Quảng Nam: Tiểu thương “chê” chợ mới vì sợ buôn bán ế ẩm

(Dân trí) - Hơn hai tháng qua, 130 tiểu thương ở chợ Đại Hiệp (Đại Lộc, Quảng Nam) gửi đơn khắp nơi khiếu nại chính quyền xã cho xây dựng chợ mới để lấy đất chợ cũ giao cho tư nhân phân lô bán. Bên cạnh đó, tiểu thương sợ vào chợ mới sẽ buôn bán ế ẩm.

Tiểu thương Phạm Thị Nguyệt, đại diện cho các tiểu thương ở đây phản ảnh: Chúng tôi là tiểu thương mấy chục năm nay buôn bán và sống nhờ cái chợ này; tuy nhiên vào thời điểm tháng 7/2014, UBND xã Đại Hiệp chủ trương xây dựng chợ mới thiết kế không có mặt tiền. Toàn bộ phía trước sân chợ đã phân lô bán nền nhà ở, chỉ còn một lối nhỏ đi vào chợ, chợ quá sâu bên trong khiến việc buôn bán khó khăn...

Quảng Nam: Tiểu thương “chê” chợ mới vì sợ buôn bán ế ẩm
Khu chợ cũ nằm sát tỉnh lộ 609B hiện đã xuống cấp, xập xệ, việc buôn bán trông rất nhếch nhác và mất an toàn giao thông

Theo các tiểu thương, những bất hợp lý của chợ mới như sau: Quá xa mặt đường tỉnh lộ 609B. Chợ không đáp ứng được tầm nhìn của dân, mặt tiền bị nhà ở che khuất, làm mất đi mặt tiền chợ truyền thống. Môi trường không đảm bảo, gần nhà dân nên gây ô nhiễm môi trường. Mô hình chợ tư nhân chưa phổ biến ở địa phương.

Các tiểu thương cũng phản ảnh chủ đầu tư đòi số tiền đặt cọc quá cao, mỗi tiểu thương khi vào chợ mới phải đóng 10 triệu đồng để giữ chỗ... Đặc biệt, họ không đồng ý chủ trương thu hồi diện tích đất tại địa điểm chợ cũ để giao cho tư nhân xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ và phân lô bán.

Ngoài ra, nếu giao chợ mới cho tư nhân thì sẽ thu phí cao, tiểu thương sẽ đóng nhiều khoản phí. Cách làm của chủ đầu tư cũng như địa phương mang tính áp đặt, không trên cơ sở tự nguyện của tiểu thương và nhân dân địa phương. Chợ xây dựng thiếu kỹ thuật, thiết kế không hợp lý...

Trên những cơ sở đó, tiểu thương đề nghị UBND xã Đại Hiệp đứng ra cùng với nhân dân trong xã nâng cấp chợ cũ trên cơ sở lợi ích của nhân dân, vì lợi ích chung của cộng đồng...

Trao đổi với PV Dân trí về những phản ảnh của tiểu thương, ông Nguyễn Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp - cho biết, sau khi nhận được đơn phản ảnh của các tiểu thương, xã đã mời đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đại Phúc Gia (địa chỉ tại phường 6, quận Tân Bình, TPHCM) và các tiểu thương để họp bàn cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắt này.

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp cho biết: Tháng 6/2013, UBND huyện Đại Lộc có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc xin chủ trương đầu tư khu thương mại dịch vụ chợ Đại Hiệp. Sau khi có tờ trình của UBND huyện Đại Lộc và các sở ngành liên quan; UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương và có quyết định phê duyệt giao cho Công ty Đại Phúc Gia làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 55 tỷ đồng, trên diện tích 6.65,0m2. Dự án gồm các hạng mục như: Chợ, phố thương mại, trung tâm thương mại dịch vụ… 

Quảng Nam: Tiểu thương “chê” chợ mới vì sợ buôn bán ế ẩm
Khu chợ mới Đại Hiệp đã hoàn thành, dự kiến lãnh đạo xã sẽ di chuyển tiểu thương vào buôn bán trong thời gian đến.

Theo ông Đông, hiện chợ cũ Đại Hiệp đã xuống cấp nghiêm trọng, lại nằm gần ngay cạnh tỉnh lộ 609B nên mỗi lần họp chợ thì bà con tiểu thương lấn hết ra đường để buôn bán. Điều này gây ảnh hưởng đến giao thông cho cả tuyến đường, cũng như an toàn tính mạng của người dân và tiểu thương. Việc xây dựng chợ mới lùi vào trong một chút nhưng rộng rãi hơn, thoáng hơn sẽ thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán ổn định và lâu dài cho bà con.

“Việc đưa chợ vào trong là theo quy hoạch “nông thôn mới” và chiến dịch phát triển thương mại dịch vụ của địa phương trong 10 đến 20 năm đến và tầm nhìn trong 30 năm nhằm phát triển khu trung tâm thương mại dịch vụ Đại Hiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Đây là một công trình điểm nhấn của địa phương”, ông Đông nói.

Ông Đông cũng khẳng định, việc các tiểu thương phản ảnh chủ đầu tư xây dựng các ki-ốt trong chợ quá nhỏ và lối đi hẹp là đúng. Do đó, sau khi tiếp thu ý kiến của tiểu thương, xã đã làm việc với đơn vị thi công và chủ đầu tư; sau đó đơn vị đã điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu và nguyện vọng của tiểu thương.

Còn việc tiểu thương phản ảnh là chuyển chợ mới vào trong sâu, nhường vị trí đất mặt tiền đường tỉnh lộ 609B cho tư nhân đầu tư trung tâm thương mại và phân lô bán đất; theo ông Đông là không hợp lý vì đây là dự án lớn, được các cấp ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam phê duyệt chứ xã không có quyền giao đất cho doanh nghiệp bán.

Theo lãnh đạo xã Đại Hiệp, dự án khu thương mại dịch vụ Đại Hiệp chia thành hai giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 chủ đầu tư xây dựng chợ Đại Hiệp với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Sau khi xây dựng xong đưa người dân chợ cũ vào buôn bán rồi mới tiếp tục đầu tư gian đoạn 2 gồm trung tâm thương mại, phố dịch vụ….

Đối với việc tiểu thương muốn vào chợ mới Đại Hiệp buôn bán phải nộp cho chủ đầu tư 10 triệu đồng tiền cọc là quá cao, chưa kể các chi phí khác. Về việc này, sau khi nghe tiểu thương phản ảnh, lãnh đạo xã đã chỉ đạo không thu, nếu lỡ thu thì trả lại cho tiểu thương. “Khi vào chợ mới, xã cam kết sẽ đảm bảo quyền lợi cho tiểu thương. Bà con sẽ được miễn phí một số tháng hoặc giảm một phần thuế trong vài tháng đầu”, ông Đông cám kết.

Dự kiến trong tháng 11-12 này, việc di dời tiểu thương vào chợ mới sẽ được triển khai. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với PV Dân trí, hầu hết các tiểu thương đều không đồng ý và không muốn di dời vào. Tiểu thương cho rằng đây là chợ “nhà quê”, mỗi buổi chợ có người mang mớ rau, con cá hái được trong vườn ao nhà ra bán ven đương tỉnh lộ 609B nên việc “ép” họ vào chợ mới là điều không thể. Còn các tiểu thương khác có sạp, ki-ốt buôn bán trong chợ cũ thì lo rằng việc mua bán ở chợ mới sẽ ế ẩm vì chợ mới nằm sâu bên trong, không thuận tiện trong việc giao thương.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm