Quyền tự do mơ ước
(Dân trí) - Bạn Lê Minh Thông, thủ khoa 30/30 Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ ước mơ của mình: “Em muốn học giỏi để sau này làm việc trong lĩnh vực kinh tế và ước mơ được làm bộ trưởng. Học giỏi từ bây giờ sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước”.
Học sinh của nước mình nói nhiều về tương lai trở thành bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhưng ít có bạn nào dám cho mình sẽ trở thành bộ trưởng, thủ tướng, chủ tịch nước. Động tới những chức vụ đó xem như điều gì đó cấm kỵ mặc dù không ai cấm.
Cũng có thể thế hệ trẻ quan tâm đến học giỏi để có một công việc tốt, kiếm nhiều tiền thỏa mãn nhu cầu bản thân. Nhiều bạn ít suy tư về đất nước, trách nhiệm xã hội chưa cao, nên không ước mơ làm bộ trưởng hay thủ tướng để lo cho người khác hơn là lo cho mình, lo cho đất nước hơn nghĩ về bản thân. Nhưng cũng có thể vì các bạn ngại khi nói về chức vụ cao trong xã hội, vì trước đây có một bạn trẻ trả lời trên báo mơ ước làm thủ tướng, thì bị nhiều người cho là lộng ngôn, phạm thượng, tham vọng chính trị...
Chúng ta đang sống trong một quốc gia dân chủ, có quyền trình bày suy nghĩ của mình, có quyền nói lên mơ ước của mình. Con người có quyền tự do không ai có thể xâm phạm được, đó là tự do mơ ước. Một bạn học sinh cố gắng học giỏi, làm bộ trưởng để cống hiến cho đất nước thì ước mơ đó quá đẹp, rất đáng trân trọng. Nhiều bạn học giỏi khác, cùng mơ ước như thế, đất nước sẽ có cơ hội chọn ra nhiều người tài để chăm lo cho nhân dân, săn sóc cho quê hương.
Giới trẻ không tự tin để phát biểu suy nghĩ của mình về đất nước, nói lên nhận thức của mình về các vấn đề xã hội, một phần do giới trẻ chưa tích cực, nhưng một phần do lỗi của người lớn. Nhìn lại phương pháp giáo dục hiện nay, sẽ thấy cách truyền thụ vẫn một chiều, thầy cô nói gì học trò cứ thế lắng nghe, chương trình dạy gì, học trò phải ghi chép và học thuộc lòng. Trong chương trình, chưa thấy những cánh cửa để các em nhìn ra ngoài với những trang sách khác với những điều của sách giáo khoa, chưa có những khung trời bay bỗng cho mơ ước của các em. Lối giáo dục áp đặt, mệnh lệnh đang đè nặng, cho nên không khơi gợi được sáng tạo của cá nhân và tư duy phản biện trong giới trẻ.
Lê Chân Nhân