Phụ huynh lái xe vào sân trường: Nên cấm hay không?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - "Xe máy được đưa vào tận cửa lớp thì ô tô cũng vậy, linh động sao cho các con đều không bị ướt. Nhà trường hay phụ huynh tất cả đều vì các con, không ai muốn sự việc đau lòng xảy ra".

Như Dân trí thông tin, sáng 16/9, anh N. (32 tuổi, ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) lái ô tô chở con đi học tại trường tiểu học thuộc xã Ea Sin (huyện Krông Búk) và xảy ra va chạm trong sân trường khiến một nữ sinh tử vong, 2 học sinh còn lại bị xây xát nhẹ. Tối cùng ngày, tài xế này bị công an tạm giữ hình sự. 

Phụ huynh lái xe vào sân trường: Nên cấm hay không? - 1

Tài xế N. tại cơ quan công an (Ảnh: Công an cung cấp).

Khinh thường mạng sống người khác!

Vụ tai nạn thương tâm khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ trước cách ứng xử chủ quan, cẩu thả của nam tài xế. Độc giả Tran Ngoc bình luận: "Lái xe vào sân trường là sai rồi. Chẳng lẽ mỗi con nhà ông cần tránh mưa, còn con người khác ướt hết à? Thiếu ý thức". 

"Vị phụ huynh này thể hiện thái độ coi thường quy tắc của nhà trường, coi thường mạng sống của người khác. Pháp luật cần phải xử phạt nghiêm minh với những hành vi này", độc giả Quang Huy tiếp lời. 

Tương tự, anh Hoang Nguyen bày tỏ sự xót xa khi theo dõi sự việc: "Bài học của rất nhiều người, con mình coi như vàng bạc còn con người ta thì xem như rơm rác". 

"Khuôn viên sân trường là nơi các cháu vui chơi, đi lại, quá nguy hiểm đối với hành vi lái xe vào sân trường. Đừng đổ lỗi cho việc xe không có camera lùi hay không, mà vấn đề là ý thức của phụ huynh quá tồi, gây ra sự việc quá bức xúc và đau xót", anh Thanh Dat Nguyen bức xúc.

Dưới góc độ của người thường xuyên phải vận chuyển hàng hóa tới các trường học, độc giả Khang Trần bình luận: "Chạy xe vào sân trường là điều bị cấm tuyệt đối, không hiểu nghĩ gì bao nhiêu em nhỏ như vậy mà dám lao xe vào? Đây là tâm còn gì chứ không phải con người rồi. Cá nhân tôi là người hay phải đi giao vật tư ở nhà trường, khi gặp trẻ lúc tan học về đều phải đợi các em đi về hết mới dám khởi động xe để đi về".

Từ sự việc trên, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý cần có các quy định cụ thể, quản lý chặt chẽ việc đưa phương tiện vào sân trường nhằm tránh những sự việc đau lòng như trên xảy ra. Tuy nhiên, khi chính các thầy cô đang là những người hàng ngày đưa xe vào trong trường, không ít độc giả bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của những quy định này nếu được ban hành. 

"Nhiều trường chính các thầy cô còn đi xe vào trường, vậy sao cấm được người khác? Phải cấm tuyệt đối thì mới không còn chứng kiến bất kỳ một em học sinh nào bỏ mạng vì ô tô trong sân trường", anh Trịnh Việt Cường nhấn mạnh. 

Còn với chủ tài khoản Nguyễn Hoàng, người này đưa ra giải pháp như sau: "Thứ nhất, nên có quy định về đảm bảo an toàn riêng đối với xe bán tải khi lưu thông. Thứ hai, Bộ Giáo dục cũng không thể làm ngơ và cần phải yêu cầu các trường lập các rào chắn, tuyệt đối không cho xe ô tô vào trường. Đối với xe giáo viên phải có lối đi riêng, không đi chung cổng với học sinh". 

Phụ huynh lái xe vào sân trường: Nên cấm hay không? - 2

Hiện trường vụ việc (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trong khi đó, dưới góc nhìn trung lập, bao dung và khách quan hơn, chị Tran Thu Huyen bình luận: "Thứ nhất, trường hợp này là trời mưa nên nhà trường có thể vẫn linh động, cho phép phụ huynh đưa đón con tận nơi. Xe máy được đưa vào tận cửa lớp thì ô tô cũng vậy, linh động sao cho các con đều không bị ướt. Nhà trường hay phụ huynh tất cả đều vì các con, không ai muốn sự việc đau lòng xảy ra. 

Thứ hai, các quy định của Nhà nước dù có được ban hành thì cũng chỉ có thể ở phạm vi nhất định, không thể hoàn toàn nghiêm cấm bởi nếu cấm, phụ huynh dừng đỗ xe ở đâu trong bối cảnh đường xá giao thông, đất đai còn chật hẹp? Nếu để bên ngoài cách 100 mét như quý vị nói thì bãi đỗ xe cơ sở hạ tầng nào đầu tư? Cần nhìn vào vấn đề rằng có một phần lỗi nhỏ ở cách quy hoạch và thiết kế khu vực dừng đỗ xe của lãnh đạo từng nhà trường trong phần lỗi lớn nằm ở thái độ, kỹ năng quan sát và lái xe của tài xế này. 

Mong mọi người nên có cái nhìn khách quan và đa chiều hơn. Ai sai đến đâu có pháp luật xử lý nghiêm minh tới đó. Chúng ta nên phân tích mọi chuyện thật kỹ càng". 

Pháp luật quy định ra sao? 

Trên thực tế, về việc quản lý phương tiện vào sân trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Công văn số 1669/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 27/4/2018 về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục.

Trong đó, Bộ đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục (từ mầm non đến THPT) trên địa bàn không cho phép phương tiện xe cơ giới lưu thông, hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi trong khuôn viên nhà trường; đặt biển báo hạn chế tốc độ, quy định khu vực cấm phương tiện giao thông cá nhân lưu thông và dừng đỗ trong khu vực trường học; đồng thời xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.

Phụ huynh lái xe vào sân trường: Nên cấm hay không? - 3

Hiện trường một vụ tai nạn khác xảy ra trong sân trường hồi tháng 9/2023 tại Nghệ An khiến một học sinh lớp 6 tử vong (Ảnh: T.Hoàng).

Đối với trách nhiệm của nhân viên bảo vệ, cần tăng cường quản lý, bao quát, kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông trong khuôn viên trường học đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các thành viên trong nhà trường, đặc biệt là đối với các em học sinh.

Như vậy, có thể thấy Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục quán triệt thực hiện việc cấm hoặc hạn chế phương tiện xe cơ giới lưu thông trong khu vực có học sinh trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây chỉ là công văn hướng dẫn thực hiện, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, quy định này chỉ mang tính chất tham khảo, hướng dẫn thực hiện chứ không mang tính cưỡng chế, bắt buộc phải thi hành. 

Về nội dung, Công văn nêu trên cũng tồn tại những điểm bất đồng, gây ra sự bối rối trong khâu triển khai thực hiện. Có thể kể tới như quy định về việc "không cho phép phương tiện xe cơ giới lưu thông, hoặc dừng đỗ trái phép trong khu vực có học sinh đang học, sinh hoạt và vui chơi trong khuôn viên nhà trường" nhưng ngay sau đó lại có quy định yêu cầu nhà trường "đặt biển báo hạn chế tốc độ" đối với phương tiện cá nhân lưu thông, dừng đỗ trong khu vực trường học. 

Bên cạnh đó, việc phân về thực hiện tại các địa phương cũng gặp trở ngại bởi điều kiện văn hóa, kinh tế xã hội mỗi địa phương là khác nhau. Việc tham khảo, thực hiện chỉ đạo tại Công văn nêu trên cũng cần được thực hiện ở các mức độ khác nhau nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện áp dụng, triển khai tại địa phương. Do đó, điều này có thể gây ra việc thiếu đồng bộ, nhất quán trong việc thực hiện. 

Do đó, để đưa quy định trên trở thành một quy định bắt buộc, có tính chất cưỡng chế thực hiện, Bộ GD&ĐT cần phối hợp các Bộ, ban ngành, cơ quan chuyên môn có liên quan ban hành hoặc điều chỉnh các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nhằm có những hướng dẫn thực hiện rõ ràng, cụ thể và bắt buộc thực hiện đối với mọi đối tượng.