Phó trưởng công an xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không?

Khả Vân

(Dân trí) - Sau khi tôi tranh cãi và có lời lẽ không hay với một chiến sĩ công an, phó trưởng công an xã đã lập biên bản và phạt tiền tôi. Phó công an xã làm vậy có đúng thẩm quyền không?

Tôi đến trụ sở công an xã để giải quyết việc cá nhân. Trong quá trình làm việc, tôi có xảy ra tranh cãi và có lời lẽ không hay với một chiến sĩ công an.

Sau đó, phó trưởng công an xã đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và phạt tiền 2.000.000 đồng đối với tôi vì hành vi gây rối trật tự công cộng. Trong trường hợp này, phó công an xã làm vậy có đúng thẩm quyền không?

Trả lời:

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội cho biết xử phạt hành chính là việc cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền áp dụng chế tài hành chính để xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật không thuộc phạm vi các tội hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự và do các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện một cách vô ý hay cố ý.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người có quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Pháp luật cũng quy định các chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tùy theo từng trường hợp.

Phó trưởng công an xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không? - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng Đội.

Theo Điểm a Khoản 12 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 sửa đổi bổ sung cho Khoản 3 Điều 39 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trưởng công an cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, trưởng công an cấp xã có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền nhưng không quá 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Đối với thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, theo Điều 79 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính thuộc về những đối tượng sau: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều 68, 69, 70, 71, 72, 73, 74, 75, 76 và 77 Nghị định này; Người có thẩm quyền, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Công an viên có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý.

Tuy nhiên, tại Điều 54 quy định về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cấp trưởng được giao quyền xử phạt cho cấp phó. Việc giao quyền phải được thể hiện bằng văn bản, thời gian, phạm vi giao quyền.

Do đó, theo quy định trên thì trưởng công an cấp xã được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cấp phó và theo đó phó trưởng công an có thẩm quyền lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt. Khi có văn bản ủy quyền của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà pháp luật hành chính quy định giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền thì cấp phó dưới sự hướng dẫn, quản lý của cấp trên được quyền ra quyết định xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật.

Đồng thời, theo Điều 12 Pháp lệnh Công an xã năm 2008, phó trưởng công an xã giúp trưởng công an xã thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng công an xã; khi trưởng công an xã vắng mặt thì phó trưởng công an xã được quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng công an xã.

Như vậy, phó công an xã không có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính trừ trường hợp được cấp trưởng (trưởng công an xã) giao quyền bằng văn bản hoặc trường hợp ở xã chưa có trưởng công an.