Hà Nội:

Quận Hoàn Kiếm xử lý vi phạm kiểu “đầu voi đuôi chuột”

(Dân trí) - Mất 5 năm, UBND quận Hoàn Kiếm mới ra được quyết định cưỡng chế các hạng mục sai phạm tồn tại hiên ngang ở nhà số 18 phố Ngô Quyền, nhưng cách xử lý vi phạm của quận Hoàn Kiếm lại khiến công dân bức xúc vì kiểu “đầu voi đuôi chuột”.

Liên quan đến việc xử lý sai phạm tồn tại kéo dài ở nhà số 18 phố Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Tại thông báo số 68/TB-UBND ngày 17/3/2010, UBND TP. Hà Nội yêu cầu xử lý 17 hạng mục vi phạm pháp luật, gồm 15 hạng mục về vi phạm trật tự xây dựng, 2 hạng mục kinh doanh trái phép.

15 hạng mục vi phạm trật tự xây dựng bị đề nghị xử lý bao gồm: Dỡ bỏ trần bê tông đúc sẵn thay thế bằng trần vôi rơm; Khôi phục lại nguyên trạng cửa thông ra phố Ngô Quyền; Khôi phục lại tay vịn cầu thang; Dỡ bỏ lồng sắt ở bếp phía sau nhà; Xây bịt lối lên tầng áp mái; Xây bịt cửa sổ, đồng thời là cửa thoát hiểm nhìn ra phố Tràng Tiền; Dỡ bỏ cửa chặn hành lang chung; Lợp mái chiếm sân thượng làm phòng riêng; Chiếm toàn bộ 14 m2 diện tích chung tầng một làm kho để hàng; Chiếm 10m2 chiếu nghỉ cầu thang tầng 2 làm kho; Chiếm toàn bộ sân phơi chung làm bếp nhà hàng; Rào chắn chiếm 50 m2 ban công chung; Cơi nới lợp mái bếp khiến nhà hàng xóm không mở được cửa sổ; Lợp trần, mái che ngang cửa sổ làm nước mưa tràn vào nhà hàng xóm; Xây tầng 3 không phép.
Nhiều hạng mục vi phạm nhà 18 phố Ngô Quyền vẫn thách thức công luận
Nhiều hạng mục vi phạm nhà 18 phố Ngô Quyền vẫn thách thức công luận

Thông báo số 68/TB-UBND ban hành từ ngày 17/3/2010, nhưng đến ngày 9/11/2012, những sai phạm kéo dài tại nhà số 18 phố Ngô Quyền mới được xử lý. Tuy nhiên, quận Hoàn Kiếm và phường Tràng Tiền lại để cho bà Vũ Thị Hồng (người vi phạm) chỉ tháo dỡ 6/15 hạng mục vi phạm. Trong đó, chỉ duy nhất hạng mục rào chắn ban công chung được bà Hồng dỡ bỏ đúng theo đúng chỉ đạo.

Trong đơn khiếu nại gửi đến báo Dân trí, ông Trịnh Tuấn Tòng cho rằng 5/6 hạng mục mà nhà bà Hồng tự tháo dỡ đều thực hiện kiểu “đánh bùn sang ao”, đi ngược với ý kiến chỉ đạo của TP. Hà Nội và quyết định cưỡng chế mà UBND quận Hoàn Kiếm ban hành.

Cụ thể, về yêu cầu phá dỡ cửa chặn hành lang chung, bà Hồng chỉ nhấc 2 cánh cửa ra, còn khung cửa, bản lề vẫn còn nguyên. Về yêu cầu xây bức tường ngăn nguyên trạng, bà Hồng chỉ cho xây cách trần 1,2m. Tại Thông báo số 68/TB-UBND, Thành phố yêu cầu khôi phục cửa sổ đồng thời là cửa thoát hiểm ra phố Tràng Tiền, nhưng quận và phường lại “bỏ quên” nên bà Hồng không thực hiện.

Đối với nội dung “khôi phục tay vịn cầu thang như nguyên trạng”, hộ dân vi phạm cho dựng một ống nước cao 80cm và bẻ cong một đoạn 20cm cắm ở đầu cầu thang tầng 1. TP. Hà Nội yêu cầu bịt lỗ lên thăm trần, nhưng quận và phường lại đồng ý để bà Hồng mở lỗ lên thăm trần ở một vị trí khác.
 
Kế hoạch cưỡng chế được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt rất hoành tráng
Kế hoạch cưỡng chế được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt rất hoành tráng
Kế hoạch cưỡng chế được UBND quận Hoàn Kiếm phê duyệt rất "hoành tráng"
nhưng sai phạm thì vẫn tồn tại

Theo kế hoạch cưỡng chế số 60/KH-UBND ngày 22/10/2012 do Chủ tịch phường Tràng Tiền, Đặng Đình Bằng ký nêu rõ: Phường Tràng Tiền đã thuê CPPT công nghệ xây dựng Chúc Bình Phương áp dụng công nghệ cao, thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ trần bê tông đảm bảo an toàn. Kế hoạch này đã được Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Nguyễn Quốc Hoa ký phê duyệt vào ngày 22/10/2012. Tuy nhiên, khi bà Hồng tự tháo dỡ lại sử dụng phương pháp hạ cốt trần vôi rơm cũ xuống, làm dầm sắt kê vào bức tường sắp đổ về phía đường Tràng Tiền, thay thế lớp cát sỏi, bê tông, gạch lát bằng gỗ ván sàn chứ không thực hiện yêu cầu phá các dầm sắt để thay thế bằng trần vôi rơm theo quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm. Theo phản ánh của ông Trịnh Tuấn Tòng, khi các hộ dân thắc mắc tại sao không phá các dầm sắt, thì được UBND phường Tràng Tiền trả lời quận Hoàn Kiếm đã đồng ý với phương án này.

Trong đơn khiếu nại gửi đến báo Dân trí, ông Trịnh Tuấn Tòng và các hộ dân sinh sống ở nhà số 18 Ngô Quyền khẩn thiết đề nghị UBND TP. Hà Nội, các cơ quan chức năng thành phố đưa ra biện pháp xử lý nghiêm những hạng mục sai phạm chưa tháo dỡ. Ông Tòng đề nghị cơ quan chức năng sớm tháo dỡ dầm sắt, trần bê tông để thay bằng trần vôi rơm vì tường nhà hộ dân sống dưới tầng 2 đã quá tải và có thể sập bất cứ lúc nào; Cắt bỏ lồng sắt sau bếp để trả lại toàn bộ sân phơi chung; Trả lại diện tích lối đi chung cầu tháng bị chiếm dụng từ nhiều năm nay.

Bức xúc trước cách xử lý thiếu thiếu phục của phường Tràng Tiền và quận Hoàn Kiếm, ngày 15/11/2012, ông Trịnh Tuấn Tòng tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Thành ủy, UBND TP. Hà Nội để nghị giải quyết dứt điểm sai phạm ở nhà số 18 phố Ngô Quyền.
 
Phần diện tích lối đi chung bị chiếm dụng làm kho hàng
Phần diện tích lối đi chung bị chiếm dụng làm kho hàng

Như Dân trí đã phản ánh, vụ tranh chấp ở nhà số 18 phố Ngô Quyền đã kéo dài suốt 5 năm qua, từ năm 2009 đến nay, Thanh tra TP. Hà Nội và UBND TP. Hà Nội đã ký hàng loạt kết luận và văn bản chỉ đạo xử lý sai phạm tồn tại kéo dài ở số 18 phố Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, nhưng vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngày 15/9/2009, kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội số 1749/KL-TTTP (P2) nêu rõ: Trong quá trình thi công xây dựng, hộ bà Vũ Thị Hồng đã thi công không phép và không đúng giấy phép của UBND quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra còn vi phạm nhiều hạng mục khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân ở cùng số nhà.

Đến ngày 17/3/2010, UBND TP. Hà Nội ra Thông báo số 68/TB-UBND yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm phải xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, kinh doanh ăn uống trái phép mất vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh rượu bia, thuốc lá tại vỉa hè, có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại 18 Ngô Quyền.

Ngày 15/12/2010, UBND TP. Hà Nội có công văn số 10219 do Phó Chủ tịch Thường trực Phí Thái Bình ký gửi UBND quận Hoàn Kiếm nêu rõ: Việc UBND quận Hoàn Kiếm quyết định tạm thời cho tồn tại sử dụng trần bê tông trên tầng 2 nhà 18 Ngô Quyền là chưa xử lý dứt điểm sự việc theo thẩm quyền. UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết dứt điểm sự tồn tại về mặt pháp lý của hạng mục công trình nêu trên.

Ngày 6/1/2012, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 104/UBND-BTCD Yêu cầu: UBND quận Hoàn Kiếm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, tập trung giải quyết dứt điểm những hạng mục xây dựng sai phép, không phép đối với hộ bà Vũ Thị Hồng theo kết luận, chỉ đạo của UBND Thành phố tại Thông báo số 68/TB-UBND ngày 17/3/2010; báo cáo đồng chí Bí thư Thành ủy và UBND Thành phố kết quả thực hiện trước ngày 25/2/2012.

Ngày 16/7/2012, UBND quận Hoàn Kiếm ra thông báo số 125/TB-UBND về việc thực hiện triệt để thông báo số 68/TB-UBND của UBND TP. Hà Nội và Quyết định 4382/QĐ-CTUBND của Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về xử lý vi phạm trật tự tại số 18 phố Ngô Quyền.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương