Vụ án hình sự tại Hưng Yên:

Qua hai cấp tòa nhiều “uẩn khúc” vẫn chưa được làm rõ

(Dân trí) - Mặc dù đã qua hai cấp xét xử, nhưng những người bị hại trong vụ án Đỗ Văn Tùng cố ý gây thương tích tại Hưng Yên vẫn gửi đơn kêu oan, bởi theo họ trong vụ án này còn nhiều “uẩn khúc” cần được làm sáng tỏ.

Qua hai cấp tòa nhiều “uẩn khúc” vẫn chưa được làm rõ - 1
Nạn nhân Lương Đình Khôi khi cấp cứu tại bệnh viện.
 
Theo đó, cả hai cấp toà (sơ thẩm và phúc thẩm) chỉ nhận định có mình Đỗ Văn Tùng gây thương tích cho 4 người và tuyên phạt Tùng 11 năm tù giam; trong khi đó, các bị hại, các nhân chứng và luật sư của bị hại vẫn “khăng khăng” khẳng định và đã đưa ra các chứng cứ chứng minh, trong vụ án này, ngoài Tùng còn có 2 đối tượng nữa là Đỗ Văn Tuân, Đỗ Văn Toàn là anh em ruột của Tùng cũng tham gia gây án, nhưng vẫn “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật.

Phán quyết của 2 cấp tòa toà khiến những người tham gia phiên toà, dư luận và những người bị hại hết sức bất bình. Ngay sau khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc họ đã làm đơn đề nghị Chánh án TAND tối cao, VKSND tối cáo kháng nghị bản án phúc thẩm số 423/2011/HSPT của Tòa phúc thẩm TAND tối cao.

Ngày 18/10/2011, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trung ương có Công văn số 466/VPBCĐ-V.IV gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, có nội dung: “Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhận được đơn (ghi ngày 8/9/2011) của các ông Lương Đình Hoan, Lương Đình Khôi (trú tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) và ông Đào Thế Oai (trú tại Ba Đình, Hà Nội) đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án số 423/2011/HSPT ngày 27/7/2011 của Toà án Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

Nội dung đơn cho rằng Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Phúc thẩm đã không khách quan, kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án dẫn đến bỏ lọt tội phạm”.
 
Qua hai cấp tòa nhiều “uẩn khúc” vẫn chưa được làm rõ - 2
Công văn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Trong đơn kiến nghị gửi Báo Dân trí, gia đình các bị hại cho biết: Ngay sau khi vụ án xảy ra, người bị hại đã tố cáo những kẻ gây án với Cơ quan điều tra và Tùng ra đầu thú, nhưng không hiểu “vướng” mắc gì Cơ quan điều tra đã để sau hơn 1 tháng mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam. Ngoài ra, Luật sư bên bị hại  đã nhiều lần đề nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên thực nghiệm điều tra Đỗ Văn Tùng làm thế nào để đâm chém được 5 người trong hoàn cảnh họ không cùng xuất hiện một lúc và ở vị trí cách xa nhau, tất cả đều bị bị động, bất ngờ không ai có khả năng chống đỡ, nhưng Viện kiểm sát chưa tiến hành thực nghiệm mà đã lý giải, biện hộ : không thể tiến hành thực nghiệm điều tra được vì  Tùng đã khai không nhớ chi tiết diễn biến khi thực hiện tội phạm.

Thêm vào đó là những lời khai chỉ mặt gọi tên của người bị hại là anh Đào Thế Oai, anh Nguyễn Văn Thao và nhiều nhân chứng như chị Lương Thị Hợi, anh Đào Xuân Tiến,… cho thấy còn có một số đối tượng khác cùng tham gia gây án với Đỗ Văn Tùng.

Thiết nghĩ vụ án trên có nhiều dấu hiệu không bình thường, cần phải được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, để xác định có hay không bỏ lọt tội phạm? Kẻ phạm tội phải bị trừng trị nghiêm minh, không thể “nhởn nhơ” ngoài vòng pháp luật để giữ gìn kỷ cương, phép nước.
Vũ Văn Tiến - Thu Hà