Quy chế một ứng cử viên cho một chức vụ đã không còn thích hợp
(Dân trí) - Một trong những vấn đề được bạn đọc hết sức quan tâm trong quá trình đổi mới, đó là đổi mới quy chế bầu cử tạm gọi là “Bầu cử bàn tròn” hiện nay. Để rộng đường dư luận, Dân trí xin giới thiệu 2 trong số các ý kiến về vấn đề này.
Ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Tôi ủng hộ phương án nhiều người ứng cử
Chúng ta đã có những bài học rất quý báu trong cách thức chọn người hiền tài của ông cha ta qua các triều đại Lý, Trần, Lê cũng như của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Những bài học về bầu cử Quốc hội đầu tiên cho chúng ta nhiều điều bổ ích trong việc bầu cử hiện nay. Có một điều rất dễ nhận thấy là nếu có nhiều người ứng cử vào một chức vụ để bầu cử cử thì sẽ rộng đường cho sự lựa chọn.
Nếu chỉ có một người được giới thiệu để bầu cử dễ gây ấn tượng về sự hạn chế trong chọn lựa. Không những thế, có nhiều người suy diễn cho rằng bầu cử như vậy là thiếu dân chủ, là có người đã chọn trước cho mình rồi. Tôi cho rằng dù có cơ quan nào giới thiệu thì việc quyết định cuối cùng vẫn thuộcvề cử tri.
Cũng có ý kiến cho rằng, vì chúng ta chỉ có một đảng thôi cho nên, không thể nào một đảng lại đi giới thiệu nhiều người. Chỉ có nhiều đảng mới giới thiệu nhiều người, còn một đảng là đã có sự lựa chọn kỳ công cho nên chỉ giới thiệu một người là đủ.
Có lẽ đã đến lúc không nên suy nghĩ như thế, chúng ta một đảng lãnh đạo nhưng trong đó có rất nhiều thành viên ưu tú, có thể có nhiều người đảm nhiệm được chức vụ đó chứ không phải chỉ có một người.
Hiện nay nhiều đồng chí lãnh đạo đã đặt ra là có thể giới thiệu nhiều người cho một chức vụ mà bản thân tôi cũng rất ủng hộ việc này. Đó là, ứng cử vào một vị trí cụ thể nên có ít nhất là hai người.
Vấn đề này, TW Đảng, Bộ Chính trị và các cấp uỷ đảng hoàn toàn có đủ điều kiện để chọn ít nhất 2-3 người đủ khả năng để vào vị trí ấy. Tiến lên bước nữa là nên tạo điều kiện để cho những người này có thể vận động để tranh cử với chương trình hành động cụ thể khi thắng cử.
Cần có cơ chế khuyến khích để có người tự đứng ra ứng cử với để án, vận động tranh cử công khai. Điều này sẽ giúp ta nâng cao hơn nữa văn hoá bầu cử. Quốc hội khoá vừa rồi đã có người tự ra ứng cử và đã trúng cử.
Vừa qua, chúng ta có phê phán đến việc khi người đứng đầu làm sai ít ai dám dũng cảm đứng ra từ chức. Tôi có suy nghĩ thế này, lâu nay chúng ta chưa có ai xung phong ứng cử để làm bộ trưởng, thứ trưởng hay một chức vụ nào đó cả mà là do được đề cử nên sống chết phải cố mà làm. Còn nếu như đã xung phong mà không làm được thì họ mới có thể sẵn sàng từ chức như một biểu hiện của người có văn hoá.
Về công tác tổ chức, tôi nghĩ Đảng cần căn cứ vào tài đức thông qua hoạt động thực tiễn để giới thiệu 2-3 người ứng cử. Mà những người này đều đủ tiêu chuẩn, lựa chọn ai cũng xứng đáng.
Thông qua bầu cử để chọn người xứng đáng vào các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước chỉ là những bước đi đầu tiên quan trọng trong sự nghiệp chọn hiền tài xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bước đi tiếp theo cho sự nghiệp này đòi hỏi toàn Đảng toàn dân ta phải làm nhiều hơn nữa tạo mảnh đất tốt cho hiền tài cống hiến và phát triển.
Nhà báo Minh Tuấn (CTV của Dân trí ở Tokyo): Tập trung nhưng cần dân chủ
Việc “bầu tròn” có rất nhiều hạn chế vì khi bầu một chức vụ nào đó, thì chỉ có một ứng cử viên, không có hai ứng cử viên. Người bỏ phiếu chỉ có 1 cách duy nhất thực hiện quyền bầu cử của mình, là phải bầu cho vị ứng cử viên duy nhất đó, hoặc bỏ phiếu trắng.
Nếu gạch tên ứng cử viên đó đi thì phiếu bầu không hợp lệ. Với cách bầu tròn như vậy, nói chung vị ứng cử viên độc diễn kia hầu như chắc chắn trúng cử.
Ở ta, từ bầu chức Chủ tịch phường, Bí thư phường, đến cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố, rồi lên trung ương, các chức vụ cao nhất cũng chủ yếu là bầu tròn. Việc bầu tròn được giải thích là để bảo đảm sự thống nhất, tập trung. Nhưng ở nước ta có nguyên tắc “tập trung dân chủ”, nghĩa là vừa đảm bảo tập trung, vừa đảm bảo dân chủ. Thảo luận, bầu cử là dân chủ. Nhưng khi đa số quyết định, cử tri quyết định, thì phải phục tùng, thi hành.
Nếu nói rằng bầu tròn là để bảo đảm tính thống nhất, tập trung, thế thì không cần bầu nữa, xin cứ cử người ra lãnh đạo, tổ chức bầu làm gì cho tốn phí ngân quỹ nhà nước, mất thời gian của nhân dân, của đại biểu Quốc hội. Trong Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến phê phán tệ bầu tròn này, nhưng chưa thấy sửa được bao nhiêu.
Bản chất của bầu cử là phải ít nhất có 2 ứng cử viên, vì vậy việc giới thiệu các ứng cử viên cho các chức vụ cao nhất của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng nên giới thiệu ít nhất 2 ứng cử viên cho mỗi chức vụ, để Quốc hội bầu chọn. Ở các địa phương cũng vậy, bầu bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố, rồi cấp quận, huyện, phường, xã, cũng xin có ít nhất 2 ứng cử viên, để đảng viên và nhân dân có quyền lựa chọn.
Sơn Hưng ghi