Phóng viên thường trú
H là phóng viên thường trú của một tờ báo lớn tại Hải Phòng. Lâu quá, đến mức anh thấy không cần in “cạcvidít”. Người thành phố quen mặt anh và anh cũng biết mặt họ.
Bạn bè thường đùa da tay của anh mỏng hơn người thường vì bắt tay nhiều! Một hôm, ngoài hành lang cuộc tiếp xúc nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), có cô phóng viên của báo địa phương nhìn các chàng báo “trung ương” thường trú ôm vai bá cổ với các chức sắc thành phố bằng con mắt ít thiện cảm.
Còn H thì ngồi từ xa, ngắm cô, tự nhủ: “Cô ơi! Trông cô dịu dàng như một hạt sương rơi xuống cánh đồng, xin đừng hẹp hòi như thế làm hỏng mất đôi mắt đẹp. Đời “thằng” thường trú chúng tôi không phải lúc nào cũng cứ hớn hở thế đâu!”.
Sướng thì có sướng
Với H, ôm vai bá cổ chẳng có gì sướng. Sướng nhất đời thường trú là tự do. Một mình một cõi, ở xa “mặt trời”. Tự do ngọt ngào đến nỗi H chẳng màng đến chức vụ. Vào một năm nọ, anh được điều về Hà Nội để làm thư ký toà soạn 3 tháng. Trong lúc vui vẻ ngất ngư, trưởng ban thư ký toà soạn - một người tốt bụng - rót mật ngọt vào tai H: “Cố lên! Cái ghế này sẽ của anh”.
H giật mình như Lưu Bị nghe Tào Tháo luận anh hùng. May mà lúc đó đang nắm xôi ăn nên không có đôi đũa nào đánh rơi. Thế là, đúng phút cuối cùng của thời hạn 90 ngày, ba chân bốn cẳng H lặng lẽ lên tàu xuôi Hải Phòng. Ở đó, H có những ngày cuối tuần hạnh phúc: Anh nằm ôm TV xem bóng đá hết đêm, sau Ngoại hạng Anh là đến La Liga (Tây Ban Nha). Sáng ra có ngủ cố thêm vài tí, ban biên tập cũng không phạt, vì có biết đâu mà phạt!
Không như đám phóng viên không thường trú, ở ban kinh tế thì viết kinh tế, ở ban văn hóa thì viết văn hóa..., ở cái thành phố chen chúc gần 2 triệu dân, hằng ngày có đủ thứ chuyện diễn ra trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, thể thao, giáo dục..., H được tự do múa bút viết những thứ mà anh thích: Từ các cô giáo tiểu học xinh đẹp dạy giỏi đến cuộc tranh giành quyền lực trong những công ty cổ phần; từ một ông chủ tịch quận đam mê cải cách hành chính và rất thành công đến những chữ ký tàn sát môi trường. Gần trọn đời người sống ở Hải Phòng, H tỏ tường chuyện thành phố và vẫn “gầm gừ” không giống một con hổ già (anh sinh năm Dần) đến tuổi nghỉ hưu ngồi tiếc thời gian trôi qua như tiếng thở dài.
Cũng là phóng viên thường trú Hải Phòng, D có vợ làm ở báo địa phương, nên anh không có ảo tưởng và đánh giá cao tự do bằng sự giàu có quan hệ. Anh có bạn trong tầng lớp bình dân, miệng luôn nở những nụ cười dễ dãi, đến các quan chức sở, ban, ngành, những người thường già trước tuổi vì nghĩ ngợi nhiều. D cũng thường được bắt tay, ngồi cạnh lãnh đạo thành phố. Nhiều người nói rằng anh sướng.
Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2010. Ảnh: Trường Giang
Nhưng D rất tỉnh (trong nghề cũng vậy, anh luôn nhận thấy cái hay trong mớ tầm thường nhạt nhẽo của cái thường nhật), anh không thấy đỏ tưởng chín. Không phải bắt tay chủ tịch mà anh hành xử tựa mình là phó chủ tịch, như vài phóng viên trẻ thường ngộ nhận. Anh biết rằng đằng sau anh là tờ báo. Nhiều khi cái bắt tay là thể hiện sự trọng thị với tờ báo, không hẳn với cá nhân anh.
Sự quan hệ rộng cũng có mặt trái, càng quảng giao thì món nợ tình cảm càng nặng. H không sợ bị khủng bố, vì anh viết đúng sự thật sẽ không ai dám manh động. H không sợ bị hối lộ, vì bà vợ anh không tham. Phóng viên thường trú sợ nhất là những món nợ tình cảm. Có người xin H đừng đưa bà ta lên báo vì “ngày xưa tôi suýt lấy anh trai của anh”. Anh trai của H mất rồi, H đành chiều theo bà ta.
Là những nhà báo bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của mọi người dân, phóng viên thường trú luôn giành được sự tôn trọng, thiện cảm nhất định trong lòng xã hội. Có một nhà báo đi uống càphê quên tiền. Cô chủ quán có mái tóc màu nước rửa chén, thay vì những lời chua loét, lại tặng anh một nụ cười ngọt lịm: “Anh là nhà báo! Hôm qua em nhìn thấy anh đứng trên TV” và cô hào phóng mời anh tách càphê đó. Nhà báo đó là H “nổ” - phóng viên thường trú của một tờ báo pháp luật phía nam. Những lúc ngồi không, H “nổ” uể oải như một con mèo hen nằm chịu rét. Chỉ cần đánh hơi có việc, cái đầu cạo trọc ngẩng cao như con gà chọi, H “nổ” tuyên bố: Chỉ chiến đấu vì người nghèo, đặc biệt là những số phận bất hạnh bị hắt hủi, bị bỏ quên như một đống rác ven đường cao tốc. Anh sẽ làm được điều đó vì H “nổ” không luồn cúi.
Đỉnh cao trong nghề thường trú ở Hải Phòng là T.G. Anh ta lúc nào cũng cười vui vẻ như tiếng rượu champagne sủi bọt trào ra từ chai Dom Perignon mở nút. Thế nhưng đằng sau cái vẻ một con gia cầm ngây thơ đánh lừa những người nhẹ dạ là một bản lĩnh sắc lẹm, gồ ghề và đa chức năng như con dao chuyên dụng của quân đội. Có vị tổng biên tập đã mắng quân: “Đi làm thường trú thì phải nhìn vào T.G mà học!”. Thế mà T.G cũng phải thở dài...
“Làm thường trú cũng khổ lắm!”
Khổ nhất là đứng giữa hai làn đạn. Một bên là đòi hỏi bài phải nóng, sờ vào bỏng tay, không né tránh, không bỏ sót của ban biên tập. Một bên là lời trách móc: “Ăn cây nào phải biết rào cây ấy” của giới quan chức thành phố. Nhiều lần H bị báo phạt vì “bênh” Hải Phòng thiếu tin, còn thành phố thì giận H là hay chọc chạch. Hải Phòng không phải mảnh đất hứa của báo chí thường trú. Sau các vụ án Đồ Sơn, Quán Nam, thành phố trong lúc ngủ vẫn có một mắt thức để ngó báo chí.
Phóng viên thường trú rất khó (hơn các phóng viên địa phương) tạo được lòng tin để thiết lập mối quan hệ đối tác với những quan chức nào đó, trừ khi anh phải xuôi chiều, lần tường mà đi. Thành phố Hải Phòng nhiều lần mời các phóng viên thường trú ra khỏi cuộc họp, chỉ để lại phóng viên báo địa phương. Và cả những cái ôm vai bá cổ ngoại giao cũng sẽ nhanh chóng biến mất nếu người phóng viên thường trú tỏ ra tò mò với những vấn đề nhạy cảm. Chỉ vì thắc mắc chuyện cấp sổ đỏ cho mảnh đất hiện BigC đang thuê, mà phóng viên bị một phó chủ tịch thành phố “cạch mặt”.
Ngoài những cái bá vai ôm cổ đó, phóng viên thường trú có được ăn từ cái cây nào của thành phố đâu. H đã lấy vợ 30 năm mà chưa bao giờ được nằm giường. Đơn giản vì nhà anh không đủ rộng để kê lấy một cái giường. Trong khi toàn bộ nhân viên UBND TP.Hải Phòng từ người bưng bê nhà khách cho đến lái xe, phục vụ mỗi người được cấp 92m2 đất để bán hay ở tuỳ thích! Quan chức thôi khỏi phải bàn. Hãy nhìn cuộc sống của họ sau khi nghỉ hưu.
Phóng viên thường trú ít bị áp lực công việc. Họ bị thiệt thòi vì phải sống ở tỉnh lẻ, ít có sự kiện mang tầm quốc gia. Do đó họ thiếu động lực cạnh tranh tồn tại. Lâu dần họ dễ trở thành người lười. Họ là thường trú không được thường trốn nên không có điều kiện được mở rộng tầm mắt tới các vùng miền, nói gì tới ra nước ngoài.
Ngoài những nhà báo giỏi như Q.D có lối tư duy kinh tế chính xác như chiếc đồng hồ điện tử loại tốt, có tài đánh hơi phát hiện vấn đề và bám nó dai như con vi khuẩn nhờn thuốc, hay K.T.L tham việc như gã nhà giàu nhưng chưa bao giờ hạ thấp những điều tinh tế bằng sự tán thưởng tầm thường, cũng có phóng viên thường trú quá coi trọng những phẩm chất như tài quảng cáo hơn là khả năng viết báo. Bởi thế đã tồn tại những nhà báo chỉ số IQ cao bằng số tuổi.
Trong suốt cuộc đời chỉ sở hữu vài cái tin kích thước to bằng bao diêm, nếu không kể những bài viết PR tán tụng mọi điều, trừ có chính tả. Trong các cuộc họp, hoặc họ lượn lờ bên ngoài hành lang như con mèo lạc, hoặc họ lăng xăng chụp ảnh với đầy bộ điệu quan trọng. Trên người khoác đầy thiết bị điện tử, trong đầu không có lấy ba cuốn sách. Họ rất hay nổ bằng giọng điệu của diễn đàn ngoài trời, nhưng lại dễ đánh mất mình như đánh mất cái khuy áo. Họ làm méo mó hình ảnh của người làm báo. Rất may, họ chỉ là số rất ít.
Phóng viên thường trú viết bài xong ngồi yên đấy, đơn thương độc mã chờ hứng phản ứng từ phía bạn đọc, chứ không được nhảy tót về Hà Nội nằm trong toà soạn “tránh bão” như phóng viên không thường trú. Phóng viên thường trú phải biết giữ mình vì thành phố bé như cái bàn tay, làm gì ở đâu sai trái tin đồn sẽ lan nhanh như nước chảy trong ống, sáng hôm sau đồng nghiệp ngồi quán càphê đã biết.
21 tháng 6 không phải là ngày kể khổ. Xin được tạm dừng ở đây.
Báo Lao Động