Vụ khiếu nại tại 24 Nguyễn Thiệp (Hà Nội):

Quận Ba Đình giải quyết kiểu “đánh bùn sang ao”

(Dân trí) - Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 7/11/2012, Phòng TNMT quận Ba Đình mới tiếp xúc với ông Nguyễn Đình Tuân để giải quyết khiếu nại về việc cấp sổ đỏ nhà số 24 phố Nguyễn Thiệp cho ông Phạm Nam, nhưng những khuất tất công dân tố cáo vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Liên quan đến đơn kiếu nại quy trình cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) bất bình thường cho số nhà 24 phố Nguyễn Thiệp do ông Nguyễn Đình Tuân gửi đến UBND TP. Hà Nội, tháng 8/2012, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Phạm Chí Công đã ký công văn số 6501/UBND - BTCD gửi Chủ tịch quận Ba Đình đề nghị thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội được thể hiện trong công văn số 8099/UBND - BTCD ngày 23/9/2011, về việc xử lý dứt điểm khiếu nại của ông Nguyễn Đình Tuân, tạm trú tại 30A đường Nước Phần Lan, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho nhà số 24 Nguyễn Thiệp có tranh chấp từ năm 1993. TP. Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình có văn bản trả lời công dân, báo cáo kết quả giải quyết trong tháng 8/2012.

Gần 3 tháng sau khi UBND TP. Hà Nội yêu cầu giải quyết vụ khiếu nại, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TMNT) quận Ba Đình mới tổ chức tiếp xúc với người có đơn khiếu nại tố cáo được TP. Hà Nội có ý kiến chỉ đạo. Tuy nhiên, cách giải thích do Trưởng phòng TNMT Vũ Văn Dụ đưa ra trong buổi làm việc ngày 7/11/2012 lại gây bức xúc với công dân, đặc biệt là dấu hiệu mập mờ xung quang quy trình cấp sổ đỏ nhà số 24 phố Nguyễn Thiệp cho ông Phạm Nam thuộc trách nhiệm của Phòng TNMT.
 
Ông Nguyễn Đình Tuân tố quận Ba Đình cố tình bao che cho sai phạm
Ông Nguyễn Đình Tuân "tố" quận Ba Đình cố tình bao che cho sai phạm

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng TNMT quận Ba Đình khẳng định quá trình duyệt cấp sổ đỏ nhà số 24 Nguyễn Thiệp cho ông Phạm Nam được thực hiện đúng quy trình từ UBND phường Nguyễn Trung Trực, dù ông Nguyễn Đình Tuân đã đưa ra nhiều chứng cứ pháp lý chứng minh khu đất được cấp sổ đỏ xảy ra tranh chấp từ năm 1995 chưa được giải quyết.

Bức xúc trước cách giải quyết khiếu nại theo kiểu đùn đẩy trách nhiệm do Phòng TNMT quận Ba Đình đưa ra, ngày 26/12/2012, ông Nguyễn Đình Tuân tiếp tục làm đơn tố cáo gửi lãnh đạo TP. Hà Nội và báo Dân trí tố cáo dấu hiệu bao che cho sai phạm của quận Ba Đình đối với việc cấp sổ đỏ cho nhà số 24 Nguyễn Thiệp mà ông đã gửi đi hàng chục lá đơn khiếu nại tố cáo.

Trong đơn tố cáo gửi đến báo Dân trí, ông Nguyễn Đình Tuân đề nghị TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng làm rõ những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho nhà số 24 Nguyễn Thiệp: Việc quận Ba Đình tiến hành cấp sổ đỏ nhà số 24 Nguyễn Thiệp với diện tích 59m2 cho ông Phạm Nam có thể coi là đúng quy định pháp luật, khi vào 1995, Sở nhà đất thành phố đã làm thủ tục phân chia di sản thừa kế đất và nhà cho các thành viên gia đình ông Nguyễn Đình Tuân? Ngôi nhà 24 Nguyễn Thiệp đã nhiều lần xảy ra tranh chấp trong các năm 1993 - 1995, 2006 - 2007, 2010, vì sao Phòng TNMT vẫn xét duyệt hồ sơ xin cấp sổ đỏ của ông Phạm Nam do phường Nguyễn Trung Trực chuyển lên?
 
Đơn tố cáo ông Tuân gửi đến báo Dân trí ngày 26/12/2012
Đơn tố cáo ông Tuân gửi đến báo Dân trí ngày 26/12/2012

Như thông tin đã đưa, ông Nguyễn Đình Tuân, tạm trú tại 30A đường Nước Phần Lan, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ gửi đơn đến báo Dân trí phản ánh: UBND phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình xét duyệt sai quy trình, trái pháp luật đơn xin cấp sổ đỏ cho ông Phạm Nam tại 24 phố Nguyễn Thiệp, gây thiệt hại quyền lợi các thành viên trong gia đình.

Đơn của ông Tuân nêu rõ, thửa đất mang 3 số nhà 24, 26, 28 trên phố Nguyễn Thiệp, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình có nguồn gốc sở hữu của cụ Nguyễn Đình Minh và vợ Nguyễn Thị Thảo (bố mẹ ông Nguyễn Đình Tuân) đã sinh sống nhiều đời. Khi còn sống, ông bà Minh - Thảo, cùng các con: Nguyễn Đình Lộc, Nguyễn Thị Tài, Nguyễn Đình Ngân, Nguyễn Đình Tuân đều sinh sống tại đây.

Năm 1972, cụ Nguyễn Thị Thảo nhận bà Dương Thị Phương (tức Sự), Giám đốc Công ty Rau hoa quả làm cháu nuôi. Đồng thời cho phép bà Phương được làm nhà ở trên diện tích 30m2. Do không biết chữ, cụ Thảo nhờ con trai cả Nguyễn Đình Lộc viết giấy cam đoan, đồng ý cho bà Dương Thị Phương làm nhà trên diện tích 30 m2. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng bà Phương và chồng là Phạm Nam tự ý xây nhà lấn chiếm ngoài diện tích được cho làm nhà thêm 29m2, nâng tổng số diện tích sở hữu lên 59m2.

Ngày 19/8/1993, báo Hà Nội Mới đăng danh sách những người mua bán nhà được xem xét hợp pháp hóa. Trong danh sách này có tên ông Phạm Nam, với phần diện tích xin hợp thức hóa là 30m2. Sau khi danh sách được công bố, gia đình ông Nguyễn Đình Tuân đã làm đơn kiến nghị dừng xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ với lý do gia đình ông Phạm Nam đang lấn chiếm 29m2 đất của gia đình. Muốn hợp pháp hóa phần đất 30m2 theo giấy cam đoan cụ Nguyễn Thị Thảo cho năm 1972, ông Phạm Nam phải trả lại 29m2 lấn chiếm.

Tháng 10/1994, Sở Nhà đất TP. Hà Nội triệu tập tại trụ sở UBND phường Nguyễn Trung Trực giải quyết tranh chấp tại số nhà 24-26-28 phố Nguyễn Thiệp. Tại buổi làm việc, ông Phạm Nam khẳng định toàn bộ 59 m2 gia đình ông đang sử dụng được cụ Thảo viết giấy chuyển nhượng. Ông Nam có đưa ra 2 giấy phô tô gồm: Giấy cam đoan ngày 28/3/1972; Giấy cam kết ký ngày 5/4/1972. Tuy nhiên, khi gia đình ông Nguyễn Đình Tuân yêu cầu ông Nam xuất trình bản gốc hai tờ giấy cam kết có chữ ký của cụ Nguyễn Thị Thảo thì ông Nam không có.

Vì những lý do này, Sở Nhà đất TP. Hà Nội đã đình chỉ việc xem xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Phạm Nam tại 24 phố Nguyễn Thiệp vì nhà đang có tranh chấp.

Tuy nhiên, sau khi cụ Thảo và người con cả Nguyễn Đình Lộc qua đời, năm 2010, ông Phạm Nam tiếp tục nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ lên UBND phường Nguyễn Trung Trực. Theo xác nhận của phường Nguyễn Trung Trực, ông Nam nộp 2 giấy cam kết gốc viết tay ngày 28/3/1972, giấy cam kết viết ngày ngày 5/4/1972 và khẳng định toàn bộ 59m2 mà ông đang sử dụng đều là của gia đình.

Tại Biên bản cuộc họp ngày 5/10/1994, có nêu cụ Nguyễn Thị Thảo không biết chữ, mọi giấy tờ liên quan đều do các con của cụ thực hiện, nhưng trong bản cam kết ký ngày 5/4/1972 ông Nam xuất trình lại do cụ Thảo trực tiếp viết và ký tên. Trong danh sách xin cấp sổ đỏ năm 1993, ông Phạm Nam chỉ xin hợp pháp hóa 30m2, tương ứng phần diện tích cụ thảo cam kết cho bà Phương (vợ ông Nam) xây nhà ký ngày 28/3/1972. Tuy nhiên, trong đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2010, ông Phạm Nam lại xin cấp sổ đỏ với tổng diện tích 59m2, bao gồm cả diện tích bị gia đình ông Nguyễn Đình Tuân tố cáo lấn chiếm.

Gia đình ông Nguyễn Đình Tuân đã gửi đơn khiếu nại lên UBND phường Nguyễn Trung trực đề nghị không xem xét đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nam vì 2 lý do trên. Tuy nhiên, bà Phùng Thị Hòa, nguyên Chủ tịch UBND phường đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Xét duyệt vẫn phê duyệt đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Phạm Nam, trong đó có nội dung khẳng định “hiện không có tranh chấp khiếu kiện”, mặc dù UBND phường biết rõ khu đất đang xảy ra tranh chấp từ năm 1993.

Ngày 16/5/2012, ông Đỗ Viết Bình khi đó còn là Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình ký văn bản số 557/UBND-TTr gửi ông Nguyễn Đình Tuân trả lời đơn khiếu nại liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho ông Phạm Nam, cùng những dấu hiệu bao che của lãnh đạo UBND phường Nguyễn Trung Trực đối với hành vi chiếm đoạt đất đai của ông Nam. Đón nhận văn bản trả lời của UBND quận Ba Đình, gia đình ông Nguyễn Đình Tuân tỏ ra rất bất bình bởi toàn bộ nội dung trả lời chỉ dựa trên những thông tin phường Nguyễn Trung Trực báo cáo lên trong văn bản số 115/UBND.

Mặt khác, ngay trong nội dung văn bản số 115/UBND ngày 15/8/2011 của UBND phường Nguyễn Trung Trực gửi lên UBND quận Ba Đình cũng có nhiều dấu hiệu bất thường. Biên bản cuộc họp Hội đồng xét duyệt xem xét lại quy trình xét duyệt đơn cấp sổ đỏ diễn ra ngày 8/8/2011 và 11/8/2011 không ghi rõ ai chủ trì? Ai chịu trách nhiệm? Cuộc họp đề thành phần tham dự là 9, nhưng chỉ có 6 người ký (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng Công an phường không ký biên bản).

Trong lúc UBND quận Ba Đình chưa có lời giải thích về những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho nhà số 24 Nguyễn Thiệp, ông Nguyễn Đình Tuân khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội có biện pháp ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà số 24 Nguyễn Thiệp có thể xảy ra, bởi việc này đe dọa nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình ông Tuân.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương