Tư vấn pháp luật:

Quy định của pháp luật xử tội cố ý gây thương tích

(Dân trí) - Ngày 17/04/2011 tôi đang ở nhà, có 4 đối tượng xông vào dùng vỏ chai bia, đá đánh vào đầu tôi đến bất tỉnh, gây chấn thương vùng đầu phải khâu 20 mũi, sau đó phải nhập viện Đa khoa khu vực Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Hiện nay tôi trong tình trạng xức khỏe suy yếu do mất nhiều máu, mỗi khi đứng dậy đều bị chóng mặt. Đối với trường hợp tổ chức đánh người gây thương tích, tổn hại sức khoẻ và tinh thần gây rối an ninh trật tự khu vực như vậy thì các đối tượng trên phải bị Pháp luật xử lý như thế nào?

Tôi có trình báo cơ quan công an phường nơi tôi cư trú nhưng đến nay đã 15 ngày sau khi xảy ra sự việc mà vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Vậy tôi phải làm đơn khiếu nại tại cơ quan nào? Xin được Quý báo tư vấn giúp. (Trần Minh Thắng, Email: minhthang.saigondonga@gmail.com).
Quy định của pháp luật xử tội cố ý gây thương tích - 1
Can nhóm đánh nhau, ông Hạnh (trú tại Nghệ An)
bị dính gần 100 viên bi từ đạn hoa cải cắm vào lưng và tay. (Ảnh: CTV)

Trả lời:

Theo ông trình bày chúng tôi hiểu ông bị 04 người xông vào nhà dùng vỏ chai bia, đá đánh vào đầu đến bất tỉnh gây chấn thương vùng đầu phải khâu 20 mũi. Ông phải làm đơn tố cáo đến công an huyện nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật.

Để khẳng định các đối tượng trên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử phạt hành chính còn phụ thuộc vào mục đích, hành vi cụ thể của 04 người, tỷ lệ thương tật của ông, biên bản hiện trường, chứng cứ, bản tự khai của đương sự, các nhân chứng, kết luận điều tra…

Nếu hành vi của 04 người này nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của ông với lỗi cố ý trực tiếp thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội giết người (cụ thể là phạm tội chưa đạt,mặc dù cố ý thực hiện tội phạm, nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người tội phạm), cụ thể:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Trong trường hợp mục đích của 04 người này không phải là tước đi mạng sống của ông mà chỉ muốn đánh ông gây thương tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, cụ thể như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Như vậy nếu tỷ lệ thương tật của ông trên 11% thì 04 đối tượng kia bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, nếu dưới 11% mà thỏa mãn một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 104 vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ tiểu mục 3.1 mục 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về tình tiết "dùng hung khí nguy hiểm" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS:

“Dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Theo hướng dẫn tại Mục 2 phần I Nghị quyết 02/2003 về khái niệm "vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác" quy định tại điểm d khoản 2 Điều 133 Bộ Luật Hình sự như sau:

2.1. “Vũ khí” là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ).

2.2. “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

a. Về công cụ, dụng cụ.

Ví dụ: Búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn...

b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra.

Ví dụ: Thanh sát mài nhọn, côn gỗ...

c. Về vật có sẵn trong tự nhiên.

Ví dụ: Gạch đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...”

Theo ông trình bày ông đang ngồi hút thuốc trước cửa nhà có 04 đối tượng xông vào nhà dùng vỏ chai bia, đá đánh vào đầu đến bất tỉnh thì 04 đối tượng trên đã sử dụng hung khí nguy hiểm, cụ thể là chai bia đã đập vỡ, có nhiều mảnh nhọn, gạch đá có sẵn trong tự nhiên.. Vì hành vi đánh người khác mà không có lý do là hành vi có tính chất côn đồ nên nếu tỷ lệ thương tật của ông dưới 11% thì họ vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích. Ông có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an cấp quận, huyện để được giải quyết.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Tổng đài tư vấn: 1088 (nhánh 4.4 và 4.5)

Hot-line: 093 366 8166

Email: info@luatdaiviet.vn

Website: http://www.luatdaiviet.vn

Ban Bạn đọc