Quan tâm giáo dục con cái cũng cần có phương pháp
Tôi rất đồng tình với bài viết trước đây trên Diễn đàn là không nên khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường. Nhưng quan tâm giáo dục con cái như thế nào cho có hiệu quả thì đấy là điều đáng bàn thêm.
Trước hết xin khẳng định: cha mẹ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của con em mình.
Ngay từ khi lọt lòng cho đến khi các em trưởng thành, có thể tự lập, tự tham gia vào các quan hệ xã hội, có nghề nghiệp... thì thời gian chủ yếu các em sống trong gia đình với sự dạy dỗ của cha mẹ, ông bà.
Bất luận thế nào thì nề nếp gia đình, lối sống và đạo đức của mỗi người trong gia đình đều là môi trường giáo dục, có ảnh hưởng to lớn tới quá trình phát triển nhân cách của con em.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Rõ ràng “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất di tồn ”nhưng lúc này, vai trò của cha mẹ không hẳn vì thế mà mất đi hay bị giảm sút, trái lại phải hiểu “ở nhà mẹ cũng là cô giáo”;
Theo đó, sau khi trên lớp ở cấp tiểu học về, cha mẹ cần xem lại bài học của con, xem trước những nội dung thầy cô dặn về nhà làm, giúp các em ôn luyện với những phương cách phù hợp, tuyệt đối không dùng quyền lực để bắt ép các em phải tuân theo cách dạy và cách học do mình hướng dẫn, bởi suy cho cùng ta dạy con lúc này chỉ bằng kinh nghiệm chứ đâu có qua trường lớp sư phạm nào, trong khi nội dung và phương pháp giảng giải đôi khi đã khác với thời ta học rất nhiều.
Vai trò của bố mẹ lúc này là rèn các em học tập một cách nghiêm túc, cần có “động tác giám sát” với những em không tự giác, tuy nhiên có nhiều trường hợp các em học tập quá khuya, cha mẹ lại phải lựa lời nhắc nhẹ con đi ngủ, tuyệt nhiên cũng không dùng “quyền uy” bắt các em không được học nữa, như thế sẽ gây ra tâm lý không tốt, thậm chí phản tác dụng.
Điều tra xã hội học cho thấy, một hiện tượng phổ biến trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay là nhiều bậc cha mẹ quá mải lo làm ăn kinh tế, tuyệt đối hóa vai trò đồng tiền, của những thứ đồ xa xỉ khác, họ đã không hiểu là của cải thực sự mà họ cần cùng với những thứ vật chất kia phải là sự trưởng thành của con cái, chính con cái họ mới là “của để dành”.
Cũng vì vậy mà không đoái hoài gì đến con cái, không cần quan tâm đến “quyền cần bố mẹ” của con cái.
Hoặc có gia đình lại quan tâm theo kiểu mua sắm thật nhiều tiện nghi những mong con mình đỡ khổ hơn, có “điều kiện” hơn cho việc học hành so với bạn bè, nhưng vì thiếu định hướng của bố mẹ, thiếu sự quản lý của người lớn, mà vô hình trung những tiện nghi ấy lại trở thành phương tiện để các em hư hỏng.
Ví dụ như việc cho tiền con cái mà không quản lý được chi tiêu; trang bị điện thoại, xe máy, thậm chí cả máy tính, rồi nối mạng internet cho các em quá sớm mà xét trên thực tế chưa cần thiết...
Sự chiều chuộng thái quá rất dễ làm hư hỏng con trẻ, như nghiện game, thậm chí bị nghiện hút, chơi bời trác táng, gây ra hàng loạt vụ bạo lực học đường…
Nhiều ý kiến cho rằng để các em hư hỏng, trách nhiệm thuộc về nhà trường mà trước tiên là thầy cô chủ nhiệm.
Có người “bức xúc” đi bắt đền, thậm chí đâm đơn kiện thầy cô, nhà trường, song họ không thấy một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hư hỏng của các em là do các bậc làm cha, làm mẹ không nhận thức đúng vai trò của mình.
Với đặc điểm tâm lý của lứa tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách, nhạy cảm, ham hiểu biết, dễ tiếp thu cái mới lạ nhưng mặt khác các em thiếu sự chín chắn, chưa có khả năng tự sàng lọc những cái xấu.
Hơn nữa các em đang sống trong điều kiện xã hội mà ở đó mặt trái của nền kinh tế thị trường đang từng ngày, từng giờ tác động đến tâm tư, tình cảm và nhân cách của các em...
Để các em tránh được những vấp ngã nêu trên, có điều kiện phát triển toàn diện và lành mạnh, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội tại cơ sở cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền cho các bậc làm cha, làm mẹ hiểu được trách nhiệm của mình đối với con cái, luôn quan tâm giúp đờ các em sinh hoạt có nền nếp, thu xếp có thời gian học tập và giải trí.
Cần nghiêm khắc với những khuyết điểm của con nhưng cũng phải biết khoan dung, độ lượng, biết khuyến khích những tiến bộ của con.
Và điều quan trọng là biết chủ động tranh thủ sự phối hợp chặt chẽ với thầy cô và nhà trường trong việc quản lý giáo dục các em, nhất là những em có “cá tính” đặc biệt, lại sống gần môi trường phức tạp...
Chỉ có như thế gia đình mới có con ngoan, nhà trường mới có trò giỏi, xã hội mới có những lớp người kế tục sự nghiệp của ông cha một cách xứng đáng.
Bùi Văn Mạnh
Đường 22/12, Nguyễn Trãi 2 Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương
LTS Dân trí - Thiếu quan tâm đến con cái, nhất là “khoán trắng” cho nhà trường, là một sai lầm nghiêm trọng dễ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc mà chính những người làm cha làm mẹ phải gánh chịu, nhưng nếu quan tâm đến con cái một cách thái quá và không đúng phương pháp, thiếu hiểu biết tâm lý và hay áp đặt “quyền uy” đối với con trẻ thì cũng không đem lại hiệu quả mong muốn.
Tác giả bài viết trên đây trao đổi nhiều kinh nghiệm thiết thực đối với những người làm cha làm mẹ để biết cách quan tâm và giáo dục con cái cũng như biết chủ động phối hợp với thầy cô giáo và nhà trường để giúp đỡ con mình tiến bộ và từng bước trưởng thành, trở thành con ngoan, trò giỏi và người công dân tốt trong tương lai.