Hà Nội:
Phớt lờ ý kiến của Văn phòng Chính phủ, sai phạm ở 20 Nguyễn Biểu vẫn tồn tại
(Dân trí) - 18 năm sau ngày Văn phòng Chính phủ ra văn bản kết luận những vi phạm ở tập thể 20 Nguyễn Biểu, đến nay các sai phạm vẫn ngang nhiên tồn tại và có dấu hiệu “leo thang” do cách xử lý thiếu kiên quyết của UBND phường Quán Thánh khiến dư luận bất bình.
Theo tài liệu đại diện các hộ gia đình khu tập thể 20 Nguyễn Biểu cung cấp, từ năm 1995, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản kết luận chỉ ra những sai phạm về xây dựng của hộ gia đình ông Nguyễn Đình Thân (bố ông Nguyễn Ngọc Bảo) trong khu nhà tập thể dành cho cán bộ Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, văn bản số 131/QTI ngày 10/1/1995 yêu cầu gia đình ông Thân phải chấm dứt việc xây ki ốt, xây tường rào trên lối đi. Ngày 20/1/1995, Văn phòng Chính phủ tiếp tục yêu cầu gia đình ông Nguyễn Đình Thân dỡ bỏ công trình xây dựng trên phần diện tích sân chung để trả lại mặt bằng chung khu tập thể.
Ngày 23/8/1995, ông Nguyễn Tôn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 4580/QTI về việc giải quyết đơn thư của tập thể 20 Nguyễn Biểu gửi: UBND quận Ba Đình, UBND phường Quán Thánh, Công an phường Quán Thánh với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, thực hiện thẩm quyền giải quyết các vấn đề nảy sinh (khiếu nại về trật tự xây dựng) tại khu tập thể 20 Nguyễn Biểu.
Đã 18 năm trôi qua, các vi phạm về trật tự xây dựng ở khu tập thể 20 Nguyễn Biểu vẫn được “đặc cách” tồn tại một cách khó hiểu khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi. Cho đến nay, công trình xây dựng trên diện tích sân chung của hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Bảo vẫn chưa bị xử lý. Việc thoát nước của hàng chục hộ gia đình liên tục bị ảnh hưởng do phần diện tích hố ga bị lấn chiếm, không được nạo vét thường xuyên.
Tháng 4/2013, đại diện các hộ dân tiếp tục có đơn gửi ra UBND phường đề nghị giải quyết dứt điểm sai phạm của hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Bảo. Ngày 9/4/2013, Thanh tra xây dựng đã xuống kiểm tra nhưng biên bản cuộc họp lại không phản ánh đúng thực tế. Kết luận của Thanh tra xây dựng cho rằng: “Cống thoát nước hỏng là do xây dựng và sử dụng lâu năm, đường cống này chảy qua nền nhà của ông Nguyễn Ngọc Bảo đã tự ý xây dựng từ trước. Hiện nay, cống thoát nước có hiện tượng tràn ra phố Nguyễn Biểu, nhưng không tràn hay gây đọng nước ở ngõ đi chung nhà số 20 Nguyễn Biểu”.
Từ những lý do trên, Thanh tra xây dựng phường Quán Thánh nhận định hộ ông Nguyễn Ngọc Bảo không có hành vi tái lấn chiếm so với các hạng mục sai phạm đã bị xử lý một lần vào năm 2009. Làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Thái Cẩm cho biết những sai phạm của hộ ông Bảo là quá rõ ràng và kéo dài suốt hàng chục năm, vấn đề còn lại chỉ là UBND phường Quán Thánh có muốn giải quyết hay không”.
Ngày 28/5/2013, bà Phan Thị Ngoan - Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh ban hành văn bản số 88/UBND, yêu cầu ông Nguyễn Ngọc Bảo phá dỡ mái hiên di động và hàng loạt vi phạm khác. Tuy nhiên, cho đến nay những vi phạm về việc lấn chiếm diện tích sân chung chỉ được xử lý theo kiểu cho có.
Khi những sai phạm của hộ ông Bảo vẫn thách thức chính quyền, UBND phường Quán Thánh tiếp tục khiến các hộ gia đình đang sinh sống tại khu tập thể 20 Nguyễn Biểu bất bình khi có dấu hiệu “bao che” cho sai phạm của gia đình ông Nguyễn Minh Đức. Ngày 11/3/2013, Thanh tra xây dựng phường đến kiểm tra theo đơn kiến nghị của người dân nhưng lại cho rằng lý do ông Đức đưa ra cho việc đục tường là để làm ô thoáng là hợp lý, bởi nhà ông Đức quá bí, trong khi 2 buồng ở của ông Đức, trong đó một buồng lấn chiếm trái phép ô văng đều có 3 mặt thoáng.
Để làm rõ nội dung đơn kiến nghị của các hộ gia đình khu tập thể 20 Nguyễn Biểu, ngày 1/7/2013, PV Dân trí đã đến UBND phường Quán Thánh đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND phường về những dấu hiệu bao che cho sai phạm đang tồn tại ở khu tập thể này. Tuy nhiên, cho đến nay UBND phường Quán Thánh vẫn chưa thông báo lịch làm việc mà không có lý do cụ thể.
Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Dân trí, các hộ gia đình khu tập thể 20 Nguyễn Biểu đề nghị UBND quận Ba Đình, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm ra, có biện pháp xử lý dứt điểm những sai phạm tồn tại ở khu tập thể mà Văn phòng Chính phủ từng kết luận, yêu cầu xử lý từ năm 1995.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Ban Bạn đọc