Quốc tế hóa vấn đề biển Đông

(Dân trí) - Cùng với luồng ý kiến sục sôi phản ứng mạnh mẽ những hành vi sai trái của Trung Quốc, cũng xuất hiện nhiều nhận xét bày tỏ thấu hiểu những phức tạp trong vấn đề rất nhạy cảm liên quan tới biển Đông cùng các nỗ lực vì hòa bình của Việt Nam.

Quốc tế hóa vấn đề biển Đông - 1
Tàu Viking II vừa bị tàu Trung Quốc (phía xa) phá cáp ngày 9/6
(Ảnh: Năng lượng Mới)
 
Mở rộng diễn đàn

 

Nhu cầu quốc tế hóa vấn đề để  thu hút thêm ngày càng nhiều sự quan tâm của bạn bè thế giới, là một trong những nội dung được nhiều bạn đọc đề cập tới trong những bình luận mới nhất gửi tới Dân trí ngày 11/6.

 

Và với mỗi ý kiến, điều này được thể hiện tuy có khác nhau, nhưng đều chung mục đích nhấn mạnh mong muốn của mọi người dân Việt Nam là: luôn muốn duy trì hòa bình, ổn định, cùng phát triển…trong khu vực và trên thế giới, nhưng cũng rất cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

 

Phía TQ đã nói một đàng, làm một nẻo, đi ngược với những gì họ tuyên bố hoặc ký kết ngoại giao với các nước trong khu vực và thế giới. Những hành động trên của họ là hết sức ngang ngược và sẵn sàng bội tín với cả bạn bè khu vực và thế giới.

 

Theo tôi, VN đã đến lúc cần thận trọng hơn và kiên quyết hơn, không để TQ lấn lướt trên vùng biển chủ quyền của VN. Nếu cần thiết cũng nên sử dụng các biện pháp mạnh theo luật biển quốc tế” – Caomên:  caomen1978@gmail.com.

 

“Phương án khả thi nhất là đưa vụ việc lên Liên Hợp Quốc, đưa sự kiện lên tầm quốc tế, cả thế giới sẽ theo dõi. Khi đó TQ sẽ phải dè chừng vì e ngại phản ứng của các sức mạnh khác như Mỹ, Nga... tham gia vào.

 

Muốn vậy, theo tôi, VN nếu cần cũng phải bắt một vài tàu "dân sự" của họ (như Nhật Bản đã làm) thì mới thu hút được sự quan tâm lớn hơn của dư luận quốc tế” - Nguyễn Văn linh:  linh@yahoo.com.

 

Theo tôi, có lẽ chúng ta phải có hành động cụ thể như các nước trong khu vực mới được. Ví dụ như khi bị xâm phạm, các nước như Indonesia và Malaysia đã dùng các tàu và máy bay để truy đuổi...” - Son:  magictdh3@gmail.com.

 

TQ đang cần dựa vào nguồn nguyên nhiên liệu từ biển Đông. Vì vậy, chúng ta phải hết sức kiềm chế để cho họ không có cái cớ để tiến hành hoạt động quân sự. Bên cạnh đó chúng ta cần kiên quyết dùng những biện pháp đấu tranh chính trị mạnh mẽ và dứt khoát. Cần phát huy và kêu gọi tinh thần yêu nước của người Việt trong và ngoài nước, cùng chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Trường Sa và Hoàng Sa mãi mãi là của VN chúng ta!” – Nick Chung tay vì tổ quốc Việt Nam:  hoatulip_usd89@yahoo.com.

 

Theo tôi,  VN cũng cần có những biện pháp mạnh, tuy nhiên trước tiên vẫn  qua con đường luật pháp quốc tế. Nếu phía TQ vẫn còn tiếp diễn những hành động như vậy, thì mới cần sử dụng tới những biện pháp mạnh mẽ hơn như bắt giữ... Cương quyết không để họ lại lấn tới, cương quyết bảo vệ vùng biển của chúng ta!” -  Hoang Dung:  dungbanquanly@yahoo.com. 

 

“... VN cần quốc tế hóa vấn đề, muốn vậy cần không bỏ lỡ cơ hội để thực sự cho cả thế giới biết được những gì đang xảy ra.  Có vậy phía TQ mới không thể ngang nhiên nói một đường làm một ngả hay tố ngược để đánh lừa dư luận, đánh lừa thế giới hoặc bưng bít thông tin...

 

Tôi đang sống ở Mỹ, nhưng mấy tháng nay vẫn chẳng thấy có báo chí Mỹ nào nói về bất cứ chuyện gì đang xảy ra ở biển Đông. Theo tôi, có lẽ ít ra chúng ta cũng phải  bắt tàu đánh cá vi phạm đó của họ rồi xử lý như nước Nhật mới làm vừa qua.  Sau cách xử sự đó của Nhật thì cả thế giới đã biết được chuyện gì đã xảy ra và ai là chính nghĩa.  Trường hợp của Nhật ít thuyết phục hơn, vả lại nằm trong vùng tranh chấp (vấn đề lịch sử của Điếu Ngư) mà họ còn làm được. Huống chi là chuyện của chúng ta đang xảy ra ngay trong hải phận của mình... “ - Thanh:  thai_kansas@yahoo.com

 

Cái mà phía TQ muốn từ cảm xúc chúng ta là sự nóng nảy và mắc sai lầm >> Ai hiểu những hành động của nhà nước ta thì sẽ hiểu >> Bực lắm chứ, tức lắm chứ vì ai cũng là dân VN mà.
 
 Nhưng rất khó hành động, không phải ta e ngại tiềm lực quân sự của họ và cũng không sợ bất cứ yếu tố nào.  Nhưng hành động cần nhất bây giờ là sự cứng rắn dẻo dai. Vì sao nói vậy - vì chúng ta biết mục đích của TQ rồi, nên nếu ta lại đi theo "con đường mà TQ muốn vạch ra cho ta" đi vào thì coi như ta đã sai lầm. 

 

Và điều cuối cùng tôi muốn nhắn gửi là, mong mọi người dân VN hãy hãy vững tin vào từng bước đi của Đảng, Nhà nước và Chính phủ của chúng ta trong xử lý vấn đề này. Bản lĩnh chính trị của nhiều người trong chúng ta dù không qua trường lớp đào tạo nào, nhưng đều xuất phát từ dòng máu Việt đang chảy trong người chúng ta.

 

Hành động mềm dẻo nhưng cũng không quên tố chất "Tự lực tự cường", hãy cảm nhận và tin tưởng vào sức mạnh quy tụ lòng yêu nước trong mỗi con người VN!” - Nick  Hãy kiên nhẫn:  xuanlinh13@gmail.com.
 
Quốc tế hóa vấn đề biển Đông - 2
“Đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc đưa ra bị nhiều nước phản đối
(ảnh: Tiền Phong). 
 

Sức mạnh tổng hợp

 

Ý kiến của đa số bạn đọc cũng phù hợp với nhận định của giới chuyên môn được trích dẫn nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan tới hai chữ vô cùng “nóng bỏng” Biển Đông, đã và đang làm sôi sục bao diễn đàn trên cả nước ta cũng như trên báo chí nhiều nước. 

 

Báo Thanh Niên ngày 11/6 dẫn lời đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin Khoa học quân sự, Viện Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng) nhận định:

 

Điều khiến dư luận quốc tế bất ngờ nhất là việc họ không chỉ ráo riết phát triển lực lượng hải quân, xây dựng các căn cứ quân sự trong khu vực biển Đông, mà còn ngang nhiên xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Tất nhiên ngay một lúc TQ không thể thực hiện mưu đồ này mà phải leo thang từng bước. Những việc họ đang làm là nhằm tạo dư luận, biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp, áp đặt “đường lưỡi bò” phi lý…

 

Sau những sự kiện vừa qua, VN và ASEAN cần lên án mạnh mẽ các hành động và chủ trương của TQ. Chúng ta cần thiết có sự tuyên truyền rộng khắp trong và ngoài nước về vấn đề này, tận dụng và khai thác các diễn đàn quốc tế để làm cho dư luận quốc tế hiểu được mưu đồ độc chiếm biển Đông của TQ.

 

Báo này đồng thời cũng dẫn nhận định của GS-TS Vladimir N.Kolotov, Trưởng khoa Lịch sử Viễn Đông - ĐHQG St.Petersburg (Nga) nêu rõ:

 

Việc biển Đông gia tăng căng thẳng gần đây hoàn toàn không đem lại lợi ích nào cho các quốc gia trong khu vực và cho chính TQ - tác nhân chính gây ra tình hình này. Việc TQ tiếp tục gây sức ép đối với VN, Philippines và một số các nước láng giềng khác là đang phá hoại ổn định, an ninh cho khu vực…

 

Điều mà ai cũng thấy rõ đó là mưu đồ kiểm soát toàn bộ biển Đông của TQ và những chuyện xảy ra vừa qua chỉ là khởi đầu cho việc này mà thôi. Tuy nhiên cần thấy rằng việc TQ chèn ép các quốc gia ASEAN nói chung và VN nói riêng tất yếu sẽ dẫn đến việc hình thành các liên minh hợp tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau và giữa ASEAN với các bên thứ ba như Hoa Kỳ, Nga... và điều này sẽ chỉ càng bất lợi cho TQ mà thôi…

 

Trước mắt có thể Hoa Kỳ sẽ không can dự trực tiếp vào biển Đông, nhưng nếu tình hình an ninh trở nên bất ổn thì đó sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đến liên minh của Hoa Kỳ với Hàn Quốc, Nhật Bản và con đường vận tải huyết mạch qua biển Đông. Mưu đồ của TQ đã rất rõ ràng đó là kiểm soát tài nguyên ở biển Đông và kiểm soát tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới này…

 

Báo Tuổi Trẻ cùng ngày dẫn các nguồn báo chí nước ngoài đề cập tới vấn đề này như:  cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown cho rằng việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines trên biển Đông là hành vi “thô bạo chưa từng thấy” (Asia Times). Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile mô tả Trung Quốc là “kẻ bắt nạt” trong khu vực (Philippines Daily Inquirer). Chuyên gia an ninh Andi Widjajanto thuộc ĐH Indonesia nhận định việc tàu Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam và Philippines cho thấy Trung Quốc có ý đồ hành động đơn phương dù luôn lớn tiếng khẳng định muốn theo đuổi đàm phán hòa bình (Jakarta Post)…

 

Báo này cũng trích phát biểu trước Quốc hội Mỹ của Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta, người sắp trở thành bộ trưởng quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh: Mỹ cần giám sát chặt chẽ việc mở rộng quân sự của Trung Quốc. Cùng nhận định của giáo sư Carl Thayer, thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, chuyên gia về Việt Nam, cũng cho rằng: Việt Nam cần đưa vấn đề biển Đông ra các hội nghị quốc tế với sự tham dự của ASEAN.

 

Khánh Tùng