “kiểm điểm, rút kinh nghiệm”… cần phải loại bỏ. Một xã hội có kỷ cương thì tất cả phải áp dụng theo luật pháp, từ người dân cho đến quan chức cao nhất", bạn đọc Dân trí bày tỏ.

Như Dân trí đã thông tin về việc, 9 tháng sau khi Thanh tra tỉnh Bắc Giang ban hành kết luận thanh tra, chỉ ra nhiều sai phạm lên tới hàng tỷ đồng tại dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư, ông Bùi Thế Chung - Chủ tịch Hội Nông dân được luân chuyển, bổ nhiệm làm Bí thư huyện uỷ Yên Thế.

Trước khi nhậm chức Bí thư huyện uỷ Yên Thế, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Bùi Thế Chung đã ký một công văn báo cáo về việc thực hiện các nội dung nêu trong Kết luận thanh tra với tinh thần… nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Dư luận thêm một lần nữa lại dấy lên sự bất bình, bức xúc bởi việc lạm dụng hình thức kỷ luật “kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm” và đưa ra một so sánh: Tại sao mức kỷ luật không có trong luật này lại chỉ áp dụng cho các cán bộ nhà nước, phải chăng là “luật cho dân và lệ cho quan?”.

“Kiểm điểm”, “rút kinh nghiệm”: dân nghe mãi nhàm tai quá rồi!

Bạn đọc Tuan Tran cho rằng: “Sai phạm và thiệt hại trong vụ việc này là những con số rất rõ ràng. Vì vậy, việc xử lý cũng phải cụ thể, không thể là rút kinh nghiệm được, như vậy thì có khác gì không kỷ luật?”.

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm: Loại virus nguy hiểm nhất! - 1
Kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm tiền tỷ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xử lý sai phạm bằng hình thức nghiêm túc... rút kinh nghiệm.

“Xử lý sai phạm tiền tỷ bằng hình thức "rút kinh nghiệm” mà vị Chủ tịch hội Nông dân vẫn được cho về làm bí thư huyện. Thế này khác gì khuyến khích làm sai?”, bạn đọc Khanghan; “Xin hỏi nếu dân làm việc phạm pháp như vậy có cơ quan tổ chức cá nhân hay luật nào để cho dân rút kinh nghiệm không?”, bạn đọc ThanhTuan.

So sánh với vụ việc một thầy giáo phải chịu kỷ luật vì bán khẩu trang, bạn đọc Tu Ngoc chua chát: “Sai phạm hàng tỷ đồng cho rút kinh nghiệm, mà còn được đưanvề giữ chức bí thư… Vậy ông giáo Đầm Dơi lãi 8,6 nghìn mà phải chịu kỷ luật trước một hội đồng. Ôi trời!”.

“Kỷ luật "rút kinh nghiệm" là xong?. Vậy đây có có phải là sự nương nhẹ, bao che không?, bạn đọc Nguyễn Văn Đa; “Mà tôi cũng chẳng biết ông nào nghĩ ra mấy cái hình hình thức kiểm điểm nực cười: kiểm điểm rồi rút kinh nghiệm sâu sắc. Quan chức mà sai phạm cứ kiểm điểm rồi rút kinh nghiệm như vậy là phi lý, gây bức xúc cho nhân dân. Chưa kể lợi ích nhóm câu bè kết phái, bao che dung túng cho nhau. Đây là điển hình của tình trạng tham nhũng quyền lực của ta hiện nay”- bạn đọc Nguyen Khanh.

Bạn đọc ANHTUANXP: “Đây là loại virus nguy hiểm nhất. Nếu không hối lộ sẽ không có chuyện thoát tội tham nhũng? Mà tham nhũng thì phải truy tố hình sự chứ không phải chuyện rút kinh nghiệm”.

“Đề nghị UBKT Trung ương vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc. Để cho thanh tra làm theo tôi không hiệu quả. Cần xử lý nghiêm, thượng tôn pháp luật cho dù họ là ai, không có vùng cấm, không bao che sai phạm. Nhân dân đang chờ sự kỷ luật nghiêm minh trong vụ việc trên”, bạn đọc Nguyễn Khánh Đạt đề xuất.

HÌnh thức kỷ luật không có trong luật

Ngày 6/2/2020, làm việc với Thanh tra tỉnh Bắc Giang, PV Dân trí được cung cấp một số tài liệu liên quan đến sai phạm tại Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã ban hành kết luận chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.

Những sai phạm nghiêm trọng của dự án do Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư được Thanh tra tỉnh Bắc Giang chỉ ra rất cụ thể: Việc lập hồ sơ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn đã không đầy đủ, thiếu chính xác, dẫn đến khi thực hiện dự án phải điều chỉnh bổ sung nhiều lần. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công không có sơ đồ tính toán kết cấu công trình, không lập quy trình bảo trì công trình. Bước thiết kế bản vẽ thi công có một số công việc không tuân theo bước thiết kế cơ sở đã được duyệt, như công việc thi công bê tông cốt thép, gỗ làm cửa...

Theo thống kê của Thanh tra tỉnh, kết quả kiểm tra giá trị tổng dự toán được phê duyệt đã tính sai lên tới 3,4 tỷ đồng, trong đó sai do tính toán sai khối lượng là hơn 2,3 tỷ đồng, sai do áp dụng sai định mức là 1,1 tỷ đồng…

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm: Loại virus nguy hiểm nhất! - 2
Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã ban hành kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm nhưng lại chấp nhận hình thức cho kiểm điểm, rút kinh nghiệm?

Thế nhưng, tại Công văn số 150-BC/HNDT do ông Bùi Thế Chung, Chủ tịch Hội Nông dân ký về việc thực hiện Kết luận số 51/KL-TTr ngày 1/2/2019 của Thanh tra tỉnh Bắc Giang về kết luận thanh tra Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Cơ quan này đã tổ chức kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm vì đã để xảy ra những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình triển khai thực hiện dự án đã được chỉ ra trong kết luận Thanh tra tỉnh.

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH NSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Rút kinh nghiệm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 năm 2008 không thuộc các trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ công chức.

Đây là một cách thức cơ quan quản lý cấp trên xử lý nội bộ theo cảm tính mà chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Rút kinh nghiệm là một kiểu quản lý rất thiếu tính pháp lý, hình thức này không phải quy phạm pháp luật.

Sai phạm tiền tỷ cho rút kinh nghiệm: Loại virus nguy hiểm nhất! - 3
Bí thư huyện uỷ Yên Thế Bùi Thế Chung (ảnh phải) trao Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho tân Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Ngọc Sơn. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Yên Thế)

Dường như đây là cách lách luật để biến những sai phạm dù đã luật pháp điều chỉnh phải thi hành kỷ luật thành sự việc có tính nội bộ, sai phạm lớn, nghiêm trọng thành nhỏ, sai phạm nhỏ trở thành không có”.

Luật sư Lực nhận định: “Với trường hợp sai phạm tại Hội nông dân tỉnh Bắc Giang, chiếu theo quy định tại khoản 1 điều 12 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP  ngày 17 tháng 05 năm 2011 Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì phải áp dụng hình thức “Giáng chức” với cán bộ, lãnh đạo sai phạm: Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: 1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Một kết luận kiểm tra, thanh tra đã nêu ra được hành vi sai phạm, xác định được nguyên nhân chủ quan, khách quan, người vi phạm mà không kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật là biểu hiện của một kết luận không khách quan, né tránh.

Rút kinh nghiệm để không phải chịu trách nhiệm sẽ làm suy yếu hệ thống quản lý Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào cơ quan quản lý hành chính, giảm sút vai trò quản lý của Đảng bộ địa phương. Đây mới là hậu quả, nguy cơ lớn nhất”.

Việc Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang xử lý sai phạm bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, một hình thức không có trong luật, làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Thức - Trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Giang thẳng thắn thừa nhận: Luật cán bộ công chức có khiển trách, cảnh cáo, hạ lương, buộc thôi việc. Trong khi đó, kỷ luật Đảng có các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. 

Khi PV Dân trí đặt câu hỏi: Các anh có chấp nhận hình thức xử lý sai phạm kiểm điểm rút kinh nghiệm của lãnh đạo đứng đầu một đơn vị, nhất là khi lãnh đạo ấy được xém xét luân chuyển bổ nhiệm vào vị trí Bí thư huyện uỷ hay không?, ông Thức khẳng định: “Cái này thì để nếu muốn đến cùng vấn đề phải để chúng tôi làm việc với thanh tra”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân