Rất cần sự tôn vinh đối với giáo viên miền núi
Trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2008, tỉnh Nghệ An có 18 gíáo viên được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đó là phần thưởng xứng đáng, tuy nhiên vẫn thấy vắng bóng những giáo viên miền núi.
Hầu hết các nhà giáo được tôn vinh đều là những giáo viên và cán bộ quản lý đang công tác, giảng dạy ở các vùng đồng bằng, thành phố - nơi có điều kiện về cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, thuận lợi. Trong khí đó, những danh hiệu cao quý như: Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú dường như vẫn chỉ là những danh hiệu trong mơ của rất nhiều giáo viên đang công tác, cống hiến ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thiếu thốn nhưng phần lớn đội ngũ giáo viên công tác ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn tận tụy, nỗ lực, cố gắng thực hiện công việc được giao. Khi thực hiện cuộc vận động “hai không”, tiến hành thi thực, đánh giá thực đã kéo theo hệ lụy là có hàng ngàn học sinh các cấp ở miền núi bỏ học do có học lực yếu kém. Đội ngũ giáo viên ở miền núi, vùng sâu, vùng xa không chỉ phải lo trau dồi công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học mà còn phải “kiêm nhiệm” thêm công tác nan giải: vận động học sinh trở lại lớp học. Đây quả không phải là một việc dễ dàng bởi điều kiện giao thông miền núi rất khó khăn, bên cạnh đó, điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh nơi đây còn có suy nghĩ muốn con ở nhà để phụ giúp gia đình dù sự học đang còn dang dở. Chính sự nỗ lực, kiên trì của nhiều giáo viên vùng cao đã góp phần “kéo” một lượng lớn học sinh trở lại lớp. Trong bức tranh chung của giáo dục miền núi còn nhiều bất cập thì đó là một thành tích cần được khích lệ.
Ngoại trừ số giáo viên là người địa phương, phần lớn giáo viên dang công tác ở miền núi hiện nay từ miền xuôi lên. Trong số họ có nhiều người tình nguyện lên công tác đã hàng chục năm vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Họ nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách của cuộc sống thường ngày, thậm chí chấp nhận hi sinh hạnh phúc riêng tư với tâm nguyện mang cái chữ đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng bản xa xôi. Ở họ, mặc dầu mỗi người có một hoàn cảnh, một điều kiện sống khác nhau nhưng dường như tất cả đều có một điểm chung rất đáng quý, đó là lòng yêu nghề, ý chí nghị lực vượt khó, vượt khổ, tận tụy, hết mình với công việc được giao. Động lực để những giáo viên miển núi hoàn thành công việc của mình, bên cạnh lòng yêu nghề, tình thương đối với học sinh còn có còn có tình cảm của đồng bào vùng dân tộc thiểu số - những người đã đồng cam, cộng khổ, chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống thường nhật cùng những người “gieo chữ”. Nghệ An là tỉnh có diện tích vùng cao khá lớn so với cả nước. Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục ở các huyện miền núi phía tây Nghệ An, nhất là những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong… có nhiều khởi sắc chính là nhờ một phần lớn công lao đóng góp của những giáo viên nơi đây.
Theo nghị định 35 của chính phủ ban hành năm 2001, thời hạn luân chuyển giáo viên lên công tác tại miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam. Hết thời hạn này, những giáo viên có đủ điều kiện về thời gian công tác sẽ được thuyên chuyển về những vùng thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều giáo viên công tác ở miền núi có nguyện vọng chuyển về xuôi để sum họp gia đình đã không được toại nguyện dù thời gian công tác có người dã lên đến hàng chục năm. Một bộ phận giáo viên đã lập gia đình tại địa phương công tác song vẫn không thể “lạc nghiệp” bởi chưa thể “an cư”. Ngành giáo dục và chính quyền địa phương hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết ván đề đất đai, nhà cửa cho số giáo viên này để họ yên tâm công tác.
Được biết từ năm 2009, Bộ GD-ĐT có chủ trương đẩy mạnh việc thuyên chuyển giáo viên đã công tác trên 5 năm, 10 năm ở miền núi, các vùng khó khăn được về công tác ở những nơi có điều kiện tốt hơn theo nguyện vọng. Trong khi chờ đợi chủ trương đúng đắn trên được thực hiện trong thời gian sớm nhất, bên cạnh việc phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú cho những người có đóng góp lớn trong ngành giáo dục, hằng năm, ngành giáo dục và chính quyền địa phương cần có nhiều hơn những hành động, việc làm thiết thực thể hiện sự tôn vinh đối với những giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa: có chính sách đãi ngộ hợp lý, tổ chức các buổi gặp mặt, tuyên dương, trao thưởng đối với những giáo viên có thành tích xuất sắc… nhằm kịp thời động viên, khích lệ tinh thần những giáo viên nơi đây. Bởi, trong nỗ lực thu hẹp về khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền thí đội ngũ giáo viên chính là nhân tố quyết định.
Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An)
LTS Dân trí - Vấn đề nêu ra trong bài báo trên đây không chỉ là chuyện riêng của tỉnh Nghệ An mà đúng là chuyện đáng quan tâm đối với tình hình chung của ngành giáo dục trong cả nước. Chúng ta đã nói rất nhiều về chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên ở những địa bàn khó khăn như miền núi, vùng sâu vùng xa nhưng trên thực tế chưa thực hiện được bao nhiêu. Những giáo viên ở những vùng khó khăn vẫn là những “chiến sĩ vô danh” chưa được sự quan tâm thỏa đáng, chưa được tôn vinh xứng đáng với những cống hiến và hy sinh của họ,
Trong những chế độ chính sách nói chung cũng như những danh hiệu tôn vinh nói riêng, bao gìơ cũng phải tính đến điều kiện đặc thù của những vùng khó khăn (hay đặc biệt khó khăn) thì mới đem lại sự công bằng đối với đội ngũ giáo viên ở những vùng đó. Đấy cũng là động lực quan trọng nhằm động viên lực lượng giáo viên tình nguyện lên miền núi và đi tới những vùng sâu vùng xa làm nhiệm vụ vẻ vang của sự nghiệp trồng người.