Phung phí phòng khám đa khoa nơi huyện nghèo biên giới xứ Nghệ!
(Dân trí) - Mỗi phòng khám đa khoa được đầu tư hơn 10 tỷ đồng để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh… Thế nhưng với nhiều “lý do khách quan” những phòng khám này không phát huy được hiệu quả và đang trong tình trạng nằm “chờ chết”.
Làm phòng khám đồ điện có lắp nhưng… không kéo điện
Đó là thực trạng đã và đang xảy ra tại hai phòng khám đa khoa khu vực ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các xã vùng biên giới ở huyện Kỳ Sơn do điều kiện đi lại khó khăn nên bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Sơn - nay là Trung tâm Y tế huyện đã đầu tư hai phòng khám đa khoa vùng ở xã Huồi Tụ và xã Hữu Kiệm với kinh phí hơn 20 tỷ đồng cho 2 phòng khám này.
Trong đó phòng khám đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ phục vụ khám chữa bệnh cho người dân 9 xã gồm: Phà Đánh, Huồi Tụ, Đoọc Mạy, Na Loi, Keng Đu, Bắc Lý, Mỹ Lý, Mường Lống và Bảo Nam. Đây là 9 xã nằm xa khu vực trung tâm huyện, điều kiện đi lại khá khó khăn. Phòng khám được xây dựng khang trang làm cho người dân phấn khởi vui mừng.
Tuy nhiên, ngay từ khi được đưa vào sử dụng phòng khám đa khoa khu vực này đã bộc lộ những hạn chế, khiến không thể phát huy tác dụng của mình.
“Ngay từ đầu phòng khám đã không có điện, nên việc hoạt động hết sức khó khăn. Các trang thiết bị, hệ thống điện được thì được lắp đầy đủ, nhưng nguồn điện không được kéo xuống thì dĩ nhiên không có điện làm sao sử dụng được. Đặc biệt, với những loại máy móc cần dùng điện thì mới sử dụng được, nhưng đằng này đưa về rồi cũng nằm đó…” - BS Võ Văn Mỹ - Trưởng phòng khám đa khoa khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ chia sẻ.
Ngay từ thời điểm thiết kế, phòng khám này đã bị “quên” mất hạng mục trạm biến áp hạ thế để đấu nối đưa nguồn điện vào phòng khám. Dù trong hệ thống thiết kế xây dựng phòng khám vẫn có hệ thống điện chiếu sáng, quạt, máy tính, máy in… được đầu tư khá đầy đủ. Thế nhưng các thiết bị này lắp xong rồi để đó và không thể sử dụng một lần vì không có nguồn điện.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, thì phòng khám này hầu như không có bất kỳ trang thiết bị phục vụ nào phục vụ cho công tác khám chữa bệnh bởi lý do rất đơn giản: không có nguồn điện.
Theo quan sát của phóng viên nằm ngay sát bờ tường phòng khám có nguyên một đường điện cao thế 250KW chạy qua phần đất. “Đó là đường điện kéo vào phục vụ cho bà con các xã phía trong, không hiểu sao họ không đấu nối để đưa điện xuống đây phục vụ…”, BS Mỹ nói.
Trong làn sương mờ dày đặc ở vùng biên xứ Nghệ dãy nhà 2 tầng khang trang hiện hữu, bên cạnh một dãy nhà cấp 4 gồm nhiều phòng chăm sóc bệnh nhân nằm tọa lạc tại vị trí đất rộng rãi nhưng không thấy một bóng bệnh nhân.
Tại đây, có 2 cán bộ, bác sỹ trực nhưng họ cũng chỉ chờ “đếm thời gian” rồi về nhà vì không có bệnh nhân. Những phòng bệnh đều nằm im lìm trong lớp sương mù, trên các giường bệnh không một bóng bệnh nhân mà nhường lại là những chiếc giường đã mốc meo, nhiều chiếc giường bụi phủ kín, thậm chí có nhiều chiếc giường không có chiếu trải ….
Và đặc biệt, có nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng như: cửa phòng bị mối ăn, nứt, hở hoác … mặc dù mới đưa vào sử dụng được 3 năm nay.
Phần tường ở dãy nhà 2 tầng đã bị thấm nước, cửa được làm bằng gỗ đã mối mọt, cong, vênh, hệ thống điện dù không một lần sử dụng nhưng cũng đã hư hỏng khá nghiêm trọng.
“Hầu hết gỗ làm cửa tại phòng khám này đều chất lượng kém lắm. Các anh nhìn là thấy, mới đưa vào sử dụng chưa đầy 3 năm giờ đã hở hoác, mối leo lên ăn, cong, vênh hết cả rồi …”, BS Mỹ cho biết thêm.
Phòng khám hơn 10 tỷ… chờ ngày “khai tử”
Theo bác sỹ làm nhiệm vụ tại đây, thì một nguyên nhân khác khiến phòng khám đa khoa Phà Đánh - Huồi Tụ không phát huy hiệu quả nay lại càng vắng bóng bệnh nhân là do bắt đầu từ tháng 3/2017, những phòng khám này chỉ được khám và điều trị ngoại trú. Những bệnh nhân điều trị nội trú sẽ không còn được thanh toán bảo hiểm như trước nên dẫn đến không có bệnh nhân.
“Trước kia còn có bệnh nhân điều trị nội trú vì ở đây dù không có điện nhưng được đội ngũ y tế chăm sóc theo dõi diễn biến bệnh tật khá chu đáo. Nhưng giờ nếu điều trị nội trú thì họ không được thanh toán bảo hiểm mà phải tự chi trả vì thế nên bệnh nhân hầu như không ở lại mà đi tuyến trên luôn”, BS Mỹ phân trần.
Trước thực trạng trên, mới đây Sở Y tế Nghệ An cũng đã có buổi làm việc với Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn, UBND huyện Kỳ Sơn tiến tới giải thể những phòng khám này.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Vi Thị Quyên - PCT UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Vấn đề liên quan đến đường điện tại phòng khám khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ thì huyện không thể can thiệp được vì thuộc quản lý của Tập đoàn điện lực quốc gia. Sắp tới nếu giải thể thì cơ sở vật chất tại đây có thể dùng để làm trường học hoặc điểm cấp phát thuốc cai nghiện”.
Liên quan đến vấn đề phòng khám không có điện để hoạt động là một trong những nguyên nhân khiến phòng khám này hoạt động không phát huy hiệu quả, ông Sầm Văn Hải - GĐ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết:
“Ngày xưa những phòng khám khu vực hoạt động như một khoa của bệnh viện đa khoa. Vì hoạt động không có hiệu quả nên không đầu tư. Sắp tới những phòng khám này chắc chắn phải giải thể”.
Trả lời những câu hỏi của phóng viên liên quan đến tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng mặc dù mới đưa vào sử dụng được 3 năm, ông Hải cho biết:
“Vấn đề này huyện đã kiểm tra và có kết luận rồi …”, sau đó ông Hải không trả lời thêm liên quan đến vấn đề trên.
Còn theo ghi nhận của PV, thì tại phòng khám này các Sác sĩ tại đây làm việc hầu như chỉ “khám tay” không có sự hỗ trợ của máy móc thì chẳng khác nào một trạm y tế.
Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi phòng khám khu vực Phà Đánh - Huồi Tụ được đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng nó đã bất cập ngay từ khi xây dựng, thiết kế khi không được cấp điện, không máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh thì liệu ngay từ ban đầu cơ quan chức năng liên quan “vẽ” lên phòng khám này nhằm mục đích gì?
Trong khi tại đây xã nào cũng đã có trạm y tế. Bởi thế ngay từ đầu đề án này đã không “khả thi” vậy tại sao hàng chục tỷ đồng vẫn “đổ” để xây dựng những phòng khám như vậy để rồi chờ “khai tử” gây lãng phí tiền của cho Nhà nước? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi về các cơ quan ban ngành liên quan tỉnh Nghệ An.
Dưới đây là một số hình ảnh phung phí phòng khám đa khoa khu vực hơn 10 tỷ nơi huyện nghèo Kỳ Sơn được PV Dân trí ghi lại:
Nguyễn Duy