"Ranh giới" việc đánh bạc bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự!

(Dân trí) - "Như vậy tiền hay hiện vật trị giá sử dụng đánh bạc từ 5 triệu đồng hay dưới 5 triệu đồng là căn cứ chính để quyết định hành vi đó bị xử lý hành chính hay bị xử lý hình sự".

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra các phân tích pháp lý về hành vi đánh bạc: "Đánh bạc là một việc không được xã hội khuyến khích. Đánh bạc trái phép, nhẹ có thể bị xử lý hành chính, nặng hơn có thể bị xử lý hình sự. Khi bị xử lý hành chính người vi phạm sẽ chịu mức phạt tiền tối đa là 2.000.000 đồng. Còn khi bị xử lý hình sự thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Như vậy hậu quả khi bị xử lý hình sự về hành vi đánh bạc là nặng nề hơn rất nhiều so với bị xử phạt hành chính.

Hành vi đánh bạc trái phép bị xử lý hình sự khi tiền hay hiện vật trị giá sử dụng đánh bạc trái phép từ 5.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng người chơi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc chưa được xóa án tích.

Ranh giới việc đánh bạc bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự! - 1

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đưa ra các phân tích pháp lý về hành vi đánh bạc.

Hành vi đánh bạc trái phép chỉ bị xử lý hành chính khi tiền hay hiện vật trị giá sử dụng đánh bạc trái phép dưới 5.000.000 đồng và người chơi không thuộc trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc chưa được xóa án tích.

Như vậy tiền hay hiện vật trị giá sử dụng đánh bạc từ 5 triệu đồng hay dưới 5 triệu đồng là căn cứ chính để quyết định hành vi đó bị xử lý hành chính hay bị xử lý hình sự.

Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc được xác định như thế nào?

Điều 1 Nghị Quyết số 01/2010/NQ-HĐTP  như sau:

3. "Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc" bao gồm:

a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc."

Theo hướng dẫn này thì số tiền có trên chiếu bài, chiếu xóc đĩa, cầm ở tay khi cá cược đua ngựa… thì sẽ được xác định là dùng đánh bạc.

Còn hướng dẫn tại điểm b, c nêu trên đây thì để có căn cứ xác định đó là để dùng đánh bạc, cơ quan cánh sát điều tra chủ yếu dựa trên lời khai, thú nhận của những người đánh bạc. Nếu họ khai là tiền ở trong ví là tiền đi vay về cho con đi học, để mua hàng hóa kinh doanh, dù có thua hết tiền cầm trên tay cũng sẽ không bao giờ sử dụng số tiền đó để đánh bạc thì không có cơ sở xác định số tiền đó dùng để đánh bạc.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được số tiền sử dụng đánh bạc từ 5 triệu đồng thì không có căn cứ xử lý hình sự những người chơi bạc.

4. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn ở trên

b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, một lần cá độ đua ngựa... (để tính là một lần đánh bạc) được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc trong các trường hợp này là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.

Ví dụ 1: Tại kỳ đua ngựa thứ 39, tổ chức vào ngày 15-7-2010, trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 11 giờ A đã cá độ ba đợt cụ thể là đợt một 500.000 đồng, đợt hai 1.000.000 đồng, đợt ba 2.000.000 đồng, trong trường hợp này chỉ coi A đã đánh bạc một lần trong kỳ đua ngựa đó với tổng số tiền là 3.500.000 đồng.

Ví dụ 2: Ngày 20-7-2010, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là 500.000 đồng, mua số 20 với số tiền là 2.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền 3.000.000 đồng; trong trường hợp này, chỉ coi B đánh bạc một lần.

5. Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa... như sau:

5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.

Ví dụ: B mua 5 số đề với tổng số tiền là 100.000 đồng, tỷ lệ được thua 1/70 lần, trong đó có 4 số đề mua mỗi số 10.000 đồng, 1 số đề mua với số tiền 60.000 đồng, hành vi của B bị phát hiện sau khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa... và B đã trúng số đề mua với số tiền 60.000 đồng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng + (60.000 đồng x 70 lần) = 4.300.000 đồng.

1. b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu B không trúng số nào thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng.

Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.1 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của B bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền B dùng đánh bạc trong trường hợp này là 100.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng B có trúng số đề hay không trúng số đề).

Đối với vụ án đánh bạc, cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào đâu để xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo.

Tùy vào vụ việc cụ thể mà xác định trách nhiệm hình sự và mức hình phạt của các bị cáo. Cụ thể: Đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm...) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo;

Đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng". (Mục 13 Phần I Công văn số 89/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử)

Trên đây là một số thông tin hữu ích cho người đánh bạc cần biết khi bị bắt giữ để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước khi có những giải pháp hỗ trợ pháp lý khác.

Xin cảm ơn luật sư!